Nữ tiến sĩ Mỹ làm tiếp viên karaoke TQ

Họ gọi chị là “mắt kính” hay “cô gái đại học” và cười phá lên khi chị không hiểu nổi những câu chuyện hay câu nói đùa về sex của họ.

Nhóm côn đồ bước vào quán, túm lấy cánh tay cô gái và lôi lên phòng trên lầu hòng cưỡng hiếp. Cô nhanh chóng nhận ra mối hiểm nguy thực sự mình đang phải đối diện. Nhờ sự giúp đỡ của chủ quán, bảo vệ và mấy tiếp viên khác cô mới thoát ra được.

Vụ việc nói lên bản chất nguy hiểm của dự án mà Zheng Tiantian, hồi đó đang là nghiên cứu sinh ngành nhân chủng học tại ĐH Yale (Mỹ) thực hiện vào năm 2000. Zheng làm tiếp viên trong quán karaoke suốt 2 năm trong một khu đèn đỏ đầy rẫy tội phạm ở một thành phố của Trung Quốc.

Cuốn sách về cuộc sống của lao động tình dục ở các "khu đèn đỏ" của Trung Quốc (tựa đề Red Lights: The Lives of Sex Workers in Postsocialist China) mô tả chân thực thế giới của các cô gái tiếp viên karaoke ở Trung Quốc, nơi gái mại dâm hòa vào dòng dân di cư từ nông thôn ra thành thị. Zheng không nói rõ tên của thành phố nơi chị từng làm tiếp viên vì sợ rằng điều này sẽ gây rắc rối cho những nữ tiếp viên mà chị mô tả trong cuốn sách.

Nữ tiến sĩ Mỹ làm tiếp viên karaoke TQ - 1

Bìa cuốn sách nói về thế giới của tiếp viên quán karaoke ở Trung Quốc của GS.Zheng

Zheng, giờ đã là giáo sư nhân chủng học tại ĐH New York, chuyên nghiên cứu về giới tính, tình dục, di cư và sự chuyển dịch văn hoá xã hội ở Trung quốc. Khi còn là sinh viên mới tốt nghiệp đại học, vì muốn kiểm tra lại suy nghĩ bấy lâu về quyền phụ nữ, Zheng quyết định thâm nhập vào quán karaoke để tìm hiểu về cuộc sống và công việc của các nữ tiếp viên. Trong bài trả lời phỏng vấn gần đây với Thời báo hoàn cầu, Zheng kể lại quá trình sống và làm việc cùng các tiếp viên đã thay đổi quan điểm của chị về những phụ nữ này như thế nào.

“Kinh nghiệm đó đối với tôi như một giống như một sự thức tỉnh đột ngột trước những phương cách mà những phụ nữ đó tận dụng cơ thể mình để phân phối lại của cải và sức mạnh phần lớn do đàn ông kiểm soát”, Zheng nói.

Zheng tin rằng những lao động tình dục ấy không khác gì so với phụ nữ trong những ngành công nghiệp khác. “Họ ở khoảng giữa nạn nhân và phụ nữ được giải phóng… Khách hàng và lao động tình dục có thể tự củng cố cho nhau và tận dụng nhau”.

Nữ tiếp viên từ ĐH Yale

Với sự giúp đỡ của quan chức địa phương, Zheng tìm được một quán bar mà người chủ đồng ý bảo đảm sự an toàn cho chị trong lúc chị nhập thân vào vai trò nữ tiếp viên.

Đầu tiên, sự xuất hiện của cô gái 28 tuổi bị chào đón lạnh nhạt. Các nữ tiếp viên ở đây không tin một nghiên cứu sinh tiến sĩ từ một trường đại học ở Mỹ lại muốn viết về họ. Họ gọi chị là “mắt kính” nay “cô gái đại học” và cười phá lên khi Zheng không hiểu nổi những câu chuyện hay câu đùa về sex của họ.

“Tại sao cô lại nghiên cứu về những người nhỏ mọn như chúng tôi? Tại sao cô không nghiên cứu về phụ nữ thành thị có nghề nghiệp hẳn hoi” họ hỏi Zheng như vậy. Zheng tin rằng điều đó giải thích tại sao những nữ tiếp viên đó tự coi mình chỉ là “con ruồi nhép” so với phụ nữ đô thị có học hành, nghề nghiệp.

Để hiểu sâu hơn về cuộc sống của họ, Zheng cố gắng làm theo những gì họ làm. Zheng sống cùng các tiếp viên trong căn phòng thiếu thốn. Chị cũng thức dậy vào buổi chiều, ra ngoài, đi shopping, làm việc từ 6h tối vào lên giường đi ngủ vào lúc gần 3g sáng.
 
Zheng trang điểm rất đậm ăn và ăn mặc “mát mẻ”. Mẹ chị, sống cùng thành phố nhưng không biết gì về dự án mà chị đang thực hiện, kêu ca rằng chị ăn mặc như gái điếm.

Một đêm, Zheng uống quá nhiều rượu đến mức bị ốm và nôn thốc nôn tháo. Thấy vậy, các nữ tiếp viên đã chăm sóc và khóc cùng chị. Đêm đó, Zheng cảm thấy mình đã tiếp cận được với họ ở góc độ con người hơn, và chị nghĩ mình đã được họ chấp nhận.

“Chúng tôi chia sẻ với nhau những khoảnh khắc ngọt ngào và cay đắng, và gắn bó với nhau một cách từ từ”, Zheng viết trong cuốn sách.

Khi làm tiếp viên, Zheng cố gắng để khách ít chú ý hơn đến mình bằng cách mặc váy dài hơn, màu trầm hơn, và đeo kính. Theo nhận xét của các nữ tiếp viên thì trong chị “cực kỳ buồn cười”.

Dù vậy, nhiều khách hàng vẫn chọn Zheng. Làm theo chỉ dẫn của các tiếp viên để tránh bị khách đụng chạm, Zheng đã tránh khỏi phiền phức trong hầu hết trường hợp.

Trong suốt 2 năm đó, Zheng chứng kiến nỗi đau mà các tiếp viên phải trải qua. Chân tay và ngực họ thường xuyên tím bầm vì bị khách hàng, chủ quán và bảo vệ quán cấu véo. Ở thành phố này, thỉnh thoảng vẫn có xác của nữ tiếp viên được phát hiện trên phố. Đôi khi cảnh sát cũng không thể nhận diện họ là ai.

Có lần Zheng hỏi mẹ của một tiếp viên mà chị thân thiết rằng bà có lo lắng cho sự an toàn của con gái mình không. Người mẹ này trả lời đã 3 tháng bà không nghe tin tức gì về con nên nghĩ cô gái đã chết.

Cuốn sách của Zheng được nhiều người đánh giá cao, ngay cả các cơ quan y tế công cộng ở Trung Quốc cũng liên lạc với chị để xin thông tin.

Năm 2004, Zheng trở lại thành phố đó và biết rằng các nữ tiếp viên giờ đây bị buộc phải khoả thân khi hát và nhảy cùng khách. Đây là chiêu mới của chủ quán nhằm câu kéo thêm khách hàng.

“Điều đó cho thấy ngày càng nhiều thách thức mà các tiếp viên phải gánh chịu khi không chỉ tận dụng cơ thể để kiếm tiền mà còn phải hy sinh cả phẩm cách của mình”, Zheng viết.

Đề xuất từ trải nghiệm

Gần đây, nhà hoạt động Ye Haiyan, cũng thu hút sự chú ý khắp cả nước khi tình nguyện làm lao động tình dục miễn phí. Ye đã kể lại trên blog kinh nghiệm cung cấp sex miễn phí cho những công nhân di cư ở khu tự trị dân tộc Zhuang Quảng Tây trong 2 ngày.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính Trung Quốc có khoảng 4 triệu lao động tình dục. Mại dâm là nghề bị cấm ở Trung Quốc, nhưng Ye kêu gọi hợp pháp hoá nghề bán dâm để bảo đảm an toàn cho lao động tình dục và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

“Các nữ tiếp viên đang rơi vào vùng tối, vì luật không quy định rõ ràng nghề của họ là hợp pháp hay không hợp pháp”, Zheng viết.

Zheng cũng cho rằng nhóm phụ nữ này sẽ được bảo vệ tốt hơn khi bán dâm không bị coi là tội.

“Khắp thế giới, các phong trào đấu tranh vì lao động tình dục cho rằng bán dâm là một dạng lao động hợp pháp và lao động tình dục cũng cần có quyền. Không hình sự hoá việc bán dâm là biện pháp cần thiết để giảm bạo lực”, Zheng đề xuất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Quỳnh (theo Global Times) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN