Du học sinh bồi hồi đón Tết xa quê

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Du học sinh tại Nga, Nhật, Pháp, Hàn Quốc bồi hồi đón Tết Nguyên đán xa quê

Hòa chung trong không khí đón xuân ở quê nhà, tạm quên đi những bộn bề trong cuộc sống và áp lực học hành nơi xứ người, các lưu học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập và nghiên cứu ở khắp mọi nơi trên thế giới cùng hướng về Tổ quốc và gia đình thân yêu. Tuy không thể ở bên người thân trong những giờ khắc thiêng liêng này, song các bạn du học sinh vẫn háo hức cùng nhau chuẩn bị một cái Tết mang đậm đà bản sắc dân tộc, chào đón năm mới Quý tỵ 2013.

Du học sinh tại Nga đón xuân đậm sắc dân tộc

Dù thời tiết ở Nga năm nay vô cùng khắc nghiệt, có những ngày nhiệt độ xuống đến -60 độ C nhưng cái lạnh ngoài trời không thể nào làm giảm đi niềm hưng phấn đón Tết cổ truyền dân tộc của các bạn sinh viên Việt Nam tại trường Đại học Tomsk, nằm ở thành phố Tomsk, cách thủ đô Matxcơva (CHLB Nga) hơn 3.600km về phía Đông. Hiện nay có khoảng 200 sinh viên Việt Nam đang theo học ở Đại Học Tomsk. Tết là dịp để mọi người được ngồi sum họp lại bên nhau nên các bạn sinh viên sẽ không bỏ lỡ những dịp như thế này.

Du học sinh bồi hồi đón Tết xa quê - 1
 
Hội học sinh Việt Nam đón tết cổ truyền 2013 tại Nga

Du học sinh bồi hồi đón Tết xa quê - 2

Cùng nhau gói bánh chưng trong ký túc xá

Trước Tết các bạn thường đặt lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, rồi cứ 10 người một lập thành một nhóm cùng gói bánh chưng, giò thủ.
 
Đêm giao thừa, các bạn tổ chức chương trình đón giao thừa dưới phòng sinh hoạt chung: hát hò, đóng táo quân, chơi trò chơi.

Du học sinh bồi hồi đón Tết xa quê - 3

Các bạn sinh viên Việt Nam tại đại học Tomsk diễn táo quân đón năm mới

Cũng hòa nhịp với không khí đón tết cổ truyền 2013 trên nước Nga, các bạn sinh viên Việt Nam tại Đại học Misis (Matxcova) chia sẻ: "Nếu tết dương thường được tổ chức một cách khá đơn giản, mọi người tụ tập ăn lẩu hoặc bí mật mua thịt chó về nhậu (vì người nước ngoài kiêng ăn thịt chó) thì tết âm được tổ chức long trọng và náo nhiệt hơn. Không có hoa đào đón Tết như ở Việt Nam, mọi người nghĩ ra cách ngắt một cành cây, sau đó sẽ gấp hoa và dán vào. Tuy chỉ là tượng trưng nhưng cũng làm cho không khí thêm phần ấm áp hơn. Bánh chưng là món không thể thiếu thì các bạn mua tại chợ Việt. Có năm thì mua lá và gạo về tự làm nhưng kết quả là qua Tết mới có bánh ăn".

Bữa cơm tất niên có đầy đủ những món ăn truyền thống như: bánh chưng, dưa hành, thịt gà, xôi,… Mọi người vừa ăn, vừa chúc nhau những câu chúc an lành, kết hợp xem chương trình trực tiếp đón Tết ở Việt Nam qua mạng. Vào đúng thời điểm giao thừa, khi tiếng pháo nổ vang trời thì cũng là lúc mọi người nâng ly chúc mừng nhau và chúc mừng đất nước bước sang một năm mới.

Du học sinh bồi hồi đón Tết xa quê - 4

Bữa cơm tất niên của các bạn sinh viên tại đại học Misis đầy đủ món ăn truyền thống

Du học sinh bồi hồi đón Tết xa quê - 5

Đêm giao thừa, sinh viên đại học Misis nâng ly chúc mừng năm mới


Bạn Trần Lệ (Du học sinh trường Đại học Tomsk) kể về những kỷ niệm Tết quê hương: “Mình nhớ nhất cảm giác ấm áp khi được ở bên gia đình. Nhớ chiều 30 Tết, bà ngoại nấu chè con ong.  Nhớ lúc thức dậy vào sáng mồng 1, được bố mẹ lì xì, sau đó cùng mẹ đi lễ chùa. Nhớ mùi thơm nồng ấm của nước lá mùi mà mẹ chuẩn bị cho cả nhà rửa mặt lấy khước”. Còn với bạn Lê Đình Vinh (du học sinh trường đại học Misis) thì lại "nhớ nhất bữa cơm tất niên, mọi người sum họp quây quần, rồi cùng anh trai đi hái lộc vào đêm giao thừa”.

Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản nhớ nhất mùi hương trầm ngày tết

Tại thành phố Matsue, Nhật Bản hiện có hơn 10 du học sinh Việt Nam đang theo học tại trường Đại học Shimane. Các bạn ở trọ gần nhau nên năm nào các bạn cũng cùng nhau đón Tết. Ngay từ những ngày gần kề năm mới, mọi người đã rục rịch lên kế hoạch chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Các nguyên liệu làm bánh chưng, thịt đông, giò xào, dưa hành đã được đặt mua online trên mạng. Phong tục dọn dẹp và trang trí lại mọi thứ trong nhà để chào đón một năm mới tốt lành vẫn được các bạn sinh viên tại Nhật duy trì và phát huy tối đa. Năm nay, ngoài việc làm hoa đào giả để đón Tết như mọi năm, các bạn còn mua 200 quả bóng bay về thổi làm cây quất tượng trưng.

Du học sinh bồi hồi đón Tết xa quê - 6
 
Du học sinh tại Nhật tổ chức làm nem rán và bánh chưng cho bữa cơm tất niên

Vào đêm giao thừa, mọi người thường tụ tập ăn uống, sau đó sẽ kéo nhau đi hát Karaoke. Các quán karaoke tại Nhật không có Tiếng Việt nên để chào đón năm mới, các bạn tự thu những bài hát về mùa xuân vào một đĩa CD mang đến quán, tổ chức hát hò và lắng nghe những giai điệu quen thuộc về quê hương.

Vào những ngày đầu năm mới, những cựu sinh viên hoặc nghiên cứu sinh Việt Nam đã lập gia đình với người Nhật, thường dẫn theo vợ/chồng đến tham gia các buổi liên hoan của các bạn sinh viên, để giới thiệu cho gia đình mình biết được văn hóa Tết truyền thống của Việt.

Du học sinh bồi hồi đón Tết xa quê - 7
 
Du học sinh Việt Nam tại Shimane, Nhật Bản giới thiệu những món ăn truyền thống của Việt Nam trong School festival đầu năm mới

Những năm gần đây, nhờ vào sự phát triển của mạng Internet, các bạn du học sinh Việt Nam trên thế giới có thể đặt mua nhiều món ăn truyền thống vào ngày tết qua dịch vụ bán hàng online nhưng không khí náo nức và những cảm giác ấm áp, thiêng liêng khi đón tết bên gia đình là điều không thể nào mua bán được.

Vũ Tấm, sinh viên năm thứ 3 tại đại học Shimane, bồi hồi nhớ về những ngày tết quê hương: “Hồi trước lúc ở nhà, những ngày đầu năm mới đi đến nhà ai chúc Tết cũng ngửi thấy mùi hương trầm thoang thoảng trên bàn thờ. Tết ở Nhật vắng mùi hương trầm nên nhớ nhà da diết. Nhiều loại trái cây như: quất, roi, bòng ở Nhật không có nên mọi người không thể làm mâm ngũ quả. Rồi, mỗi lần gói bánh chưng lại nhớ cảm giác mấy anh chị em quây quần trông nồi bánh đêm giao thừa, ngồi chơi bài lơ khơ bôi nhọ nồi nhem nhuốc lên mặt mũi. Ở Nhật không có nhọ nồi, mọi người vừa luộc bánh vừa chơi bài lơ khơ, ai thua bị bôi son môi và kem đánh răng thay nhọ nồi, cũng vui nhưng cảm giác vẫn thiếu thiếu một điều gì đó khó gọi thành tên”.

Du học sinh tại Hàn Quốc đón Tết cổ truyền với hoạt động tình nguyện

Hiện nay có 8 sinh viên Việt Nam đang theo học tại đại học nữ Duksung (Seoul, Hàn Quốc). Khác với nhiều du học sinh Việt Nam trên thế giới, dịp tết cổ truyền 2013 năm nay, các bạn sinh viên Việt Nam ở đây sẽ đón tết sớm hơn thường lệ để chuẩn bị cho hoạt động tình nguyện Special Olympics World Winter Games Pyeongchang 2013.

Du học sinh bồi hồi đón Tết xa quê - 8

Sinh viên Việt Nam tại đại học nữ Duksung chuẩn bị cho chiến dịch tình nguyện Special Olympics World Winter Games Pyeongchang 2013


Theo Vân Hải (sinh viên năm thứ 3 đại học nữ Duksung) cho hay: “Năm nay bọn mình không về ăn Tết cùng gia đình vì tham gia hoạt động tình nguyện cho chương trình Special Olympics World Winter Games Pyeongchang 2013. Đây là Olympic thể thao dành cho các trẻ em và người lớn bị thiểu năng trí tuệ, với sự tham gia của 2300 vận động viên của 127 nước trên thế giới. Mục đích của chương trình là hỗ trợ, củng cố tinh thần của các vận động viên bị thiểu năng trí tuệ và qua đó gửi gắm thông điệp đến thế giới: Không có sự phân biệt tôn giáo, quốc tịch, thiểu năng trí tuệ hay bình thường, tất cả cùng hướng về một sân chơi công bằng, bình đẳng và lành mạnh”.

Hoạt động đầy ý nghĩa này của các bạn sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc như một món quà trước thềm năm mới gửi tới quê hương và gia đình. Du học sinh Việt Nam ở Hàn Quốc nói riêng và trên thế giới nói chung luôn nỗ lực và phấn đấu hết mình trong học tập cũng như các hoạt động ngoại khóa, để xây dựng hình ảnh về thế hệ trẻ Việt Nam năng động, sáng tạo trong mắt bạn bè quốc tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo My Việt ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN