Philippines phát hiện sà lan TQ ở bãi cạn Scarborough
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 2.9 nói lực lượng cảnh sát biển Philippines đã phát hiện các sà lan Trung Quốc ở Bãi cạn Scarborough, nghi vấn khả năng Bắc Kinh sắp bồi đắp bãi cạn này.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Phát biểu tại thành phố miền nam Panabo ở tỉnh Davao del Norte, ông Duterte đặt câu hỏi về mục đích Trung Quốc điều sà lan tới bãi cạn Scarborough và nói thông tin này là hết sức "lo ngại".
"Trong chuyến tuần tra gần Bãi cạn Scarborough, cảnh sát biển đã phát hiện rất nhiều sà lan Trung Quốc... Các sà lan được đưa đến đó làm gì?", ông Duterte nói.
Tổng thống Philippines nói thêm: "Cảnh sát biển nghi ngờ rằng Trung Quốc đang có kế hoạch bồi đắp, xây dựng công trình ở đâu đó. Điều này có thể trở thành ngồi nổ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông".
Bãi cạn Scarborough nằm ở phía tây bắc Philippines, bị Trung Quốc kiểm soát từ năm 2012 sau giai đoạn đụng độ căng thẳng.
Trong vòng 3 năm qua, Trung Quốc đã ngang nghiên xây đảo nhân tạo trái phép tại 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa, chủ quyền của Việt Nam. Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể cải tạo đảo thành căn cứ quân sự nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Tuy nhiên, ông Duterte tuyên bố sẽ không nêu vấn đề này trong hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại Lào vào tuần tới. Hội nghị có sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc.
Ông Duterte nói chiến tranh không phải là lựa chọn trong thời điểm này do quân đội Philippines vẫn còn bộc lộ nhiều điểm yếu, và ưu tiên hàng đầu của Manila là đàm phán và tăng cường quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.
Nhưng ông Duterte cũng khẳng định sức chịu đựng của Philippines là có giới hạn, trong khi Trung Quốc vẫn khăng khăng đòi yêu sách với các thực thể trên Biển Đông và quyết không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ngày 12.7. "Bạn không thể bị tát vào mặt mỗi ngày bởi những lời lẽ như vậy", ông Duterte nói.
Tổng thống Philippines tuyên bố sẽ đến lúc ông nói rõ với Trung Quốc, rằng các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".