Tranh chấp Trung - Ấn, lợi hại tới ASEAN thế nào?
Tranh chấp biên giới kéo dài và vẫn đang tiếp tục leo thang giữa “hai gã khổng lồ” châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ đã ảnh hưởng không nhỏ tới khu vực Đông Nam Á.
Tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ vốn dai dẳng nhiều năm nay
“Hiệu ứng tràn” với ASEAN
Tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ vốn dai dẳng nhiều năm nay nhưng một tháng trở lại đây bắt đầu leo thang căng thẳng khi Bắc Kinh bắt đầu xây dựng một tuyến đường chiến lược trên cao nguyên Doklam (theo Ấn Độ) và Động Lãng (theo Trung Quốc). Đã có lúc, giới chức hai nước đề cập tới khả năng xung đột quân sự.
Tuần trước, Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức nhiều cuộc hội đàm liên tiếp đầu tiên kể từ khi tranh chấp bùng nổ hơn 1 tháng nay. Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval tại Bắc Kinh song cả hai bên đều không thể hiện dấu hiệu lùi bước. Từ đó đến nay căng thẳng vẫn chưa hạ nhiệt.
Cũng trong tuần vừa qua, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ nhất với Ấn Độ. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng nói, Bắc Kinh đang tăng cường triển khai quân sự dọc biên giới với Ấn Độ và sẽ bảo vệ chủ quyền “bằng mọi giá”.
Giữa bối cảnh đó, cuối tuần này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp tại Ấn Độ Smt. Sushma Swaraj sẽ cùng tham dự một Hội nghị của Ngoại trưởng các nước thành viên trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) được tổ chức tại Manila, Philippines.
Chắc chắn, các nhà phân tích sẽ theo dõi sát sao động thái phản ứng của 10 nước trong ASEAN với Trung Quốc và Ấn Độ. Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng, nhìn chung, ASEAN sẽ coi sự hiện diện mạnh mẽ của Ấn Độ trong khu vực là biện pháp cân bằng hữu hiệu trước Trung Quốc khi nước này đang được cho là gia tăng tham vọng và cứng rắn trong cách tiếp cận các vấn đề về lãnh thổ. Mặt khác, bối cảnh nhạy cảm này sẽ bồi đắp nên một mảnh đất màu mỡ cho các nước Đông Nam Á tận dụng ảnh hưởng của Trung Quốc trong đàm phán với Ấn Độ.
Song, ở một khía cạnh khác, nhà khoa học chính trị làm việc tại Đại học De La Salle (Philippines), ông Richard Javad Heydarian nhận định, bế tắc trong giải quyết tranh chấp biên giới Doklam/Động Lãm sẽ kéo theo “hiệu ứng tràn” và sẽ khiến các nước đang vướng mắc với Trung Quốc ở các tranh chấp lãnh thổ khác thêm phần nghi ngờ. “Mọi người sẽ tự hỏi, liệu Trung Quốc có thực sự hoà bình, tại sao quá nhiều nước tranh chấp với Bắc Kinh?”, ông Heydarian nói.
ASEAN có lợi?
Các nhà phân tích cho rằng, những diễn biến gần đây tại khu vực châu Á đều mang những ngụ ý chiến lược, phảng phất sự đối đầu giữa Trung - Ấn và những căng thẳng mới giữa hai gã khổng lồ trong khu vực. Theo nhà khoa học chính trị Heydarian, việc Ấn Độ nâng cấp quan hệ chiến lược với các nước Đông Nam Á, tăng cường hiện diện chiến lược trong khu vực có thể là cách mà họ dùng để đối trọng với Trung Quốc.
Học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok Thái Lan, ông Thitinan Pongsudhirak cho rằng: Ở một khía cạnh nào đó, “sự chống chọi của Ấn Độ với Trung Quốc có thể mang đến một số lợi ích cho các nước trong khu vực Đông Nam Á dù họ không nói thẳng”.
Thực tế, với chính sách “Hành động phía Đông” của Thủ tướng Narendra Modi, nhiều năm nay, Ấn Độ đã hình thành hàng loạt quan hệ đối tác chiến lược các nước trong khu vực Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Singapore cũng như các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong cuộc “Đối thoại giữa Ấn Độ-ASEAN lần thứ 9” được tổ chức tại Delhi, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj cho biết, nước này vẫn duy trì cam kết tăng cường hợp tác hàng hải với các nước Đông Nam Á cũng như ủng hộ tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Dù vậy, theo ông Pongsudhirak, là một nước có chiến lược tiếp cận địa chính trị Đông Nam Á khá muộn, Ấn Độ còn thiếu chiều sâu về chiến lược trong cách tiếp cận quân sự và kinh tế. Ấn Độ vẫn khá cẩn trọng khi cam kết mạnh mẽ với các nước trong khu vực này, SCMP dẫn lời nhiều nhà quan sát cho biết.
Ông Rajesh Manohar Basrur, chuyên gia Nam Á tại Đại học Công nghệ Nam Vang (Nanyang) nhận định rằng, so với Trung Quốc, những cam kết của Ấn Độ với khu vực này vẫn còn hạn chế với những “hành động mang tính biểu tượng như tập trận quân sự” để tạo môi trường chiến lược nhằm gây áp lực về tâm lý - chính trị với Bắc Kinh.
Chính quyền New Delhi đặc biệt nhạy cảm với hoạt động xây dựng của Trung Quốc.