Nan giải quản lý chất cấm trong chăn nuôi

Việc sử dụng chất tạo nạc, kháng sinh trong chăn nuôi đã diễn ra nghiêm trọng trong một thời gian dài, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và giống nòi của người Việt. Vì vậy, việc giải quyết tận gốc vấn đề sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi đang được các cơ quan liên quan đặt ra.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), việc sử dụng chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi đã đến mức nghiêm trọng, nổi bật  là tình trạng sử dụng nhóm chất tạo nạc Salbutamol; sử dụng chất Vàng Ô (thường sử dụng làm ve tường trong xây dựng) và dư lượng chất kháng sinh trong chăn nuôi. Để giải quyết vấn đề này cần tất cả các cấp, các ngành cùng vào cuộc và phải xử lý triệt để tận gốc những kẻ buôn bán chất cấm, chứ không phải chỉ xử lý phần ngọn là những người chăn nuôi có sử dụng chất cấm.

Nan giải quản lý chất cấm trong chăn nuôi - 1

 Quản lý việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn nhiều bất cập

Salbutamol là một loại nguyên liệu được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu phục vụ cho mục đích sản xuất dược phẩm. Trong mấy năm qua, ít nhất 9 tấn dạng chất này được nhập vào Việt Nam nhưng thực tế chỉ có khoảng 9kg được chứng minh sử dụng đúng mục đích, số còn lại đã bị các công ty dược “tuồn” phi pháp để sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm tạo nạc và tăng trọng.

Theo các cơ quan chức năng, 1 kg chất cấm Salbutamol nhập khẩu chính ngạch có giá khoảng 1,5 triệu đồng nhưng khi tuồn ra ngoài cho các cơ sở chăn nuôi, giá lên đến 15 triệu đồng. Và mỗi con lợn ăn chất này có thể đem lại lợi nhuận từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Thông thường, người chăn nuôi trộn chất cấm salbutamol trong khoảng thời gian một tháng cuối trước khi lợn xuất chuồng. Bởi vậy lượng chất tồn dư trong thịt lợn là rất lớn. Nếu người ăn phải thịt lợn có chứa chất salbutamol, về lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến tình hình sức khỏe như: Tim đập nhanh, tăng huyết áp, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa, tay chân run … thậm chí là ung thư.

Nan giải quản lý chất cấm trong chăn nuôi - 2

Cán bộ Thanh tra Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tiến hành kiểm tra nhanh mẫu nước tiểu lợn

Theo Nghị định số 119/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trang trại bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, người vi phạm bị phạt tiền nặng hơn, từ 70 triệu đến 100 triệu đồng. Qua hơn 2 năm áp dụng, mức phạt theo Nghị định này cho thấy không đủ sức răn đe với các chủ trang trại chăn nuôi và thương lái.

Có lẽ vì mức phạt quá thấp nên thời gian qua tại nhiều địa phương cứ kiểm tra là các cơ quan chức năng phát hiện sai phạm. Không chỉ là ở các hộ chăn nuôi tập trung mà những cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Nhưng xét đến cùng, việc tăng tính răn đe của vi phạm cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Hiện việc quản lý sản phẩm chăn nuôi vẫn được thực hiện chủ yếu bằng sức người. Mà so sánh tương quan giữa lực lượng chủ trại chăn nuôi với lực lượng thanh tra, kiểm tra thì khó có thể bảo đảm không để lọt sản phẩm chăn nuôi chứa chất cấm vào thị trường. Nhưng nếu toàn bộ quá trình từ sản xuất con giống đến chăn nuôi, thức ăn, vận chuyển và giết mổ, phân phối đều được quản lý và có thể truy xuất nguồn gốc, bài toán lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể được giải quyết triệt để. Điều đó đòi hỏi một chiến lược đổi mới toàn diện trong ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung. 

Cùng đón xem vấn nạn thực phẩm bẩn trong chương trình “Nan giải việc quản lý chất cấm trong chăn nuôi” phát sóng trong dải giờ “8 giờ 15 phút tối” vào lúc 20h15 thứ Ba (24/5) trên kênh ANTG. Chương trình được phát lại vào lúc 9h00 thứ Tư (25/5) và 15h00 thứ Năm (26/5) trên kênh ANTG.

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN