"Bắt mạch" kinh tế đầu năm

Nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã tính kế hoạch đầu tư đón đầu đà phục hồi kinh tế, song cũng không ít doanh nghiệp vẫn tỏ ra bối rối vì chưa tìm thấy tín hiệu vui từ thị trường.

Đầu tư đón đà phục hồi

Mặc dù vẫn đánh giá tình hình kinh tế năm nay tiếp tục khó khăn song nhiều doanh nghiệp (DN) đã tính đầu tư cho kế hoạch dài hơi. Anh Phan Văn Hiếu - Chủ tịch HĐQT Cty Tân Hưng Yên cho biết sẽ mở một cửa hàng xe máy trên diện tích 3.000m2 tại Hòa Khánh (Q. Liên Chiểu) vào mùa hè này. Theo anh, đây là khu vực trung tâm của vùng Tây Bắc đang được TP tập trung phát triển. Trong tương lai gần, với sự phát triển đô thị sầm uất cùng với nhu cầu rất lớn từ công nhân, sinh viên nên đầu tư một cửa hàng xe máy quy mô lớn, tiêu chuẩn chất lượng cao sẽ không phải quyết là định mạo hiểm.

Anh Hiếu nói, khó cực điểm như năm qua nhưng DN vẫn vượt qua được và trưởng thành lên nhiều, giờ là lúc phải bung ra đầu tư để đón đầu đà phục hồi kinh tế. Từ khó khăn anh nhận ra rằng nếu chung thủy với nghề mình đã gắn bó bao lâu nay thì sóng gió cỡ nào cũng vượt qua được. Việc đầu tư vào nghề tay phải của mình, với kinh nghiệm, nhân lực sẵn có, dù lợi nhuận không cao so với các nghề mới nổi song khả năng thất bại rất thấp. Bởi, đầu tư ngoài lĩnh vực sở trường của mình, sinh lời nhiều song rủi ro cũng rất lớn. Thực tế nhiều DN rất mạnh đã ngã ngựa khi khủng hoảng xảy ra chỉ vì “đi bằng chân trái”.

Anh Nguyễn Hồng Sinh - Giám đốc Nhà máy sữa Vinamilk tại Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh vừa khó khăn về kinh tế, người tiêu dùng siết chặt chi tiêu lại vừa phải đối mặt với môi trường mở cửa, cạnh tranh khốc liệt thì việc đầu tư của mỗi DN phải có chiến lược đột phá. Ngay giữa lúc nền kinh tế khó như năm qua nhưng Vinamilk vẫn quyết định đầu tư và đưa vào hoạt động dự án (DA) nhà máy Sữa Đà Nẵng. Đây là DA lớn với vốn đầu tư giai đoạn đầu gần 500 tỷ đồng, quy mô khi hoàn thiện đạt 200 triệu lít/năm với sữa tươi, sữa đậu nành; sữa chua đạt 675 triệu hộp/năm; sữa đặc 122 triệu hộp/năm. Hiện tại đây là nhà máy sữa hiện đại nhất Đông Nam Á.

Lý giải việc đầu tư tại đây, anh Sinh cho biết vì Đà Nẵng là một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm của miền Trung. Thực tế, những năm qua Đà Nẵng đã chứng minh là TP năng động có môi trường đầu tư tốt. Cũng theo anh Sinh, trong chiến lược của Vinamilk, từ năm 2014 sẽ tập trung đầu tư sâu vào nhà máy ở Đà Nẵng, còn năm nay sẽ khánh thành 2 “siêu nhà máy” hiện đại nhất hiện nay tại phía Nam với tổng vốn 4.000 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 1 của “siêu nhà máy” ở Bình Dương  sẽ cho 400 triệu lít sữa tươi/năm, hoạt động hoàn toàn tự động hóa do robot điều khiển, công suất bằng 9 nhà máy hiện tại của Vinamilk cộng lại.

Không ít DN sản xuất và kinh doanh dịch vụ khác cũng có ý định đầu tư trong năm nay. Bởi theo họ, suy thoái kinh tế đã chạm đáy, DN của mình đã trụ được qua “bão” thì đây cũng là lúc nên đầu tư để củng cố lại, đón đà phục hồi.

"Bắt mạch" kinh tế đầu năm - 1

Dự án khách sạn hơn 200 tỷ đồng của Minh Toàn sẽ hoàn thiện cuối năm nay

Có “thuốc” nhưng...

Ông Nguyễn Hữu Thành - Chủ tịch HĐQT Cty Minh Toàn ví nền kinh tế hiện như một người bệnh, đã có phác đồ điều trị, vấn đề còn lại phải thực hiện quyết liệt, tạo chuyển biến rõ nét để DN có niềm tin làm ăn. Đơn cử như sự suy thoái của BĐS đã kéo theo hệ lụy nhiều ngành phải trì trệ, giải pháp tháo gỡ được đưa ra là tung từ 20-40 ngàn tỷ đồng để cứu. Nhưng cứu ở đâu chứ còn tại Đà Nẵng cũng là trung tâm BĐS, nhưng chưa thấy tác động gì. “Người mua cứu chứ không phải Nhà nước cứu BĐS. Muốn thế phải công bố giá thực mỗi m2 BĐS dạng thô và dạng hoàn chỉnh từ 1-5 sao như thế nào. Phải công bố thật, người dân yên tâm mua không bị hố, các DN phải lo bán, thị trường sẽ đi xuống. Đằng này công bố giá mỗi chủ đầu tư một mức, họ lời lãi bao nhiêu tự họ biết, thế Nhà nước tung tiền giải cứu, thì cứu ai nếu không phải chính những “nhà giàu” kia!”- ông Thành nói.

Hiện tại Minh Toàn đang xây dựng khách sạn diện tích 22.000m2, tổng vốn hơn 200 tỷ đồng và sẽ hoàn thiện cuối năm nay, nhưng theo ông Thành việc đầu tư này do đâm lao phải theo lao. Mục đích nhắm tới là khi Đà Nẵng phát triển mạnh dịch vụ trong tương lai, còn thực tại, tình trạng chung là rất khó. Tóm lại sự kỳ vọng của DN lúc này không nhiều nếu không muốn nói là khá bối rối trong đầu tư.

Ông Nguyễn Diễn - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết: “Tâm lý chung của DN hiện nay là còn băn khoăn, chưa yên tâm về việc thực hiện các giải pháp đề ra, dù nó đúng đắn. Thế nên, bức tranh kinh tế Việt Nam năm nay có phục hồi không phụ thuộc vào việc thực hiện các giải pháp có đi vào cuộc sống không? Bởi chính điều này sẽ vực lại niềm tin cho nhà đầu tư. Khi có niềm tin, ra trận tất thắng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Hậu (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN