"Dự án thoát nước đang phát huy hiệu quả"

Mưa nhỏ đến mức nào thì Hà Nội không có điểm úng ngập? Có phải hầu hết các trận mưa trong năm đều được coi là lớn?

Trả lời phỏng vấn của Khampha.vn, ông Lê Vũ Quảng Xương (trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư - Công ty Thoát nước Hà Nội) khẳng định, dự án thoát nước Hà Nội đã, đang phát huy hiệu quả và sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả cho đến khi hoàn thành.

- Ông đánh giá thế nào về tình hình úng ngập tại Hà Nội nói chung và từ đầu mùa mưa đến nay nói riêng?

Thời tiết năm nay khá phức tạp, các trận mưa bất thường. Từ đầu năm đến nay có một số trận mưa cường độ lớn như hôm 5/5, 22/5, đặc biệt là 14/6 gây ngập úng nhiều điểm. Có trận chỉ 30 phút đầu, lương mưa đã hơn 70mm, vượt quá mọi tính toán. Tuy nhiên sau khi ngớt mưa khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng đồng hồ, nước đã rút hết, giao thông trong thành phố cơ bản đã trở lại bình thường.

Đánh giá chung, những trận mưa nhỏ hơn 50mm, toàn bộ địa bàn thành phố không có điểm úng ngập. Còn lớn hơn, một số điểm có thể bị ngập. Đây là 21 điểm đã được dự báo trong kế hoạch. Hiện phát sinh thêm một vài điểm úng ngập khác, do một số dự án đang triển khai thi công tại các điểm này.

Với tiến độ dự án thoát nước giai đoạn II, trong 1-2 năm tới, các điểm này cơ bản sẽ không úng ngập nữa. Cũng theo tính toán, khi hoàn thành dự án, những trận mưa dông ngắn, hệ thống thoát nước có thể chịu được lượng mưa 68mm/giờ.

- Một vài trận mưa đầu mùa đều dễ gây úng ngập như vậy, thì có phải hầu hết các trận mưa trong năm đều được coi là lớn?


Tình hình diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp. Với những lượng mưa như vừa qua, kể cả trong quy chế bão lũ của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta khó nói trước được điều gì! Điều đó nằm ngoài tính toán.

- Vậy phải chăng chúng ta không có sự tính toán để hệ thống thoát nước đảm bảo đối phó với những trận mưa này?

Sự tính toán công suất phục vụ thoát nước đó không phải cho trong năm, mà là tính toán cho trận mưa có chu lỳ lặp lại 5 năm - 10 năm. Tùy vào dự án thoát nước chúng ta đầu tư. Mỗi dự án thoát nước đều có sự cân nhắc giữa yêu tố kỹ thuật và kinh tế, xã hội.

Có thể thấy, đô thị lớn của nhiều nước cũng bị ngập. Không phải người ta thiếu tiền hay công nghệ. Mỗi dự án đều có phạm vi tính toán nhất định.

Tôi cho rằng, việc quy hoạch Hà Nội cũng như dự án thoát nước đều đã có sự tính toán phù hợp. Và nó là bài toán lâu dài, chứ không phải trong năm nay.  Tính toán để có thể thoát nước cho lượng mưa 500mm cũng được. Nhưng tiền ở đâu ra? Và nó còn ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội.

- Với việc đầu tư dự án thoát nước với khoảng 3.500 tỉ đồng (tương đương 180 triệu USD)  cho giai đoạn 1 (đã hoàn thành) và 6.500 tỉ đồng (tương đương 370 triệu USD) cho giai đoạn 2 (đang tiến hành), liệu sự úng ngập là điều chúng ta phải chấp nhận?

Từ những năm 1990, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, ao hồ bị xâm phạm rất nhiều, mật độ bê tông hóa diện rộng. Trước đây, nước mưa đổ xuống được ngấm nhanh hơn. Nhưng ngày nay, mưa toàn đổ xuống bê tông, đường nhựa. Lượng nước đổ dồn nhanh hơn rất nhiều, gây ra tình trạng quá tải, ngập cục bộ.

Ngay từ khi giai đoạn I của dự án hoàn thành đã phát huy hiệu quả rất lớn. Trước đây có một số trận mưa tương tự, như là năm 1984, khi chưa có dự án thoát nước, Hà Nội có khi ngập đến 10 ngày. Vậy nhưng sau khi giai đoạn I hoàn thành, kể cả các trận mưa lớn kéo dài, thậm chí được coi là thiên tai, cơ bản chúng ta đã chủ động trong việc tiêu thoát nước.

Qua nhiều năm theo dõi, chúng tôi đánh giá hệ thống thoát nước ngày càng tốt hơn. Mặc dù chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhưng người dân đã ghi nhận, thời gian rút nước đã nhanh hơn rất nhiều. Ví dụ như trận mưa vừa qua, chỉ 1 tiếng rưỡi - 2 tiếng, nước đã rút hết, đảm bảo giao thông đi lại.

- Dự án thoát nước đến nay đã giải quyết được những phần nào?


Về phần dự án thoát nước, xin hỏi Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội. Chúng tôi chỉ là đơn vị phối hợp.

- Nhưng bên công ty vẫn phải nắm được tiến độ dự án để có thể chủ động đưa ra những phương án xử lý ngập úng hợp lý?

Tất nhiên chúng tôi có sự phối hợp, nhưng chỉ là sự phối hợp cụ thể, tại khu vực cụ thể. Còn tổng thể dự án, cần hỏi bên Ban quản lý. Chúng tôi có phương án chủ động của chúng tôi, và tại từng khu vực. Về tổng thể, chúng tôi không thể nói thay cho họ được.

- Chúng ta đổ lỗi việc Hà Nội dễ úng ngập là do quy hoạch, tốc độ đô thị hóa, xây dựng nhà cửa, bê tông hóa... Vậy những giải pháp cho vấn đề này là gì?


Đây không phải là đổ lỗi. Những vấn đề tồn tại đó là một thực tế của các đô thị lớn chứ không riêng Hà Nội. Để giải quyết lâu dài vấn đề này, cần một tầm quy mô lớn hơn ở cấp Chính phủ, cấp thành phố. Với chức trách một đơn vị làm công tác thoát nước trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi đảm bảo khai thác tối đa hệ thống thoát nước được thành phố giao quản lý để luôn vận hành tốt nhất. Mực nước trong mùa mưa, chúng tôi đảm bảo toàn hệ thống ở mức thấp, tăng lưu lượng chứa nước.

Để giải quyết vấn đề úng ngập, là trách nhiệm chung của nhiều bộ ngành cũng như chính quyền các cấp. Nó còn tùy vào điều kiện kinh tế hiện có cũng như ý thức từng người dân trong xây dựng phát triển đô thị.

Lấy ví dụ thực tế, chúng tôi với trách nhiệm, cố nạo vét mương sông cho sạch. Nhưng vừa vét xong thì nhiều người dân sẵn sàng ném rác xuống. Công nhân nhắc nhở thì được trả lời: "Chúng tao tạo công ăn việc làm cho chúng mày!"

- Giải pháp hiện thời để đối phó với úng ngập là như thế nào?

Chúng tôi phải tiến hành nhiều giải pháp. Khi mưa xuống là mở cửa phai các hồ để điều hòa mực nước, đưa nước vào hồ. Vận hành các trạm bơm lớn cuối nguồn tiêu để tăng tốc độ nước về. Mở các ga để đưa nhanh nước xuống cống. Huy động nhân công ứng trực tại các điểm dễ úng ngập. Máy bơm di động cũng là một trong số các giải pháp, nhưng chỉ hỗ trợ ở những khu vực nhỏ.

- Cho dù sau một vài tiếng, nước đã rút, nhưng mưa to vào giờ tan tầm, người dân vẫn phải lội bì bõm. Từ đó, nhiều người cho rằng, với những giải pháp trên, việc chống úng ngập cục bộ vẫn chưa đem lại hiệu quả?

Nếu đánh giá về hiệu quả, mỗi người ở một góc độ khác nhau. Đánh giá cần dựa vào những thứ chúng ta hiện có. Để những thứ đó phát huy hiệu quả tốt nhất và ở mức tương đối. Hiệu quả đến mức không còn điểm úng ngập nữa thì không thể có được. Không thể đòi hỏi một sự thay đổi thần kỳ ngay lập tức.

- Có người cho rằng cần thanh tra, kiểm tra đánh giá lại hiệu quả của dự án thoát nước. Ông nghĩ sao?

Ý kiến này không hiểu dựa trên cơ sở nào? Ở góc độ chúng tôi, dự án thoát nước đã và đang phát huy hiệu quả. Và sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả cho đến khi dự án hoàn thành.

Dự án Thoát nước Hà Nội được phê duyệt từ năm 1995 và chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành năm 2005, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng (180 triệu USD). Giai đoạn II bắt đầu từ năm 2006, dự kiến kết thúc vào năm 2013, với tổng mức đầu tư trên 6.300 tỷ đồng (tương đương 370 triệu USD) vay vốn ODA của Nhật bản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lệ Vân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN