Sắp tới sẽ còn nhiều trận mưa đá và dông lốc nguy hiểm

Ông Vũ Anh Tuấn -  Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn ngắn (Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia) cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn của NTNN ngày 30.3.

Trong những ngày qua có nhiều trận mưa bất thường gây lũ lụt ở nhiều địa phương, một số nơi xảy ra hiện tượng mưa đá và xuất hiện cả lũ, trung tâm có đánh giá gì?

- Theo tôi theo dõi, không phải đến năm nay ở nước ta mới xảy ra hiện tượng dông lốc và mưa đá mà nhiều năm trở lại đây đã có xuất hiện vào thời gian chuyển mùa từ tháng 3, tháng 4 và đến tháng 5. Điển hình có thể thấy qua hai trận mưa đá vừa rồi xảy ra tại huyện Mường Khương (Lào Cai) ngày 24.3 và Tương Dương (Nghệ An) ngày 29.3.

Sắp tới sẽ còn nhiều trận mưa đá và dông lốc nguy hiểm - 1
Nhà dân bị tốc mái do lốc xoáy xảy ra tối 29.3 tại xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Tháng 5 bắt đầu chuyển sang mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ, thời kỳ này có sự giao tranh giữa mùa khô và mùa mưa, sẽ xuất hiện nhiều những cơn dông, mà với những cơn dông như thế thì tần suất xảy ra mưa đá và dông tố lốc là rất lớn. Thời kỳ này thực sự rất đáng lo ngại, phải chú ý đến việc cảnh báo cho người dân đề phòng.

Đáng nói hơn là năm nay thời tiết cho thấy rất bất thường. Ví như từ đầu tháng 1 đến nay, ít nhất đã xuất hiện hai kiểu thời tiết bất thường, đó là vào ngày 9 và ngày 11.1 đã có mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ, mà rõ ràng tháng 1 là tháng mùa đông như các năm trước không có chuyện xảy ra mưa cục bộ lớn.

Điều bất thường thứ hai là mưa ở Trung Bộ từ ngày 25 đến 28.3, trong khi đó thời kỳ tháng 3 và tháng 4 là lúc khô hanh ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên. Mưa xảy ra trên khu vực hẹp, cường độ lớn với tổng lượng mưa trong 2 ngày đo được lên đến từ 100 - 200mm ở nhiều nơi. Đặc biệt tại Trạm Giá Vực (Quảng Ngãi) đo được lượng mưa kỷ lục gần 500mm, lớn hơn gấp nhiều lần so với lượng mưa trung bình trong tháng 3 nhiều năm qua. Lượng nước khổng lồ này, đã tạo ra đợt lũ lớn nhất trong 10 năm trở lại đây trên sông Trà Khúc.

Còn về tình hình các cơn bão có gì đáng chú ý?

Quan điểm

Ông Vũ Anh Tuấn
 Các ngành chức năng địa phương cần nắm rõ thông tin và tuyên truyền cho người dân phòng tránh, đặc biệt là hiện tượng mưa cục bộ gây sạt lở đất ở khu vực Bắc Bộ và mưa dông, tố lốc, mưa đá ở Trung Bộ và Tây Nguyên”. 
- Theo như mọi năm thì từ tháng 5 trở đi mới bắt đầu xuất hiện bão trên biển Thái Bình Dương, và tháng 6 mới xuất hiện ở Biển Đông, nhưng năm nay, mới đến hết tháng 3 đã xuất hiện 4 cơn bão, kể cả cơn bão Mây Sắc đang ở ngoài Thái Bình Dương, dù rất xa song không loại trừ khả năng nó sẽ vào Biển Đông vào ngày mùng 5 và mùng 6.4 tới. Trước sự xuất hiện dị thường của các cơn bão, trung tâm đang theo rất sát, nếu có chuyển biến nguy hiểm sẽ thông tin ngay cho người dân biết để phòng tránh.

 

Trong thời gian tới liệu có còn những hiện tượng thời tiết bất thường giống như thời gian vừa qua không?

- Để dự báo được trong thời gian tiếp theo, thì chúng tôi cũng phải căn cứ vào tình hình khí hậu cụ thể. Nhưng chúng ta cũng phải biết rằng, hiện miền Bắc đang bước vào thời kỳ chuyển mùa, từ mùa lạnh sang mùa nắng nóng, phải đặc biệt lưu ý về dông tố, lốc và mưa đá, nhất là khu vực miền núi phía Bắc. Đối với khu vực Trung Bộ đang là mùa khô, nên với các trận mưa vừa rồi đã giải quyết được phần nào việc hạn hán tạm thời, chứ chưa dứt điểm. Tuy nhiên, trong thời gian tới sẽ vẫn có khả năng còn xảy ra hiện tượng mưa bất thường, nhưng tần suất sẽ rất ít.

Lưu ý đối với khu vực Trung Bộ từ nay đến tháng 8 sẽ xuất hiện nhiều đợt nắng nóng nữa nhưng sẽ bớt gay gắt hơn, tình hình khô hạn sẽ tiếp tục kéo dài. Đối với khu vực Tây Nguyên cũng đang trong thời kỳ khô hạn, tuy nhiên từ giờ đến tháng 5 sẽ có xuất hiện nhiều những cơn dông cục bộ, có mưa và mang một lượng nước nhất định, làm giảm hạn tạm thời cho khu vực trên. Nhưng cơn dông này là kiểu thời tiết cực đoan, sẽ xuất hiện dông lốc và mưa đá giống như miền Bắc và Đông Nam Bộ, gây nguy hiểm cho người dân và hoa màu.

Xin cảm ơn ông!

Lốc xoáy kèm mưa đá, 200 ngôi nhà bị tốc mái

Chiều 30.3, tin từ UBND xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), trận mưa đá kèm lốc xoáy kéo dài 20 phút xảy ra vào tối 29.3 quét qua địa bàn xã Kỳ Sơn và 4 xóm của xã Kỳ Lâm làm gần 200  ngôi nhà tốc mái, trong đó 12 nhà bị tốc mái hoàn toàn, 16 căn bếp bị đổ sập, 45ha hoa màu (sắn và lạc) bị hư hại nặng. Các công trình như trụ sở UBND xã, điểm bưu điện văn hóa, trường học, chợ nông thôn cũng bị lốc cuốn gây hư hại, 4 cột điện gãy. Lốc xoáy xuất hiện cùng mưa đá có kích thước lớn làm ngói rơi trúng đầu bà Bùi Thị Thắm (ở xóm Mỹ Lạc, xã Kỳ Sơn), khiến bà phải nhập viện khâu vết thương.      

Hữu Anh

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Quang (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN