Thiếu giám đốc sáng tạo và bộ sưu tập dở tệ của Lavin
Với Lanvin, đội thiết kế vẫn chưa sẵn sàng để đảm đương một trọng trách lớn trong khi thiếu đi người dẫn đầu.
Liệu các thương hiệu có thực sự cần giám đốc sáng tạo?
Gần gây, người ta hay tranh luận xung quanh việc liệu một thương hiệu thời trang có cần đến giám đốc sáng tạo hay không, liệu một nhãn hiệu có thể thành công mà không cần người định hướng hay không.
Để làm rõ vấn đề ấy, chúng ta hãy cùng điểm qua một vài ví dụ thực tế dưới đây.
Tháng 10 năm ngoái, hai trong số những thương hiệu đình đám của thế giới là Dior và Lanvin, chứng kiến sự ra đi của giám đốc sáng tạo Raf Simons (Dior) và Alber Elbaz (Lanvin). Simons trích dẫn lý do cá nhân là ‘muốn tập trung cho những ước mơ khác trong cuộc sống, bao gồm cả thương hiệu riêng và những đam mê khác bên cạnh công việc’.
Đó thực sự là một bất ngờ lớn sau những thành công mà Simons đã tạo ra chỉ trong ba năm cộng tác với thương hiệu 70 năm tuổi.
Simons ra đi là một tổn thất lớn cho Dior
Trường hợp của Elbaz, khó chấp nhận hơn một chút bởi đó là quyết định của hội đồng cổ đông Lanvin, chứ không phải do mong muốn của riêng ông. Ông đã làm việc cho Lanvin suốt 15 năm và được khách hàng, các biên tập viên và cả các nhân viên khác của hãng hết mực yêu quý bởi sự tử tế, tính hào phóng, những đức tính ngày càng hiếm trong thế giới thời trang xa xỉ.
Elbaz rời Lanvin dưới sức ép củahội đồng cổ đông
Đối với Dior, những người thay thế Simons là Lucie Meier và Serge Ruffieux đã chứng tỏ khả năng của mình với bộ sưu tập couture đầu tiên được hoan nghênh nhiệt liệt. Có thể những gì họ đã trình làng an toàn hơn so với những gì Simons đã làm song những thiết kế với màu sắc sống động, đường cắt thú vị và phụ kiện bản to vẫn đang rất được yêu thích ở thời điểm hiện tại.
Và mặc dù Dior đã thông báo rằng tới khi bộ sưu tập của mùa resort 2017 được trình làng vào tháng 5, họ sẽ công bố tên giám đốc sáng tạo mới thì một điều rõ ràng là cả Meier và Ruffieux đều đang làm chủ rất tốt tình hình.
Nhưng Lanvin thì không may mắn như vậy. Có lẽ đội thiết kế vẫn chưa chấp nhận được mất mát to lớn là sự ra đi của Elbaz, nên bộ sưu tập mùa thu 2016 vừa qua không khác gì một cơn ác mộng. Từ kiểu dáng, chất liệu cho tới màu sắc, tất cả như thể bị ép phải hòa trộn cùng nhau và vội vàng lên sàn diễn vào phút chót.
Lanvin đã không may mắn ổn định tình hình nhanh như Dior (Một số thiết kế của Lanvin trong show Fall 2016)
Robin Givhan, phóng viên tờ Washington Post ngay sau đó viết trên Twitter rằng: ‘Bạn sẽ không muốn nhìn thấy các thiết kế của Lanvin đâu. Mình tôi nhìn là đủ lắm rồi và bạn không cần phải nhìn thêm nữa’. Còn Cathy Horyn của The Cut thì đơn giản hơn: ‘Đừng nhìn lại, Elbaz!’.
BTV Christina Binkley của The Wall Street Journal bày tỏ sự thất vọng của mình với một tấm hình động từ bộ phim Parent Trap nổi tiếng cùng lời bình luận: ‘Tôi đang ở show của Lanvin. Thật không công bằng khi đổ lỗi cho đội thiết kế. Vấn đề là ở người chỉ đạo’.
Rõ ràng là với Lanvin, đội thiết kế vẫn chưa sẵn sàng để đảm đương một trọng trách lớn trong khi thiếu đi người dẫn đầu. Còn Dior, mặc dù các bộ sưu tập không tệ, nhưng điều đó chưa đủ để thương hiệu này tiến lên phía trước và tránh khỏi tình trạng trì trệ đã gặp phải vào giữa những năm 2000.
Và giờ, điều mà chúng ta đang nhìn vào, là sẽ mất bao nhiêu thời gian để ai đó kiến tạo và duy trì một tầm nhìn gắn kết cho các thương hiệu mỗi lần những Simons hay Elbaz ra đi? Và quan trọng hơn nữa, mất bao lâu để các thương hiệu trên giải quyết mớ hỗn độn mang tên ‘giám đốc sáng tạo’?
Sẽ mất bao lâu để các thương hiệu làm chủ tình hình và tiếp tục tiến lên phía trước? (Thiết kế của Dior trên sàn diễn Paris Fashion Week 2016)