Người dưng làm cấp cứu
Nếu không có những người đi đường tốt bụng, không ít nạn nhân tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề do cấp cứu trễ.
Người đi đường tốt bụng hỗ trợ nhân viên cấp cứu đưa nạn nhân lên băng ca. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Phần lớn TNGT xảy ra trên địa bàn TP.HCM đều do người đi đường hoặc hộ dân sống gần đó gọi điện thoại báo cho Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM” - BS Nguyễn Văn Trung, phụ trách Đội cấp cứu ngoại viện của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết.
Người dưng tốt bụng
22 giờ ngày 2-9, điện thoại Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM reo vang. Người gọi điện thoại xưng là Thành, báo có một vụ TNGT xảy ra trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8, TP.HCM). “Tôi vẫn đang có mặt ở hiện trường, có gì anh/chị liên lạc qua số điện thoại này” - người gọi điện thoại nói.
Trên đường tới hiện trường, điều dưỡng Nguyễn Văn Hoa gọi điện thoại cho ông Thành để hỏi tình hình bệnh nhân. Từ mô tả của ông Thành, anh Hoa hướng dẫn cách xử lý để bệnh nhân bớt đau. Xe cứu thương tới chân cầu Chữ Y phía bên quận 5 (TP.HCM) thì kẹt cứng. Ông Thành liên tục gọi điện thoại, tỏ vẻ sốt ruột.
Thoát khỏi biển người, vừa quặt đầu đường Phạm Thế Hiển, mọi người trên xe thấy một người đàn ông giơ tay vẫy và chỉ chỗ nạn nhân đang nằm sóng soài. “Tôi tình cờ đi ngang, thấy cậu này va quẹt xe hơi rồi té xuống, tài xế xe hơi nhấn ga bỏ chạy. Tôi dìu cậu ta vô lề rồi gọi 115, gọi luôn cả người nhà người bị nạn. Mặc dù có công chuyện gấp nhưng tôi không nỡ bỏ cậu ta một mình vì sợ xảy ra chuyện không hay” - ông Thành nói rồi lên xe nổ máy.
Chẩn đoán người bị nạn gãy chân phải, y sĩ Ngô Văn Đông cùng hai điều dưỡng nhanh chóng cố định xương rồi chuyển lên băng ca.
Một trường hợp tương tự, khi tới hiện trường ở quận 5 (TP.HCM), một thanh niên độ 24 tuổi nồng nặc mùi rượu, bê bết máu nằm sóng soài trên đường, nón bảo hiểm nằm lăn lóc góc đường. Xe máy của nạn nhân hư hỏng nặng. Anh Quang, người gọi Cấp cứu 115, kể: “Đang ngồi uống cà phê với bạn, tôi nghe tiếng rú ga từ xa. Tôi thấy một thanh niên chạy xe với tốc độ nhanh khiến người đi đường phải dạt vô lề. Bỗng anh té, đập đầu xuống đường bất tỉnh”.
Sau đó, anh Quang cẩn thận gọi cho một dân phòng, nhờ đi theo nạn nhân. Y sĩ Võ Văn Sậm giải thích: “Khi nạn nhân bất tỉnh, không có người nhà thì phải có dân phòng hoặc công an khu vực đi theo là cần thiết. Mục đích để tránh trường hợp nạn nhân kêu mất cắp tiền bạc, tư trang… khi tỉnh lại”.
Gác việc riêng, lo cho người bị nạn
Trên đường chuyển một nạn nhân tới bệnh viện, y sĩ Ngô Nguyễn Diễm Ngọc chia sẻ: “Nạn nhân bị chấn thương cột sống, nếu di chuyển không đúng có thể gây gãy cột sống, đứt động mạch khiến bệnh tình thêm nặng, thậm chí tử vong”.
BS Trần Văn Sóng, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết thường xuyên gặp tình cảnh bệnh nhân bị TNGT bất tỉnh nhưng không có người nhà đi cùng do không có manh mối liên hệ. Trường hợp nạn nhân được cấp cứu qua cơn nguy kịch nhưng vẫn chưa tỉnh, chưa có người nhà thì bệnh viện thông báo cho chính quyền địa phương nơi người bệnh gặp nạn. Sau đó, chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chức năng điều tra nhân thân, địa chỉ người bị nạn để thông báo cho người nhà.
BS Nguyễn Văn Trung chia sẻ thêm: “Công tác trong ngành cấp cứu ngoại viện đã lâu, tôi thấy nhiều nạn nhân nguy kịch được cứu sống hoặc di chứng để lại không quá nặng nề do được sơ cứu kịp thời. Điều này là nhờ lòng tốt của người đi đường, người sống gần nơi xảy ra tai nạn”.
Có người mặc dù đang chạy đôn chạy đáo giải quyết chuyện nhà nhưng khi gặp người bị nạn liền gọi điện thoại 115, chờ nhân viên cấp cứu tới rồi mới đi. Cũng có người hoãn việc rước con, đứng trông chừng tài sản cho người bị nạn sau khi đã gọi cấp cứu. Họ chỉ là người dưng nhưng không bỏ mặc người gặp nạn.
Cần sơ cứu đúng cách nạn nhân Sơ cứu không đúng phương pháp có thể làm nạn nhân tử vong hoặc nặng hơn tình trạng chấn thương hiện có, kể cả gây tàn phế suốt đời. Sơ cứu nạn nhân ngưng tim, ngưng thở thì áp dụng phương pháp hồi sinh tim phổi cơ bản. Nạn nhân bị chấn thương sọ não thì giữ tư thế cố định, tránh nạn nhân tụt lưỡi ngưng thở, nhẹ nhàng nghiêng đầu sang bên… Trường hợp bị chấn thương cột sống thì cố định vị trí đầu, cổ, lưng trên một đường thẳng, tránh xê dịch. Điều đáng lưu ý, vận chuyển nạn nhân bị chấn thương cột sống sai tư thế có thể làm trật cột sống cổ, gây ngưng thở hoặc liệt tứ chi. Nạn nhân bị gãy xương nhưng cố định không đúng sẽ làm nạn nhân đau, nhiều trường hợp nạn nhân bị liệt, ngưng thở, sốc vì đau, mất máu... BS VÕ QUANG HUY ____________________________________ Khoảng 2/3 trường hợp nạn nhân TNGT bị chấn thương cột sống. Chấn thương này thêm nguy hiểm nếu không sơ cứu đúng cách hoặc bị di chuyển. Do vậy gặp người bị TNGT, người đi đường tốt nhất giữ nguyên hiện trường, gọi CSGT và 115. BS NGUYỄN VĂN TRUNG |