Cao điểm tuyển sinh, có trường TCCN mới tuyển được 5% chỉ tiêu
Chỉ tuyển được vài chục đến vài trăm học sinh/năm, nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp trên cả nước đang tự tìm cho mình hướng đi mới để tồn tại trước nguy cơ buộc phải đóng cửa hoặc phải sang nhượng lại vì làm ăn thua lỗ.
“Vật vã”…tuyển sinh
Đang vào “cao điểm” của tuyển sinh bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) nhưng lãnh đạo Trường Trung cấp Công nghệ Thông tin Sài Gòn như đang “ngồi trên đống lửa” khi mới tuyển chưa được 5% chỉ tiêu.
Ông Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng trường Trung cấp Công nghệ Thông tin Sài Gòn cho hay: "Đến thời điểm này, chúng tôi mới tuyển được 24 HS trong khi chỉ tiêu của nhà trường là 500 HS. “Thời điểm này năm ngoái chúng tôi tuyển được gấp đôi, năm nay chẳng biết học sinh đi đâu hết. Cứ với đà này thì không biết làm sao để mở lớp”, ông Khoa than thở.
Cám cảnh không kém, dù có nhiều ngành khá “hot” như dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kế toán, du lịch, công nghệ may thời trang,… nhưng tới thời điểm hiện tại Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành mới tuyển được 30 HS (chỉ tiêu tuyển sinh của trường lên đến 400).
Ông Hoàng Quốc Long, hiệu trưởng nhà trường nói: “Các em đăng ký chủ yếu vào 3 ngành chính là kế toán, tin học và điện tử viễn thông. Trong khi đó một số ngành khá hot hiện nay như dược sĩ, điều dưỡng lại rất ít. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển cho đến hết năm. Hy vọng sẽ đạt khoảng 50% chỉ tiêu chứ nếu không thì chẳng biết làm sao để duy trì hoạt động”.
Học sinh Trường Trung cấp Ánh Sáng trong giờ thực hành ngành Điều dưỡng
Tương tự, đến thời điểm hiện tại, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tổng hợp Đông Nam Á mới tuyển được chưa tới 100 học sinh (chỉ tiêu 600). “Những năm trước tại thời điểm này đã tuyển được khoảng 200 học sinh nhưng năm nay mới chỉ được vài chục. Từ giờ đến cuối năm, nếu vẫn đà này thì chết chắc”, ông Phạm Dũng Danh, hiệu trưởng nhà trường nói.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, đa số các trường trung cấp tại TP.HCM đến thời điểm hiện tại, trường tuyển nhiều nhất chỉ khoảng 50%, còn lại đa số chỉ tuyển được 20%, 30%, thậm chí có trường chưa tới 5% chỉ tiêu. Chẳng hạn, Trường Trung cấp Tây Sài Gòn tuyển được gần 400 HS (chỉ tiêu 800); Trung cấp Đại Việt tuyển hơn 600 HS (chỉ tiêu 1.750); Trung cấp Đông Dương tuyển khoảng 300 HS (chỉ tiêu 1.000); Trung cấp Vạn Hạnh tuyển được khoảng 150 HS (chỉ tiêu 400);… Trong khi đó, nhiều trường khác tuyển được rất ít như: Trung cấp Mai Linh tuyển được hơn 100 HS (chỉ tiêu 700); Trung cấp Hồng Hà tuyển gần 300 HS (chỉ tiêu 2.000)…
Lý giải việc khó khăn trong tuyển sinh, lãnh đạo nhiều trường TCCN cho rằng việc tuyển sinh ĐH-CĐ những năm gần đây quá dễ dãi nên HS đa số sẽ chọn học ĐH thay vì chọn… “đường vòng”.
Ông Nguyễn Khắc Thương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, giải thích: Điều kiện điểm số để xét tuyển vào ĐH, CĐ theo học bạ là 6 điểm (vào ĐH) và 5,5 (vào CĐ) thì hầu như thí sinh nào cũng đạt được. Thêm vào đó, các trường ĐH, CĐ còn xét tuyển kết quả theo nhiều tổ hợp môn xét tuyển nên thí sinh không thể “lọt sàng xuống nia” như mọi năm. Vì vậy, trường trung cấp sẽ chết dần là một dự báo trước...
Từ “tự bơi” đến “làm bậy” để… sống sót
Trước tình hình căng thẳng của công tác tuyển sinh, lãnh đạo nhiều trường TCCN đang tự tìm kiếm hướng đi mới để tồn tại.
Từ cuối năm 2013, Trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn đã ký hợp tác đào tạo với Trường ĐH Adamson (Philippines) ở ngành điều dưỡng. Ngoài ra, trường cũng đang liên kết với Trường Charlton Brown (Úc) và một công ty Nhật Bản để đào tạo ngành điều dưỡng.
Ông Châu Văn Dưỡng, hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Sau khi tốt nghiệp bậc trung cấp ngành điều dưỡng tại Trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn, học sinh sẽ được ĐH Adamson công nhận kết quả và chuyển tiếp sang Philippines học tiếp 2 năm chương trình cử nhân điều dưỡng. Riêng với chương trình liên kết với trường Charlton Brown (Úc), sau khi lấy bằng tốt nghiệp trong nước, học sinh sẽ qua Úc học thêm 6 tháng để được cấp chứng chỉ tâm lý chăm sóc cho người cao tuổi và làm việc tại các viện dưỡng lão của nước này”.
Tương tự, đầu năm 2015, Trường Trung cấp Ánh Sáng cũng đã liên kết với nghiệp đoàn IMAID (Nhật Bản) để hỗ trợ học sinh tốt nghiệp ngành điều dưỡng sang Nhật vừa học vừa làm. Ngoài ra, Trường Trung cấp Ánh Sáng hiện đang liên kết với Trường CĐ Forum Berufsbildung và Công ty Zulimon International GmbH (Đức) để đào tạo học sinh ngành điều dưỡng sang Đức làm việc.
Ông Đặng Văn Sáng, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với chương trình liên kết với nghiệp đoàn IMAID (Nhật Bản), hiện đã có 16 học sinh của trường được doanh nghiệp từ Nhật Bản sang phỏng vấn và tuyển dụng. Sang Nhật, các em vừa học vừa làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống và lấy chứng chỉ nghề của nước này cấp. Riêng với chương trình liên kết với Trường CĐ Forum Berufsbildung (Đức), trường cũng đã cử 40 học sinh sang Đức học tập và làm việc để nhận chứng chỉ nghề của nước này cấp. Chứng chỉ này được tất cả các quốc gia trong Liên minh châu Âu công nhận”.
Trong khi đó, nhiều trường TCCN khác lại không quản “làm bậy”, liên kết loạn xạ hoặc giao chương trình đào tạo cho các công ty để có khả năng tồn tại.