Ba mẹ con, lay lắt một cảnh ngộ

Một người mẹ già gần 90 tuổi, lưng còng rạp vẫn làm đủ mọi việc để mong làm chỗ dựa cho các con.

Một người mù, sáng sáng vẫn dắt bò ra đồng kiếm cỏ. Người mù còn lại ở nhà rửa bát, quét nhà, nấu cơm. Một người mẹ già gần 90 tuổi, lưng còng rạp vẫn làm đủ mọi việc để mong làm chỗ dựa cho các con. Ba mẹ con, một số phận, tối tăm, cực khổ ngày ngày dựa vào nhau lay lắt sống.
 
Sống trong bóng tối

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ẩm thấp, tường vôi bong tróc, mái nhà vá víu với những mảnh áo mưa, bạt khiến cho không khí của cuộc nói chuyện trở nên ngột ngạt. Bà Đinh Thị Mai, 88 tuổi, tại xóm 2, xã Nga Thành, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa buồn bã kể về cuộc đời khó nhọc của mình.

Bà Mai kể, chồng bà là thương binh trong kháng chiến chống Pháp, còn bà cũng từng gánh gạo phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Hai ông bà đến với nhau rồi sinh được năm cô con gái. Tiếc thay, cô con gái thứ ba và cô út sinh ra đã không được bình thường. Cô con gái thứ ba Đoàn Thị Đợi ngay từ khi chào đời đôi mắt đã mù lòa, ốm đau dặt dẹo. Càng lớn, cô Đợi càng lộ rõ những biểu hiện của căn bệnh tâm thần. Còn cô con gái út Đoàn Thị Thêm khi lên 8 tuổi cũng bị mù như cô chị. Học hành dang dở, cuộc đời cô bắt đầu làm quen với bóng tối.

Nhắc đến chuyện bệnh tật của các con, dường như những nỗi đau uất nghẹn lại trào lên trong tim người mẹ. Bà Mai lấy vạt áo lau vội dòng nước mắt: “Bao lâu nay, bà cũng năm lần bảy lượt đưa chị em nó đi khám chữa bệnh đấy chứ, nhưng viện nào cũng trả về hết, có chữa được đâu. Giờ bà còn sống để làm chỗ dựa cho chúng nó, chứ bà chết đi rồi, thì bọn chúng phải làm sao hả cháu?”.

Ba mẹ con, lay lắt một cảnh ngộ - 1

Bà Mai và cô con gái út mù lòa. Ảnh: TG

Cuộc sống trở nên bế tắc khiến nhiều lúc bà Mai ngửa cổ than trời: “Sao không chết sớm đi cho thanh thản. Sống mà khổ sở thế này thì chết đi có phải hơn không”. Nhắc đến chuyện này, tôi thấy bà Mai lại rơm rớm nước mắt, những giọt nước mắt héo hon của tuổi già.

Bà Mai đang nói chuyện cùng chúng tôi thì chị Thêm được các cháu dẫn đi chơi về. Mặc bộ quần áo rách rưới, tóc tai rối bời, đôi mắt vô hồn, trống rỗng, chị Thiêm thật thà tâm sự: Đã 41 tuổi, nhưng mọi việc đều phải trông cậy vào bàn tay chăm sóc của mẹ. Nhiều lần, chị nấu cơm nhưng do không nhìn thấy nên đổ nhầm tro vào nồi. Có lần nấu cơm, chị bị than bắn lên làm cháy quần áo mà vẫn không hề hay biết. Mãi đến khi có người hô lên thì áo đã cháy mất một mảng to.

Mặc dù thế, chị Thiêm vẫn cố làm để đỡ đần mẹ phần nào. Chị nói: “Tôi chỉ việc cho củi vào bếp thôi, nghe tiếng nước sôi thì bỏ rau, nghe tiếng nổ tạch tạch thì biết cạn nước. Nhà nghèo, nên bữa nào cũng chỉ ăn canh rau đạm bạc, chứ biết nấu nướng gì nhiều đâu mà”. Chị cũng cố gắng làm những việc lặt vặt như rửa bát, quét nhà, chỉ có điều, bát rửa cứ dăm bữa nửa tháng là sứt mẻ, vỡ nát, nhà quét nhát trước nhát sau, chỗ có, chỗ không.

Chị Đợi, con gái thứ ba của bà Mai tuy bị mù lòa, nhưng gia đình từ lâu cũng cố mua con bò cho chị đi chăn. Đã không nhìn thấy gì, tính tình lại ngây ngây, ngô ngô, nên chị đi chăn bò chủ yếu là nhờ sự giúp đỡ của những người hàng xóm. Theo như lời con rể thứ hai của bà Mai thì phải gọi cách đi chăm bò của chị Đợi là “Sáng bò dắt người đi, trưa bò dắt người về”. Con bò chủ động đi đâu, thì người chạy theo đó. Chị Thêm kể: “Hôm vừa rồi trời mưa to, chị ấy dắt bò về được đến đầu ngõ rồi, thế mà lại để bò chạy đi mất. Chị ấy đứng đầu ngõ khóc tu tu, mọi người lại phải chia nhau ra, người thì đi tìm bò, người thì chạy ra dẫn chị ấy về dỗ dành”.
 
Tương lai mù mịt

Nhìn ngắm trọn vẹn “ngôi nhà bé nhỏ” của bà mẹ con bà Mai, đi vào căn bếp trống hoác của gia đình, trông rổ bát sứt mẻ của ba mẹ con bà,… mới thấm thía những cực khổ mà ba thân phận con người này đang phải gánh chịu.

Ba mẹ con, lay lắt một cảnh ngộ - 2

Căn nhà nhỏ của ba mẹ con bà Mai. Ảnh: TG

Bà Mai có ba cô con gái đã xây dựng gia đình, nhưng gia cảnh của các cô cũng nghèo khó. Cũng may, cô con gái thứ tư Đoàn Thị Chờ đi lấy chồng, vợ chồng lại chuyển lên ở cạnh nhà mẹ để đỡ đần. Chị Chờ vừa lau nước mắt vừa nói: “Nhà tôi cũng nghèo túng, có miếng nào ngon thì mang cho mẹ và em ăn cùng, chứ nào có giúp được gì đâu. Có chăng, tôi ở gần đây thì khi có việc gì nặng nhọc, vợ chồng tôi còn gánh vác cho. Thương mẹ, thương em đứt ruột mà chẳng biết phải làm sao”.

Trước khi ông qua đời năm 2000, gia cảnh tuy cũng có túng quẫn, nhưng dẫu sao còn có đồng lương của chồng để đỡ đần. Còn từ khi ông mất cho đến nay, mọi chế độ bị cắt, một mình bà Mai phải chăm sóc hai cô con gái bệnh tật. Hai chị em Đợi và Thêm gần đây mới được hưởng chế độ trợ cấp cho người tàn tật, tổng cộng gần 600.000đ/tháng. Với số tiền ít ỏi ấy, mấy mẹ con rau cháo nuôi nhau, có những khi không còn tiền mua thức ăn, ba mẹ con chỉ biết ăn muối trắng cho qua bữa.

Mấy năm gần đây, bà Mai cũng cho hai chị em vào Hội Người mù của huyện Nga Sơn để có thêm cơ hội giao lưu với bên ngoài, mở rộng kiến thức. Tết năm nào hai người cũng được Hội “mừng tuổi” cho mỗi người một yến gạo. Với gia đình bà Mai, món quà nhỏ ấy lại mang ý nghĩa cực kỳ lớn lao vì sự sẻ chia của mọi người đến với gia cảnh nghèo khó của bà.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Mai (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN