Bổ nhiệm người nhà "đúng quy trình": Tham nhũng quyền lực làm nguy hại xã hội!

Sự kiện: Thời sự

Hầu hết những sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ vừa được Ủy ban kiểm tra Trung ương chỉ mặt, đặt tên trước đó đều được các cơ quan chức năng cho rằng “đúng quy trình”, theo ông Lê Như Tiến đó là vì họ đã “dùng quy trình để hợp thức hóa những cái sai”.

Bổ nhiệm người nhà "đúng quy trình": Tham nhũng quyền lực làm nguy hại xã hội! - 1

Giám đốc sở 30 tuổi Lê Phước Hoài Bảo (trái), con trai nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ quyết định bổ nhiệm Giám đốc Sở.

Dùng quy trình để hợp thức hóa cái sai

Trao đổi với PV Infonet, ĐBQH khóa XIII Lê Như Tiến cho rằng: Việc  kỷ luật một số cán bộ liên quan đến công tác cán bộ, trong đó đáng lưu ý là những cán bộ đang đương chức trước hết thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc phòng chống tiêu cực, phòng chống tham nhũng.

“Lâu nay nhắc đến tham nhũng người ta chỉ nghĩ đến tham nhũng tiền bạc, tham nhũng đất đai, nhà công vụ hay ô tô công… nhưng không thấy có một loại tham nhũng đó là tham nhũng quyền lực. Đây là loại tham nhũng nguy hiểm vô cùng. Tham nhũng ấy làm băng hoại giá trị đạo đức của cả một thế hệ hoặc nhiều thế hệ.  Đã tham nhũng quyền lực trong công tác cán bộ, khi được vào vị trí rồi thì người được bổ nhiệm cất nhắc không đúng cả tâm lẫn tầm. Người ta không chỉ làm nguy hại cho cơ quan ấy, tổ chức ấy mà còn làm nguy hại chung cho cả xã hội, sự nguy hại mang tính chất lâu dài”- ông Lê Như Tiến nói.

Đáng lưu ý, hầu hết những sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ vừa được Ủy ban kiểm tra Trung ương điểm danh trước đó đều có những kết luận “đúng quy trình”, theo ông Tiến là vì họ đã “dùng quy trình để hợp thức hóa những cái sai của mình”.

“Ví dụ quy trình có thể đúng nhưng đầu vào của quy trình là những người không đủ  chuẩn, không đủ đức tài, không đủ tâm tầm thì rõ ràng quy trình đúng nhưng đầu vào quy trình lại là sai. Bởi anh không chọn những người xứng đáng, có khi là dăm bảy người ứng cử nhưng anh loại hết đi chỉ đưa một người vào thôi thì quy trình đó vẫn không sai nhưng đầu ra quy trình vẫn là những người không đủ tâm, đủ tầm mà thôi.

Giống như làm một cây giò, dù anh làm đúng quy trình gồm: giã, cuộn, đun, ninh mười mấy tiếng nhưng đầu vào anh chọn những miếng thịt không tươi, ôi thiu thì thành phẩm vẫn là miếng giò ôi thiu”- ông Tiến nhấn mạnh.

Cho nên, ông Lê Như Tiến cho rằng “đầu vào của quy trình mới là quan trọng. Trên thực tế trong thời gian qua thấy một loạt  (nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương đưa con vào cũng đúng quy trình nhưng khi kiểm tra lại không đúng, không đủ năng lực phẩm chất; một Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, rồi một ông nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam, hay Vĩnh Phúc vừa rồi…) cho thấy bài học đầu vào của công tác cán bộ rất quan trọng chứ  không phải dùng quy trình để lấp liếm cái sai của mình, để hợp thức hóa cái sai của mình”.

Theo đó, ông Tiến nhấn mạnh, đầu vào của công tác cán bộ phải làm rất chặt chẽ, phải có sự lựa chọn sàng lọc trong số những người ưu tú để chọn ra người ưu tú chứ không phải thực hiện đúng quy trình nhưng loại hết người ưu tú ra, giữ lại  người thuộc loại khiêm tốn về trình độ, năng lực  kém về phẩm chất để đưa vào quy trình.

“Đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan làm tổ chức, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu. Bởi vì người đứng đầu mà lại thao túng quyền lực rồi mà lại cho người thân hoặc gia đình của ông ta vào thì không bao giờ khách quan, trung thực và minh bạch được. Mà người đứng đầu lũng đoạn thì cấp dưới khó có thể làm khác được”- ông Tiến nói.

Bổ nhiệm người nhà "đúng quy trình": Tham nhũng quyền lực làm nguy hại xã hội! - 2

ĐBQH Lê Như Tiến: Người đứng đầu mà lũng đoạn thì cấp dưới khó làm khác được.

Tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan

Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Lê Như Tiến mong muốn tiếp tục làm rõ trách nhiệm của những cơ quan chức năng liên quan đến công tác này. Ví dụ như Bộ Nội vụ, Vụ tổ chức cán bộ của các Bộ ngành, Ban Tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy…

 “Ở đây không dám nói đằng sau đó có vấn đề gì không nhưng ít nhất trách nhiệm là anh phải xem xét toàn diện, và kết luận một cách khách quan, trung thực nhất. Tuy nhiên cơ quan trách nhiệm đã không thực hiện đúng. Bởi vì thế Ủy ban kiểm tra Trung ương mới phải vào cuộc” – ông Tiến phân tích.

Ông Tiến đánh giá, “tham nhũng quyền lực” thời gian qua xảy ra khắp nơi, ở tất cả các vùng miền trên cả nước. Từ miền Bắc, miền Nam cho đến miền Trung. Tần suất xuất hiện dày đặc trong thời gian vừa qua và vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt vi phạm về tính minh bạch thiếu dân chủ, tập trung trong công tác cán bộ và lơi lỏng kiểm soát trong công tác cán bộ. Do đó, cũng cần phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu những nơi để xảy ra những việc như thế. “Anh không thể nói vô can được” – ông Tiến khẳng định.

Giải pháp đặt ra theo ông Tiến là phải minh bạch, công khai trong công tác tuyển dụng. Phải lựa chọn những người thực sự xứng đáng, tiêu biểu để đưa vào  đầu vào của quy trình. Theo đó “nếu như chúng ta vẫn còn tình trạng công tác cán bộ dựa trên 5C  - “con cháu các cụ cả” như trong thời gian vừa qua; hay nếu như 5C mà lại dựa trên tiêu chí : “tiền tệ - quan hệ - đồ đệ- ngoại lệ - trí tuệ” thì rõ ràng công tác cán bộ của chúng ta sẽ bị thụt lùi. Nếu không được phát hiện ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến 5Đ – "đố đưa đi đâu được; đố điều đi đâu được”.

“Rất may là Ủy ban kiểm tra Trung ương vừa qua đã vào cuộc kịp thời nhanh chóng, thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng, đặc biệt tham nhũng quyền lực”- ông Tiến kết luận.

Ai nâng đỡ ông Lê Phước Hoài Bảo thăng tiến?

Nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh nhận trách nhiệm đối với các vi phạm của bản thân nhưng cho rằng cần xem...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo N.Huyền (Infonet)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN