Đạo luận án: Tùy mức độ trùng lặp để xử lý

Tùy vào mức độ luận án của PGS Lương và thầy Khải trùng lặp nhiều hay ít mà Hội đồng khoa học Nhà nước so sánh, xem xét rồi đưa ra kết luận.

Trao đổi với PV Infonet, PGS.TS Tống Đình Quỳ, Viện toán học (Đại học BKHN), nguyên Thư ký Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở trước đây khi PGS Nguyễn Cảnh Lương bảo vệ cho biết như vậy.

Xin PGS kể lại hoàn cảnh khi ông là Thư ký Hội đồng chấm luận án cơ sở mà PGS Lương bảo vệ?

PGS.TS Tống Đình Quỳ: Về nguyên tắc, thầy hướng dẫn trò làm luận án thì phải có tính kế thừa, trong luận án, nghiên cứu khoa học có thể trùng lặp chỗ này hoặc chỗ kia nhưng nếu kết quả khác nhau thì tôi nghĩ rằng đó là công trình của trò. Còn nếu kết quả mà trùng nhau thì vấn đề lại khác…

Lúc đó tôi là Thư ký hội đồng bảo vệ luận án cơ sở, ngày đó làm gì có máy tính, khi bảo vệ luận án toàn dùng máy chữ và viết tay. Tôi không hề biết nội dung luận án của thầy Khải thế nào, nếu tôi biết luận án của thầy Khải mà trong khi PGS Lương bảo vệ có sự trùng lặp thì tôi sẽ có ý kiến ngay. Cho đến bây giờ, khi xảy ra vụ việc như vậy, tôi mới biết đến luận án của thầy Khải.

Nhiệm vụ của tôi lúc đó tổng hợp kết quả các nơi gửi về, không có gì để so sánh việc luận án trùng nhau, đi chép hay không đi chép, còn bây giờ có chép thì chúng ta biết ngay.

Đạo luận án: Tùy mức độ trùng lặp để xử lý - 1

Theo PGS.TS Tống Đình Quỳ, ít đề tài khoa học công bố, nên việc trùng lặp
người ta cũng ít coi trọng

Ngoài ra, ngày xưa người ta bảo vệ luận án rất kín, rất ít và nếu có ai bảo vệ luận án thì gần như được đặc cách. Nếu thầy Khải công bố luận án của ông ấy rộng rãi thì tôi có thể biết được, nhưng rất ít công bố. Lúc đó họp Hội đồng chấm luận án các thầy có biết về trường hợp của PGS Lương và nhắc nhở, nhưng hoàn cảnh ngày xưa lại khác, người ta ít chú ý, hay coi trọng sự việc trùng lặp đó.

Tức là luận án của PGS Lương có tính kế thừa, mặc dù giống chỗ này hay chỗ kia, nhưng đặt ở trong hoàn cảnh thời đó thì các thầy chỉ nhắc nhở. Các thầy nói như vậy thì cũng biết như thế thôi, các thầy đóng góp ý kiến là phải trích dẫn từ đâu. Và khi đưa ra Hội đồng bảo vệ luận văn Nhà nước người ta cho qua…

Khi chúng tôi tổ chức bảo vệ luận án cho PGS Lương ở cơ sở, Hội đồng gồm 8 người. Ngày xưa không có nhiều người, khi các thành viên trong Hội đồng cơ sở tổ chức bảo vệ xong, trình lên Bộ.

Sau đó, Bộ đứng ra thành lập Hội đồng khoa học Nhà nước thì một số thành viên trong Hội đồng bảo vệ luận án cơ sở được chỉ định làm Hội đồng khoa học Nhà nước luôn.

Nếu là PGS Lương sơ suất thì giải pháp xử lý ra sao thưa PGS?

Sơ suất hay không chúng ta phải để cho Hội đồng Khoa học Nhà nước đánh giá. Người ta phải đọc kỹ hai luận án, so sánh thì mới kết luận được có chép hay không. Nhiều khi người ta viết giống nhau nhưng do sơ suất không trích dẫn, nhưng cũng có trường hợp cố tình chép luận án của người khác thì lúc đó Hội đồng luận án Nhà nước đưa ra đánh giá.

Đạo luận án: Tùy mức độ trùng lặp để xử lý - 2

Tùy vào mức độ trùng lặp nhiều hay ít, Hội đồng Khoa học có kết luận

Trong khoa học tính trung thực rất cao. Nếu anh không chứng minh được thì anh phải trích dẫn, còn nếu anh tự chứng minh được thì là kết quả của anh. Còn nếu theo thông lệ anh không tự chứng minh được mà anh đi chép thì coi là đi chép.

Lúc đó PGS Lương có mặt khi các thầy góp ý phải trích dẫn từ đâu không?

Lúc đó PGS Lương không có mặt ở đó mà chỉ đọc lại bản nhận xét của các thầy khi bảo vệ luận án cơ sở. Nhưng về nguyên tắc PGS Lương được các thầy đóng góp ý kiến thì phải biết.

PGS đã từng gặp trường hợp nào trong ngành toán có sự trùng lặp luận án chưa?

Ở ta thì tôi chưa gặp, vì ngày xưa chúng ta không có thông tin nhiều thông tin khoa học, cho nên dẫn đến việc nếu có đi chép người ta khó phát hiện ra.

Về nguyên tắc, việc các thầy đã nhắc nhở, nhưng PGS Lương không thực hiện, theo PGS như thế là có chấp nhận được không?

Trong nghiên cứu khoa học, nếu đã nhắc nhở rồi mà anh không thực hiện về nguyên tắc là rất khó chấp nhận. Hội đồng Khoa học Nhà nước phải xem xét chứng cứ, mức độ trùng lặp ở mức độ nào thì mới có kết luận.

Nếu anh sơ xuất có thể trùng lặp một vài dòng phần tổng quan thì tôi nghĩ không lên làm to chuyện, còn nếu 2 luận án giống nhau về kết quả, công trình nghiên cứu thì đây là có vấn đề.

Xin cảm ơn PGS!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Huy (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN