Về thăm làng có người chôn cả ba lô vàng

Tháng 9/2006, khi nghe người làng trúng kỳ nam, đầu nậu, đại gia ham của cả nước đổ dồn về. Làng Tốt (xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) từ đó được mệnh danh là “làng kỳ nam”. Thế nhưng sau mấy năm sau cái bận ồn ào, rình rang ấy, ngôi làng ở vùng cao ấy không trù phú hơn, mà xao xác, khắc khoải.

Làng Tốt: Ngày trước và bây giờ

Không tới 30km, nhưng đường xấu với đầy dốc đá và ổ gà, gần mãi đến trưa chúng tôi mới đến được làng Tốt. Lội ngập đầu gối bước qua con suối Lết, làng Tốt hiện ra giữa đại ngàn yên ắng quá. Thi thoảng mới thấy người đi trên đường làng. Tiếng gà gáy trưa nghe sao mà xao xác.

Không thể tin vào mắt! Ngày người làng Tốt trúng kỳ nam, nơi này có hàng trăm người tụ tập, dập dìu xe pháo vào ra. Khắp nơi chỗ nào cũng có võng, lán mọc lên của các thương lái và các “đầu gấu” theo bảo vệ các đại gia.

Không ai biết trong túi xách, trong cạp quần các đội vệ sỹ này là gì, chỉ thấy cồm cồm lên như “đồ chơi thứ dữ”… Và, giá trì kỳ nam được mặc cả nơi “gốc” này cũng tăng vùn vụt từ 2 triệu đồng/kg lên 10 triệu, 20 triệu và cao nhất là 200 triệu đồng/kg.

Về thăm làng có người chôn cả ba lô vàng - 1

Ngôi nhà tiền tỉ của “tỉ phú kỳ nam” Phạm Văn Sắc

Ngày ấy, tất cả cơ nguyên đều bắt nguồn từ ngày ông Phạm Văn Sắc của làng đi tìm ba ba ở suối. Hôm ấy trời đầu xuân vùng rừng núi hoang vu se lạnh, ông Sắc tìm củi khô nhóm lửa sưởi ấm.

Trước mắt ông, một cây mục to như trái đùi nằm nửa dưới suối nửa trên bờ, thế là ông Sắc cầm rựa chặt một đoạn mang ra đun vào đống lửa đang cháy. Bỗng nhiên, ông Sắc nghe mùi thương lâng lâng lan tỏa. Nhìn xung quanh rừng núi, ông Sắc lấy lạ vì chẳng có cái gì thơm đến thế.

Nhìn lửa cháy, ông Sắc thất sắc: cái cây củi mình đun vào tỏa mùi thơm. Để chắc ăn, ông Sắc cầm lên ngửi. Đúng rồi: Trầm hương! Ông Sắc bỗng thấy người mình như bay lên. Và quả thật, từ hôm ấy, đời ông Sắc xoải một bước lên tận mây xanh.

Cứ ngỡ sau bận làng trúng kỳ nam ngày ấy, trở lại sẽ thấy sự trù phú. Ai ngờ buồn tênh đến lạ. Ngồi trong quán buôn của ông Sáu Nhơn ở làng Tốt, chúng tôi thấy một đoàn người đi vào. Hỏi ra thì họ là đồng bào Hre ở huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) sang đây đi bứt mây để bán lấy tiền.

Còn người làng Tốt đâu rồi. Những ngôi nhà nằm chênh vênh trên ngọn đồi im ỉm đóng cửa. Đây đó chỉ có tiếng gà gáy trưa xao xác. Chúng tôi quá bộ đến trường tiểu học ở đây. Dù là đang ngày học nhưng các phòng học đều đóng cửa.

Đầu giờ chiều, một thầy giáo quần ống thấp ống cao chạy xe máy đến trường. Thanh minh vì sao không dạy, thầy giáo Phạm Văn Gay, bảo: “mấy giáo viên đi thi dạy giỏi dưới huyện. Còn tao xe hư khi qua suối, giờ mới tới. Mà giờ này thì dạy gì nữa”…

Hỏi học sinh đi học đều không, ông Gay lắc đầu: “Ô, phải tới nhà năn nỉ nó mới đi học”. Chen cùng tiếng nói thầy Gay, căn nhà phía sau ngôi trường là có nhiều tiếng nói rất to, cãi vã. Đi đến nơi này, trước mắt là một cuộc rượu một nhóm thanh niên làng Tốt. “Bọn nó không chịu làm ăn, cứ uống rượu hoài kiểu ý” – một người Kinh làm ăn ở Làng Tốt rỉ tai.

Thế nhưng, không chỉ thanh niên ở đây nhậu, mà trên một góc nhà sàn bên cạnh, ba người phụ nữ cũng nghiêng ngả cùng chai rượu gạo trắng, trước mặt là một tô rau xanh và không hề dùng đũa mà lấy tay bốc lấy thức ăn.

Về thăm làng có người chôn cả ba lô vàng - 2

Không chỉ thanh niên, mà phụ nữ làng Tốt cũng… nhậu không kém

Đổi kỳ nam ra… 3 ba lô vàng chôn ngoài rừng?

Tạm biệt ngôi trường vắng, chúng tôi tìm đến nhà “tỉ phú kỳ nam” Phạm Văn Sắc. Ngôi nhà đồ sộ xây dựng theo kiểu… biệt thư - nhà sàn với 67 cánh cửa lim im ỉm đóng. Chủ nhà đi vắng, chỉ có phía dưới sàn nhà, gỗ đã cưa thành đoạn nằm đầy ở các phòng, ngoài hiên.

Dân làng ở đây kể lại, hồi ông Sắc có kỳ nam trong tay, suốt vài tháng trời ông ở lỳ trong rừng, không dám về làng. Bởi ông Sắc vừa sợ bị truy sát, vừa sợ bị đám đại gia kỳ nam đeo sát mua hàng làm phiền và sợ… bị thu.

Đến tháng 8/2006, ông Sắc mới dám ló về làng Tốt và chính quyền lúc này cũng có kế hoạch bảo vệ ông. Còn ngôi nhà biệt thự, ông Sắc không vội làm ngay sau khi trúng kỳ nam, mà đến hai năm sau, ông Sắc mới xây nhà.

Lúc này, làng Tốt… lác mắt khi thấy ông Sắc làm hẳn chuyện xưa nay chỉ có lần đầy: ấy là thuê hẳn xe múc ở đồng bằng lên san phẳng ngọn đồi thoai thoải để xây nhà, sau đó còn đào móng bằng ô tô, xây tường bằng… máy.

Thế nhưng không chỉ có nhà này, người người ở huyện Ba Tơ bảo rằng, ông Sắc ngày trước còn tậu nhà ở thị trấn Ba Tơ và mua ô tô đời mới. Bây giờ, ngôi nhà khoảng 1,2 tỷ đồng sừng sững, nhưng chủ nhà thì… “chiều tối mới về”- một người dân bảo.

“Tui nói thiệt, vài cái nhà, chiếc ô tô thì ăn thua gì với ổng (ông Sắc). Khi người ta mua kỳ nam, ổng đâu biết đếm tiền, tiếng Kinh thì tiếng được tiếng mất, người ta đưa bao nhiêu cầm bấy nhiêu. Sau này, ổng nhờ người đổi ra mấy ba lô vàng mới hết…”- ông Ba Đ, một người Kinh làm ăn ở xa Ba Lế kể.

Cũng theo Ba Đ, ngoài vài tỉ gửi ngân hàng, số vàng nói trên khoảng chục tỉ đồng, ông Sắc nhờ một người Kinh công tác tại xã Ba Điền về tp Quảng Ngãi đổi kỳ nam ra vàng rồi mang lên trong buổi chiều tối trời.

Không ai thấy mang tất cả bao nhiều ba lô, kẻ thì bảo 2, người bảo có đến 3 ba lô vàng chứ chẳng ít. Sau lần đưa vàng lên, trong một đêm chiêu đãi các “tâm phúc”, ông Sắc đã để vàng một một cái chóe lớn, đưa đi chôn giấu trong rừng, vì sợ để nhà không an tâm.

Chiều tối, ông Sắc từ rẫy về. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Sắc “miệng kín như bưng” không nói gì về vàng, về kỳ nam mà chỉ mời uống rượu. Tối đến, khi rượu vào ông Sắc cởi mở hơn.

Thế nhưng, ông chỉ kể mình được kỳ nam ra sao, bán cho ai mà thôi, còn số lượng và tiền bán ra, ông Sắc không nói (có khi còn… không biết bao nhiêu tiền!). “Mấy người trúng kỳ nam bây giờ ra sao?”. “Trừ mình ra và mấy người còn giữ được tiền, còn lại bọn nó không ra gì…” – ông Sắc e dè nói.

Thấy ông kiệm lời, ông Ba Đ bảo: ông Sắc bây giờ rất ít nói chuyện với người lạ. Có lẽ, ông rút kinh nghiệm sau lần trúng kỳ nam. Và chiều hôm ấy, ông Sắc quả không hề nói gì nhiều. Vì vậy, chẳng ai biết ông trúng bao nhiêu kỳ nam, giàu cỡ nào? Với khách phương xa và thậm chí với người trong làng, đó cũng là một bí mật.

Cuốn theo kỳ nam

Chủ quán tên Sáu Nhơn ở đây cho hay, những ngày đầu năm 2006 lập quán, buôn bán ở làng này rất được. Sau đó, người làng như không còn tiền, nên mua bán ế ẩm dần ra. Cảnh mua chịu của dân làng ngày một nhiều chứ không rủng rỉnh tiền túi như ngày trước.

Hỏi ra, ở đây không phải không có kế kiếm tiền như làm công thu hoạch keo, bứt mây trên rừng… Dù cực nhọc nhưng mỗi ngày kiếm 70.000 – 100.000 đồng cũng cải thiện được cuộc sống. Vậy mà thanh niên nơi này chẳng mấy ai muốn động tay chân.

Sau “cơn lốc” kỳ nam, có người bị cuốn từ đồng bằng lên định cư buôn bán tại nơi này, nhưng cũng lắm thanh niên nam, nữ làng này bị cuốn đi lạc lối. Các lái thương từ khi rời làng Tốt, thì làng xảy ra chuyện trai bỏ vợ, gái bỏ chồng.

Gái làng cũng vơi dần, đi đâu không ai rõ. Lâu lâu, gái xa lại về làng, mặt mày trát phấn, ăn mặc diêm dúa, tiền nong rủng rỉnh. Ở vài ngày trong làng, các em chê làng buồn và khăn gói ra đi. Đám gái làng trông theo nứt mắt và cứ thế xuống núi đi theo tiếng gọi của đồng tiền. Thế rồi, không nhiều nhưng lâu lâu lại có gái mang con về bản.

Một lãnh đạo công an xã Ba Lế bảo, thực tế thì số con gái bỏ làng Tốt đi, lâu lâu cũng đi đi về về chứ không phải bỏ làng đi biền biệt. Tuy nhiên, đó là số con gái đua đòi, lâu lâu lại đi chơi kiểu này.

“Chuyện trúng kỳ nam là có thật. Nhưng chuyện gái bỏ chồng, trai bỏ vợ là chuyện thường của dân làng chứ không phải do kỳ nam mà ra”-bí thư đảng ủy xã Ba Lế, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), ông Slavancon nói.

Không hiểu khi rời làng Tốt, chúng tôi cứ mãi mang theo lời của một người, rằng: nếu không có kỳ nam, có lẽ làng Tốt sẽ vui hơn…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Long (Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN