Người đồng tính VN ít bị đánh đập so với TG

Theo ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường (iSEE) số người đồng tính bị đánh đập ở ngoài đường ở Việt Nam vẫn ít hơn hẳn so với nhiều nước trên thế giới.

Tại hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ quyền của LGBT trong quan hệ hôn nhân và gia đình", ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường (iSEE) cho biết, tạm tính ở độ tuổi 15 - 59, Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 1,6 triệu người đồng tính.

Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, mới chỉ hơn 11% số người được hỏi coi đồng tính là bình thường. Số còn lại đều có sự kỳ thị nhất định đối với người đồng tính.

Mặt khác, theo ông Bình, hiểu biết của người Việt về người đồng tính cũng rất hạn chế khi gần 50% số người cho rằng đây là một loại bệnh và có thể chữa được. Thậm chí một số đông cho rằng đây là trào lưu xã hội.

Nghiêm trọng hơn, nghiên cứu của iSEE cho thấy, hơn 83% người đồng tính nói rằng họ từng nghe hoặc nhận thấy mình bị một ai đó trong xã hội dè bỉu. Gần 10% đã bị người ngoài xã hội chửi mắng và đánh đập.

Theo ông Bình, thực ra số người đồng tính bị đánh đập ở ngoài đường ở Việt Nam vẫn ít hơn hẳn so với nhiều nước trên thế giới.

Hầu hết người được hỏi đều ủng hộ quan điểm cho phép người đồng tính chung sống với nhau. Nhưng rất ít người đồng ý quan điểm cho phép họ kết hôn.

Người đồng tính VN ít bị đánh đập so với TG - 1

"Chúng tôi chỉ mong muốn nhiều người hiểu rõ hơn và cảm thông. Để con em chúng tôi không bị bạn bè ở trường lớp cũng như ngoài xã hội kỳ thị nữa." - Vị phụ huynh có con là người đồng tính nói tại hội thảo.

Giáo sư Kees Waaldijk (Trường Đại học Luật Leiden, Hà Lan) cho biết, trên thế giới đã có 23 nước cho phép người đồng tính kết đôi dân sự. Trong đó có cả 11 nước cho phép kết hôn. Phần lớn là các nước châu Âu, chưa có nước nào ở châu Á.

Luật quốc tế không bắt buộc tất cả các quốc gia phải công nhận hôn nhân đồng tính. Nhưng hiện nay, tòa án quốc tế và cơ quan tài phán về nhân quyền đều đã công nhận quyền có cuộc sống riêng tư, quyền được có mối quan hệ với người đồng giới.

Vị giáo sư còn cho hay, một số nước đã ra điều luật, quy định nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị người đồng tính.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng nếu cho kết đôi đồng giới thì có nhiều vấn đề pháp lý cần xem xét như việc nhận con nuôi thế nào, và giải quyết hệ quả hôn nhân đồng tính ra sao. Có trường hợp, hai người quan hệ đồng tính nữ, nhưng một người có con đẻ, vậy người kia có được thừa nhận đứa trẻ đó làm con hay không.

Vị giáo sư cho hay, tại một số nước tuy chấp nhận kết đôi dân sự nhưng không cho nhận con nuôi. Tuy nhiên, có nước chấp nhận và nếu xảy ra tranh chấp, họ sẽ dựa vào thực tế, ai có điều kiện chăm sóc con tốt hơn thì được nhận nuôi. Các vấn đề pháp lý trong hôn nhân đồng tính không khác so với hôn nhân dị tính.

Tuy nhiên, bà Vũ Minh Hồng (Ban Dân chủ Pháp luật - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) lập luận: Nếu chấp nhận kết hợp đồng giới, nhận con nuôi là phù hợp với tự nhiên, vậy một đứa trẻ sống trong gia đình của cặp đồng giới sẽ gọi ai là bố, ai là mẹ. Và nếu gọi một phụ nữ là bố hoặc ngược lại, có hợp với quy luật tự nhiên hay không?

Bà Hoàng Tú Anh (Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số) cho rằng, việc một đứa trẻ gọi ai là cha, ai là mẹ do người lớn dạy cho nó. Bản thân một đứa trẻ không tự nhiên có khái niệm đó.

Cũng theo bà Hoàng Tú Anh, ở phương Tây, người ta có thể yêu nhau, quan hệ tình dục nhưng không cần kết hôn. Trong khi đó truyền thống văn hóa của người Việt, "tình yêu, tình dục, hôn nhân và con cái" là những phạm trù không thể tách rời nhau.

Mặc dù ở Việt Nam ngày nay, thực tế xã hội đã phải thừa nhận tồn tại quan hệ tình yêu, tình dục của người đồng tính và trong luật không cấm. Vậy nhưng luật pháp lại không cho kết hôn. Cho nên chỉ khi chấp nhận hôn nhân, mới đảm bảo được quyền cho mỗi con người.

Giáo sư  Kees Waaldijk phân tích: Việt Nam có thể không chấp nhận ngay kết hôn đồng giới. Đơn giản bởi số đông xã hội vẫn chưa đồng tình. Trước mắt, chỉ nên hy vọng công nhận ở một mức độ thấp hơn như "kết đôi dân sự".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN