Chiến binh bị chém lìa tay vẫn đánh tan cứ điểm quân Nhật

Sự kiện: Vũ khí quân sự

Trung úy Anh George Albert Cairns đã trở thành huyền thoại khi bị đối phương chém gần đứt lìa tay trái nhưng vẫn lăn xả giáp lá cà, giúp đồng đội chiếm ngọn đồi chiến lược từ tay phát xít Nhật.

Chiến binh bị chém lìa tay vẫn đánh tan cứ điểm quân Nhật - 1

Đơn vị Chindit hành quân qua sông ở Myanmar năm 1943.

Theo War History Online, George Albert Cairns sinh ngày 12.12.1913 ở London, Anh. Ông là nhân viên ngân hàng trước khi gia nhập quân đội với hàm trung úy.

Trong Thế chiến 2, ông được điều động đến Myanmar, thuộc tiểu đoàn Chindit, lữ đoàn bộ binh Ấn Độ số 77. Đây là đơn vị đặc nhiệm chuyên dùng chiến thuật du kích chống phát xít Nhật, do Chuẩn tướng Orde Charles Wingate chỉ huy.

Tháng 2.1943, đơn vị Chindits mở Chiến dịch Longcloth. Tướng Wingate cùng 3.000 chiến binh có nhiệm vụ phá hoại tuyến đường liên lạc, vận tải và cung ứng của Nhật Bản.

Chiến dịch đó trở thành thảm họa khi những người lính không những phải đối mặt với quân địch, mà con cả sốt rét, kiết lị và các bệnh nhiệt đới khác. Cho đến tháng 3.1943, Wingate ra lệnh rút quân.

Chiến binh bị chém lìa tay vẫn đánh tan cứ điểm quân Nhật - 2

Tái hiện lại cảnh giao chiến giữa liên quan và phát xít Nhật trên đỉnh Đồi Chùa.

Trong số 2.182 người trở về, 600 người bị ốm đến mức không còn khả năng chiến đấu. Tất nhiên, Cairns không nằm trong số này.

Tháng 3.1944, lữ đoàn 77 tham gia chiến dịch Thursday. Họ di chuyển bằng đường bộ và đường không tấn công các vị trí quân Nhật ở Myanmar.

Tổng cộng có 10.000 người tham gia chiến dịch này, một số di chuyển bằng đường bộ, những người khác nhảy dù từ máy bay vận tải.

Binh sĩ liên quân hầu như không vấp phải sự kháng cự, bởi đa số chiến đấu cơ Nhật Bản đã bị phá hủy trong các trận tập kích sân bay. Cairns nằm trong đội hình tiên phong dưới quyền Chuẩn tướng Michael Calvert, chỉ huy mới của Lữ đoàn 77.

Đơn vị của Cairns xâm nhập cứ điểm quân Nhật bằng tàu lượn. Việc trinh sát kém hiệu quả khiến quân Anh không phát hiện các mương nước và cây đổ ở khu vực hạ cánh.

Chiến binh bị chém lìa tay vẫn đánh tan cứ điểm quân Nhật - 3

Trung úy George Albert Cairns.

Đơn vị tàu lượn đầu tiên gặp tai nạn làm 30 người chết và 28 người bị thương. Nhóm của Cairns đi sau được giao nhiệm vụ bảo vệ, dọn dẹp bãi đáp để tàu lượn hạ cánh.

Sau đó, họ phải luồn sâu trong lãnh thổ Myanmar để phá hủy hệ thống liên lạc, tuyến đường tiếp tế và vận tải của quân Nhật.

Ngày 12.3, đơn vị của Cairns cùng với một  phong tỏa tuyến đường bộ và đường sắt ở Henu và Mawlu. Họ đào hầm ở một bên ngọn đồi có một ngôi chùa trên đỉnh, nên gọi là Đồi Chùa.

Mặc dù gây ra tiếng ồn nhưng quân Nhật không hề phát hiện sự có mặt của nhóm lính đặc nhiệm Anh. Đến sáng hôm sau, toán lính Nhật hùng hậu đụng độ với tiểu đoàn Chindit và chiến binh Gurkha trên đỉnh đồi.

Cuộc chiến đấu giáp lá cà nổ ra trên khoảnh đất chật hẹp chỉ rộng bằng 2 sân bóng tennis vào lúc 11 giờ sáng. Xung quanh ngôi chùa tràn ngập hàng trăm lính Anh, Ấn Độ, chiến binh Gurkha, lính châu Phi và quân Nhật sử dụng lưỡi lê, kiếm, lựu đạn, thậm chí cả gậy gộc, gạch đá để giao chiến với nhau ở cự ly gần.

"Trên đỉnh Đồi Chùa, ở các sườn đồi, đội hình liên quân của Tiểu đoàn Chindit, Trung đoàn Nam Stafford và lính Nhật dùng lưỡi lê chiến đấu giáp lá cà. Một số lính Nhật ném lựu đạn vào bên sườn liên quân. Trên đỉnh đồi, hai bên đâm lê, bắn nhau, đấm đá nhau ác liệt", tướng Calvert nhớ lại.

Chiến binh bị chém lìa tay vẫn đánh tan cứ điểm quân Nhật - 4

George Albert Cairns được truy tặng Huân chương Victoria, huân chương cao quý nhất của quân đội Anh.

Tướng Calvert chứng kiến cảnh trung úy Cairns bắn hạ một sĩ quan Nhật ở khoảng cách gần, dù bị thanh kiếm của sĩ quan này chém trúng tay.

Cairns không giơ được tay trái lên vì cánh tay gần như đứt lìa. Hành động cuối cùng của binh lính Nhật khiến Cairns vĩnh viễn mất đi cánh tay trái.

Trong lúc quần thảo, Cairns tiếp tục bị lính Nhật dùng lưỡi lê đâm trúng hông hai lần. Vào thời khắc đó, chỉ có sức mạnh tinh thần mới giúp ông tiếp tục chiến đấu.

Cuối cùng, đơn vị Chindit chịu tổn thất ít hơn nhờ tinh thần chiến đấu quả cảm của Cairns và các đồng đội. Quân Nhật sau đó đã phải rút chạy sang sườn đồi bên kia.

Khi đó, Cairns mới đổ gục xuống và tướng Calvert chạy đến bên cạnh. "Chúng ta đã thắng chưa, thưa ngài?”, trung úy Cairns nói với chỉ huy. “Mọi việc ổn cả chứ? Đừng lo lắng cho tôi".

Cairns hy sinh vào ngày hôm sau vì vết thương quá nặng. Nhờ hành động chiến đấu ngoan cường, George Albert Cairns được truy tặng Huân chương Victoria, huân chương cao quý nhất của quân đội Anh vào ngày 19.5.1949.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - War History Online ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN