Hủy thăm Nga - Mũi tên nhiều đích của Kim Jong-un

Sự kiện: Kim Jong Un

Quyết định hủy thăm Nga vào phút chót của lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un được cho là bước đi đã được tính toán kỹ lưỡng từ trước mà ông tiếp thu lại từ người cha quá cố Kim Jong-il.

Hủy thăm Nga - Mũi tên nhiều đích của Kim Jong-un - 1
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Ngày 30.4, giới chức trách Nga xác nhận, ông Kim Jong-un đã quyết định không tới Moscow dự lễ kỷ niệm 70 năm Liên Xô giành chiến thắng trước phát xít Đức, kết thúc chiến tranh Thế giới thứ 2 tại châu Âu ngày 9.5 sắp tới. Theo người phát ngôn của Tổng thống Nga Putin, ông Dmitry Peskov, phía Bình Nhưỡng đưa ra lý do "buộc chân" ông Kim Jong-un là vì “các vấn đề nội bộ Triều Tiên”.

"Ông ấy sẽ không có mặt (ở Moscow). Chúng tôi đã được thông báo về quyết định này thông qua các kênh ngoại giao. Quyết định trên xuất phát từ các vấn đề nội bộ của Triều Tiên", ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố.

Quyết định đảo ngược không sang thăm Nga của lãnh đạo tối cao Kim Jong-un được đưa ra trong bối cảnh cả thế giới đều đã tin chắc rằng, ông Kim sẽ có mặt ở Moscow vào ngày 9.5 tới. Thậm chí, Moscow đã chuẩn bị cho các cuộc hội đàm song phương giữa Tổng thống Nga Putin và lãnh đạo Kim Jong-un: "Chúng tôi đã chuẩn bị cho chuyến thăm này, bao gồm các cuộc hội đàm song phương với lãnh đạo Triều Tiên".

Sự thay đổi bất ngờ của Bình Nhưỡng khiến cả thế giới sửng sốt, theo học giả chính trị chuyên nghiên cứu các vấn đề Mỹ - Trung Niu Baiyu, có thể chính là những gì nhà lãnh đạo Kim Jong-un mong muốn và đã lên kế hoạch chuẩn bị từ lâu.

Trên thực tế, ngay khi Điện Kremlin tiết lộ việc đã gửi lời mời lãnh đạo Triều Tiên tới Moscow dự lễ kỷ niệm 70 năm Liên Xô giành chiến thắng trước phát xít Đức, việc ông Kim Jong-un chấp nhận hay khước từ lời mới đã trở thành chủ đề "nóng", thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

Ông Niu Baiyu nhấn mạnh, tất cả những gì Bình Nhưỡng phải làm chỉ là khiến cho Điện Kremlin dần dần tin rằng, đích đến trong chuyến công du đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ là Nga và từ đó, cả thế giới cũng sẽ tin vào điều này.

Theo học giả Niu Baiyu, khi còn sống và nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên, cha của ông Kim Jong-un, lãnh đạo Kim Jong-il cũng thường sử dụng loại chiến thuật tương tự này để kiểm soát dư luận quốc tế và lợi dụng truyền thông toàn cầu nhằm mục đích gây chú ý, nâng cao hình ảnh.

So sánh một cách đơn giản, chiến thuật "đùa bỡn" với các nhà quan sát chính trị cũng như giới truyền thông toàn cầu của ông Kim Jong-un  giống như một ngôi sao ca nhạc quyết định hủy buổi biểu diễn và phút chót. Và mức độ thất vọng của dư luận đối với quyết định này chứng tỏ chiến thuật này dù không mới mẻ vẫn mang lại hiệu quả bất ngờ.
 
Sự thành công của chiến thuật này dường như đã giúp nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhắc nhở cộng đồng thế giới rằng, Triều Tiên vẫn đóng một vai trò nhất định trên sân khấu chính trị quốc tế mà không cần phải sử dụng đến những "vũ khí" gây tranh cãi khác - chẳng hạn thử hạt nhân, có thể khiến cộng đồng thế giới dậy sóng.

Hủy thăm Nga - Mũi tên nhiều đích của Kim Jong-un - 2
Ông Kim Jong-un trong một chuyến thị sát.
Theo học giả Niu Baiyu, quyết định không sang thăm Nga của nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên là một quyết định hợp lý. Không có gì phải nghi ngờ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có mặt ở Moscow và chắc chắn sẽ được xếp ở vị trí trang trọng nhất trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm Liên Xô giành chiến thắng trước phát xít Đức.

 

Do mối quan hệ với Triều Tiên mang tính chất rất nhạy cảm, việc xếp ông Kim Jong-un bên cạnh lãnh đạo các nước nhỏ hơn sẽ khiến Bình Nhưỡng bất mãn. Trong khi đó, việc đặt ông Kim Jong-un ngang hàng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Putin sẽ phá vỡ các quy tắc của Moscow đồng thời cũng sẽ làm mếch lòng Bắc Kinh.

Ngoài ra, học giả Niu Baiyu còn nhận định, nhà lãnh đạo Kim Jong-un chắc chắn hiểu rằng, quyết định công du Nga trước khi thăm Trung Quốc của ông sẽ làm mếch lòng Bắc Kinh và cuộc giáp mặt với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Moscow cũng sẽ gây ra sự bất tiện, khó xử. Không thể phủ nhận, Bình Nhưỡng vẫn đang phụ thuộc vào Bắc Kinh. Do đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un chắc chắn có khả năng lường trước những hậu quả thảm khốc nếu cố tình "chọc giận" Bắc Kinh.

Theo ông Niu Baiyu, lý do "giải quyết các công việc nội bộ" để khước từ lời mời của Moscow chỉ là một cái cớ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un không ngừng chứng tỏ ông đã củng cố được quyền lực của mình sau khi thanh trừng hàng loạt nhân vật đối kháng trong đó bao gồm cả người chú rể Jang Song-thaek (bị xử tử vì tội phản quốc tháng 12.2013).

Sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên hủy bỏ chuyến thăm Moscow, hiện lại nổi lên tin đồn cho rằng, ông hành động  như vậy để thuyết phục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 8 tới.

Cụ thể, tin đồn nổi lên cho rằng, ông Kim Jong-un dự định thăm Bắc Kinh vào tháng 9 tới để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm phát xít Nhật bị đánh bại do Trung Quốc tổ chức. Bù lại, lãnh đạo Triều Tiên muốn Chủ tịch Tập đến thăm Bình Nhưỡng để tham dự lễ kỷ niệm riêng do nước này tổ chức vào tháng 8.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Kim Jong Un Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN