Doanh nghiệp khó giữ nhân lực cấp cao

Thứ Năm, ngày 19/11/2015 13:56 PM (GMT+7)
Chia sẻ

Chỉ có 9% người tham gia khảo sát hài lòng về kỹ năng lãnh đạo của nhân sự cấp trung, cấp cao người Việt trong các công ty nước ngoài.

Navigos Search vừa công bố báo cáo về “Những thách thức trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt tại các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam”. Khảo sát này được thực hiện tại Việt Nam, sau khi những khảo sát tương tự đã được thực hiện tại Nhật Bản, Thái Lan và Singapore do en world Japan K.K tiến hành vào tháng 8-2015.

Khan hiếm nhân sự cấp trung, cấp cao

Có 41% người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết trong vòng 12 tháng qua, họ không tìm được đủ nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt cho doanh nghiệp (DN) mình. Đây không chỉ là bài toán khó ở riêng thị trường Việt Nam mà tại 2 nước láng giềng là Thái Lan và Singapore tình trạng này cũng diễn ra tương tự với hơn một nửa những người tham gia khảo sát tại 2 nước này đều cho biết họ khó khăn trong việc tìm đủ nhân sự.

Bên cạnh đó, 56% ý kiến tham gia khảo sát tại Việt Nam cho rằng họ đang gặp phải thách thức lớn nhất đến từ sự cạnh tranh gay gắt về mức lương, thưởng tốt hơn từ các công ty cùng ngành. Ở 2 thị trường Thái Lan và Singapore, mức độ này còn gay gắt hơn khi có đến 84% ý kiến ở Thái Lan và 82% ý kiến ở Singapore cho thấy đây chính là khó khăn lớn nhất đối với họ khi giữ chân nhân sự cấp quản lý.

Các DN nước ngoài tại Việt Nam vẫn phải đưa tiếng Anh vào trong top 3 các yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao. Trong khi đó, chỉ có 2% người tham gia tại Singapore cho rằng tiếng Anh là yếu tố quan trọng đối với họ khi đưa ra quyết định tuyển dụng, trong khi tỉ lệ này tại Việt Nam là 31%. Thậm chí tại Nhật, một đất nước vẫn bị coi là hạn chế trong việc sử dụng ngoại ngữ thì tiếng Anh lại nhận được sự hài lòng cao của các DN nước ngoài đối với nhân sự quản lý người Nhật, với 61% người tham gia hài lòng về kỹ năng này.

Doanh nghiệp khó giữ nhân lực cấp cao - 1

Việc vẫn phải đưa yếu tố tiếng Anh vào trong các quyết định tuyển dụng nhân sự quản lý người Việt tại các công ty nước ngoài cho thấy kỹ năng thành thạo tiếng Anh ở đội ngũ này vẫn đang là trở ngại trong việc hòa nhập môi trường làm việc đa quốc gia. Đến cuối tháng 12 năm nay, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập sẽ cho phép tự do luân chuyển lao động tại cả 10 nước ASEAN, trước mắt trong 8 ngành nghề, sẽ đặt đội ngũ quản lý người Việt trước một thách thức không nhỏ khi phải cạnh tranh với đội ngũ nhân sự tương tự đến từ các nước láng giềng vốn có thế mạnh về tiếng Anh như Singapore, Philippines, Thái Lan…

Thiếu kỹ năng lãnh đạo

Khảo sát cũng cho thấy chỉ có 9% người tham gia hài lòng về kỹ năng lãnh đạo của nhân sự cấp trung, cấp cao người Việt trong các công ty nước ngoài và đây là kỹ năng nhận được sự hài lòng thấp nhất. Đội ngũ quản lý người Singapore cũng nhận được chỉ số hài lòng thấp nhất về kỹ năng này, trong khi kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tương tự của đội ngũ quản lý người Thái bị đánh giá thấp, mặc dù đây lại là yếu tố quan trọng nhất khi đưa ra quyết định tuyển dụng đối với các DN nước ngoài tại Thái Lan. Tính sáng tạo và trung thành với công ty cũng nhận được sự hài lòng thấp nhất đối với đội ngũ nhân sự tại cả 3 nước Đông Nam Á.  

Cả 4 nước tiến hành khảo sát đều chọn nội dung liên quan đến kỹ năng lãnh đạo để đưa vào chương trình đào tạo dành cho đội ngũ này tại DN mình. Nội dung này nhận được 78% sự đồng tình từ những người tham gia khảo sát tại Singapore, 74% từ Thái Lan, 60% từ Nhật Bản và 48% từ Việt Nam.

Vừa học vừa làm dưới sự giám sát của quản lý là hình thức đào tạo phổ biến nhất tại cả 3 nước khảo sát với mức đồng tình lên tới 90% từ những người tham gia tại Singapore, 82% từ Thái Lan và 57% từ Việt Nam. Singapore là nước duy nhất đưa chương trình hỗ trợ tài chính (đồng tài trợ) cho việc tự đào tạo của đội ngũ quản lý vào trong top 3 hình thức đào tạo phổ biến nhất, theo ý kiến của những người tham gia khảo sát tại nước này, cùng với hình thức vừa học vừa làm và đào tạo tăng cường trong nội bộ.

Nhân sự cấp trung và cấp cao tại cả 4 nước được khảo sát đều có những điểm mạnh tương đồng cũng như riêng biệt. Trong khi người Việt và người Singapore đều được nhận xét có điểm mạnh chung là tinh thần sẵn sàng học hỏi và làm việc chăm chỉ thì người Thái và người Nhật được nhận xét là có động lực phát triển tự thân rất cao. Người Nhật và người Việt Nam cũng đều nhận được đánh giá cao về khả năng giao tiếp.

Chia sẻ
Theo Dương Quỳnh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN