Vì sao ngành vũ khí Trung Quốc có thể gặp rắc rối lớn từ xung đột Nga-Ukraine?

Một Ukraine bất ổn có thể làm tổn hại việc sản xuất vũ khí nhân bản của Trung Quốc vì ngành công nghiệp này phụ thuộc đáng kể vào một số công ty quốc phòng giá trị nhất của Ukraine.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine đang chực chờ bùng nổ thì một Ukraine bất ổn – đối tác của Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh có thể làm tổn hại đến việc sản xuất vũ khí nhân bản của Trung Quốc, theo trang The EurAsian Times.

Ngành công nghiệp vũ khí sao chép của Trung Quốc phụ thuộc đáng kể vào một số công ty quốc phòng giá trị nhất của Ukraine và Trung Quốc đã mua lại nhiều công ty trong số đó trong những năm gần đây.

Trung tâm sản xuất quốc phòng của Liên Xô

Sau khi độc lập, Ukraine còn lại khoảng 30% ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô trên lãnh thổ nước này, bao gồm khoảng 750 nhà máy và 140 viện khoa học và kỹ thuật sử dụng hơn một triệu nhân công.

Động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt AI-322F dành cho máy bay chiến đấu hạng nhẹ do công ty Motor Sich của Ukraine chế tạo tại cuộc triễn lãm vũ khí quốc tế ở Kiev (Ukraine). Ảnh: Asia Times

Động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt AI-322F dành cho máy bay chiến đấu hạng nhẹ do công ty Motor Sich của Ukraine chế tạo tại cuộc triễn lãm vũ khí quốc tế ở Kiev (Ukraine). Ảnh: Asia Times

Các xưởng đóng tàu duy nhất trong toàn Liên Xô có khả năng đóng tàu sân bay dùng cơ chế cất cánh cầu nhảy (STOBAR) dành cho máy bay chiến đấu là ở TP Mykolaiv ở phía nam Ukraine.

Cục thiết kế Antonov của Ukraine đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ của Liên Xô và đã thiết kế máy bay chở hàng hạng nặng bốn động cơ AN-124 và máy bay vận tải sáu động cơ AN-225. AN-225 vẫn là chiếc máy bay lớn nhất từng được chế tạo.

Công ty sản xuất động cơ máy bay Motor Sich, đóng tại TP Zaparozhye của Ukraine, là một trong những nhà máy lớn nhất sản xuất động cơ máy bay trong thời kỳ Liên Xô, đồng thời là nhà sản xuất duy nhất một số động cơ, trong đó có những động cơ được lắp trên các nền tảng trực thăng hàng đầu của các lực lượng vũ trang Liên Xô.

Tuy nhiên, Ukraine không có thị trường xuất khẩu phù hợp, phần lớn thị trường vẫn thuộc về Nga, dù tới năm 2014 (năm Nga sáp nhập bán đảo Crimea), Ukraine vẫn là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tám trên thế giới. Và điều này xuất phát từ hai lý do.

Lý do thứ nhất, Ukraine bằng cách nào đó đã đảm bảo được vị trí của mình ở một số quốc gia châu Á và châu Phi, chủ yếu thông qua các thị trường vũ khí xám và thị trường chợ đen ở các lĩnh vực hàng không, đóng tàu và công nghệ tên lửa. Ukraine đã chế tạo một số tên lửa phòng không từ thời Liên Xô, vệ tinh không gian và máy bay Antonov. Ukraine bán những vũ khí này với giá rẻ hơn so với Nga.

Lý do thứ hai và cũng quan trọng hơn, mối quan hệ làm việc giữa Ukraine với Nga đủ tốt. Nhiều hệ thống của Nga như máy bay và trực thăng cần các bộ phận như động cơ, cánh là do Ukraine cung cấp. Những hệ thống vũ khí không thể thiếu trong các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga cũng được gửi cho dịch vụ chính quy của Ukraine. Thực tế, Nga là nước mua các sản phẩm liên quan tới quốc phòng của Ukraine lớn thứ ba từ năm 2009 đến năm 2013 sau Trung Quốc và Pakistan.

Ukraine cũng là nơi có mạng lưới khá lớn các nhà máy sửa chữa và đại tu có thể phục vụ bất kỳ nền tảng vũ khí chính hoặc hệ thống phụ nào. Các nhà máy đại tu dành cho máy bay đặc biệt tích cực trong việc hỗ trợ các thiết kế thời Liên Xô vẫn còn được Nga sử dụng.

Và trong nhiều trường hợp, máy bay do Nga thiết kế được các công ty Ukraine bảo trì thay vì các nhà sản xuất thiết bị gốc của Nga.

Vì sao ngành vũ khí nhân bản của Trung Quốc bị ảnh hưởng?

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn sau năm 2014, đặc biệt sau khi mối quan hệ giữa Nga và Ukraine xấu đi liên quan tới việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Và đây là thời điểm Trung Quốc bắt đầu can dự.

Ai cũng biết rằng nếu ngành công nghiệp vũ khí của Nga tồn tại được sau khi Liên Xô tan rã thì chủ yếu là nhờ thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Và trong trường hợp này, như đã chỉ ra ở trên Ukraine đã trở thành nhà cung cấp chính các hệ thống phụ và vũ khí của Nga.

Tiêm kích J-11 của Trung Quốc, mẫu máy bay được cho sao chép từ Su-27 của Nga. Ảnh: Wikimedia Commons

Tiêm kích J-11 của Trung Quốc, mẫu máy bay được cho sao chép từ Su-27 của Nga. Ảnh: Wikimedia Commons

Tuy nhiên, có nhiều hệ thống vũ khí và hệ thống phụ của Nga bị Trung Quốc thiết kế ngược. Có thông tin Tập đoàn phi cơ Thẩm Dương ở tỉnh Liêu Ninh, phía bắc Trung Quốc đã có thể sao chép trái phép tiêm kích Su-27SK của Nga và được Trung Quốc định danh là J-11B, mà không gặp quá nhiều khó khăn. Nhưng việc tái cấu trúc radar và những bộ phận khác được cho là gặp quá nhiều thách thức. Do đó, những radar được dùng cho những máy bay bị sao chép trái phép này thay vào đó được sản xuất tại Ukraine.

Hầu như tất cả máy bay dòng J-11B được trang bị radar NIIP N001 được sản xuất tại nhà máy Novator ở TP Khmelnitsky, phía tây Ukraine.

Tương tự như vậy, hầu hết các loại vũ khí không đối không được sử dụng với các mẫu J-11B được chế tạo từ máy móc sản xuất mà Ukraine bán cho nhà máy Máy móc miền Đông Tây An của Trung Quốc, nhà phân tích người Ukraine Reuben F.Johnson tại Quỹ Casimir Pulaski chỉ ra.

“Đáng báo động hơn nữa là mức độ Bắc Kinh cố gắng mua lại các công ty quốc phòng giá trị nhất của Ukraine. Mục tiêu là giải quyết những vấn đề mà Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu từ Nga, cụ thể là công nghệ động cơ hàng không và họ đang tận dụng thực tế là phần còn lại của thế giới đã bỏ qua các khả năng của ngành công nghiệp Ukraine trong nhiều năm qua” – ông Johnson nói.

Cũng theo ông Johnson, cả Mỹ và Ukraine đã cố ngăn chặn việc bán công ty động cơ hàng không hàng đầu Motor Sich của Ukraine cho Trung Quốc với lý do là điều này sẽ thúc đẩy khả năng quân sự đang ngày một mở rộng của Trung Quốc.

Cạnh đó, ông Johnson dẫn lời một quan chức NATO nói rằng: “Điều này sẽ là mối nguy hiểm nếu Mỹ, NATO và các quốc gia khác không tìm cách can dự vào ngành công nghiệp của Ukraine. Các lực lượng vũ trang Ukraine không thể cung cấp đủ công việc để hỗ trợ nền tảng công nghiệp của họ. Nếu không có nhiều quốc gia đi theo con đường của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc hợp tác với Ukraine thì những chuyên môn công nghệ còn đó cuối cùng cũng rơi vào tay Trung Quốc”.

Lo ngại phổ biến vũ khí trái phép

Đã xuất hiện lo ngại về việc phổ biến vũ khí trái phép. Số lượng người mua công nghệ bất hợp pháp của Ukraine cùng các nhà công nghệ không trung thực của Ukraine có thể ít nhưng đáng lo ngại là bao gồm cả Trung Quốc, Triều Tiên, Syria và Iran. Các đặc vụ của Trung Quốc và Triều Tiên vài lần bị bắt tại Ukraine vì làm gián điệp về công nghệ tên lửa tối mật.

Trực thăng chiến đấu Mi-17B5 của Nga được lắp động cơ do công ty Motor Sich của Ukraine chế tạo. Ảnh: Asia Times

Trực thăng chiến đấu Mi-17B5 của Nga được lắp động cơ do công ty Motor Sich của Ukraine chế tạo. Ảnh: Asia Times

Giải pháp khả thi duy nhất là tái cấu trúc dần dần ngành công nghiệp Ukraine nhưng điều này đòi hỏi sự ủng hộ của cả Mỹ và Nga – điều vốn không tưởng vào lúc này.

Nhân đây, Ukraine đang nâng cấp phi đội vận tải AN-32 của Không quân Ấn Độ (IAF) theo một thỏa thuận hoàn tất năm 2009. Trong số hơn 100 máy bay có 40 chiếc đã được nâng cấp ở Ukraine và số còn lại được cho là do Trung tâm sửa chữa căn cứ của IAF thực hiện tại TP Kanpur, với các bộ dụng cụ nâng cấp do Ukraine cung cấp.

Kiev trước đây từng giới thiệu mẫu máy bay vận tải AN-132 của nước này nhằm thay thế phi đội AN-32 của IAF. Ukraine còn sản xuất tên lửa không đối không R-27, loại tên lửa được IAF sử dụng lắp trên tiêm kích SU-30MKI. Bên cạnh đó, Ukraine còn cung cấp các động cơ tuabin khí cho nhiều tàu hải quân.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ mô tả cách Nga có thể tấn công Ukraine

Nhà Trắng cho rằng Nga có thể tấn công Ukraine với các đòn không kích và tấn công mặt đất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tri Túc ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN