Nửa thập niên sáp nhập Crimea, nước Nga ra sao?

Sự kiện: Tin tức Nga

Chính quyền Moscow đã đối diện với rất nhiều khó khăn sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea cách đây đúng nửa thập niên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Crimea ngày 18-3 (giờ địa phương) để kỷ niệm năm năm ngày Moscow sáp nhập bán đảo nằm giáp biển Đen trước đó thuộc Ukraine. Trong năm năm vừa qua, ông Putin và nhân dân Nga phải đối mặt với nhiều thay đổi và thách thức để tiếp tục là một trong những đất nước có nền kinh tế trong nhóm đầu của thế giới.

Nhiều sóng gió

Kể từ khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, chính quyền Tổng thống Putin đã phải đối mặt nhiều thử thách để giữ vững sức mạnh nền kinh tế và lòng tin của nhân dân. Ngay trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP của Nga giảm 3,7%. Đây là mức giảm kỷ lục kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009, theo thời báo tài chính Financial Time.

Nga rơi vào suy thoái kinh tế trong giai đoạn 2015-2016. Một trong những nguyên nhân chính của cuộc suy thoái là do giá dầu giảm mạnh, từ 100 USD/thùng còn khoảng 30 USD/thùng. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt quốc tế liên tiếp đánh vào ngành tài chính, năng lượng và xuất nhập khẩu của Nga đã gây ra những tổn thất không hề nhỏ đối với đất nước này.

Trải qua hai năm khủng hoảng, Nga bắt đầu phục hồi nền kinh tế với mức tăng trưởng GDP 1,6% năm 2017 và 2,3% năm 2018, theo Rosstat. Mức lương trung bình tăng 10% trong năm 2018. Tuy nhiên, thu nhập sau thuế của người dân sau khi điều chỉnh theo lạm phát đã giảm 0,2%. Niềm tin của nhân dân dành cho lãnh đạo cũng bị lung lay. Theo một khảo sát mới nhất của Trung tâm Levada, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Putin đã giảm từ 80% năm 2014 xuống còn 64% năm nay. Đây là con số thấp nhất kể từ năm 2013.

Một cơ quan nghiên cứu khác của Nga cũng công bố một khảo sát được tiến hành trên 1.500 người dân. Theo đó, 39% người tham gia tin rằng việc sáp nhập Crimea mang đến nhiều lợi ích hơn là gây ra những thiệt hại cho đất nước mình, giảm từ 67% so với năm 2014.

Nửa thập niên sáp nhập Crimea, nước Nga ra sao? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin bước vào lễ nhậm chức tại điện Kremlin ở Moscow. Ảnh: REUTERS

Nền kinh tế nhiều rủi ro

Các nhà phân tích của hãng tin Bloomberg ước tính rằng các lệnh trừng phạt đã khiến nền kinh tế Nga suy giảm 6% trong năm năm qua. Trong thời gian đó, chính quyền Moscow cũng phải rót khoảng 1-2,7 tỉ USD mỗi năm vào các vấn đề liên quan đến bán đảo Crimea. Nga còn đầu tư khoảng 3,7 tỉ USD để xây dựng một cây cầu nối liền đất nước với bán đảo này, giúp cho giao thông thuận tiện hơn.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service cho rằng sự thay đổi chế độ đột ngột là một trong những rủi ro gây nguy hiểm cho nền kinh tế Nga. Một số chuyên gia dự báo Nga sẽ phải đối mặt với các cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt trong điện Kremlin và sự bất mãn ngày càng sâu sắc của người dân xoay quanh những vấn đề xã hội.

Quốc hội Nga đã phê chuẩn một đạo luật gây tranh cãi vào đầu tháng 3 này. Theo đó, các tòa án có thể bỏ tù người dân vì đăng tải thông tin trực tuyến thể hiện sự thiếu tôn trọng với các quan chức chính phủ hoặc nhà nước, bao gồm Tổng thống Putin.

Các nhà lập pháp Nga cũng thông qua việc tăng tuổi nghỉ hưu và tăng thuế giá trị gia tăng từ 18% lên 20%. Cả hai đạo luật đều ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người dân khiến họ càng cảm thấy bất mãn.

Các lệnh trừng phạt mới nhắm vào Nga có thể tiếp tục sẽ là nguy cơ đe dọa đến nền kinh tế nước này, theo Moody’s. Tuần vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) cùng Mỹ và Canada đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới chống lại Nga. Theo đó, sáu công ty quốc phòng và hai công ty năng lượng, xây dựng của Nga sẽ chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ, Canada. Thêm tám cá nhân Nga sẽ chịu chế tài cấm vận của EU, hãng tin AFP đưa tin.

Trong khi đó, thứ trưởng Ngoại giao Nga thông báo ngày 15-3 rằng kim ngạch thương mại giữa các nước phương Tây và Nga đã giảm 300 tỉ USD vì các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, cũng chính các lệnh trừng phạt đã thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và tăng trưởng thương mại giữa Nga và Trung Quốc, theo hãng thông tấn xã TASS.

Nước Nga cũng đối diện với rủi ro đến từ việc gia tăng dòng vốn chảy ra nước ngoài. Riêng trong hai tháng đầu năm 2019, các dòng vốn giá trị 18,6 tỉ USD đã chảy khỏi Nga. Điều này cho thấy sự tích lũy tài sản quốc tế của các doanh nghiệp và phản ánh nhu cầu đầu tư nội địa thấp, chỉ ra được điểm yếu về cơ cấu cán cân thanh toán của Nga, theo tờ The Moscow Times.

Các lệnh trừng phạt chống lại Nga tạo ra thuận lợi về thị trường Nga mà Trung Quốc và chính Nga đang tận dụng để phát triển. Điều đó giúp chúng tôi tạo ra các tuyến thương mại và hậu cần mới, tạo ra những cơ hội đầu tư mới.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga ALEXANDER PANKIN 

Cam kết và kỳ vọng

Theo tờ Foreign Affairs, chính quyền Moscow nên cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc làm suy yếu sức mạnh của các công ty độc quyền nhà nước, điều mà chính quyền Nga khá e dè. Ngoài ra, để kiềm chế dòng vốn tháo chạy khỏi Nga, chính phủ cần đưa ra các biện pháp chống tham nhũng mạnh mẽ hơn và chấn chỉnh hệ thống pháp luật nước nhà, theo Bloomberg.

Về kinh tế, trong chiến dịch tranh cử cho nhiệm kỳ tổng thống thứ tư của mình, ông Putin cam kết sẽ tăng GDP đầu người tới 50% trước năm 2025. Điều này đồng nghĩa ông phải giúp đất nước đạt được mức tăng trưởng GDP 4% mỗi năm cho đến cuối nhiệm kỳ năm 2024.

Về xã hội, ông Putin cũng cam kết sẽ giảm mạnh tỉ lệ hộ nghèo và thực thi nhiều chính sách an sinh. Bộ trưởng Bộ Tài chính Anton Siluanov thông báo chính phủ sẽ chi khoảng 1,5 tỉ USD mỗi năm cho tất cả cam kết an sinh, xã hội của ông Putin. Nga có hơn 140 triệu dân. Như vậy mỗi người dân Nga sẽ nhận được khoảng 10 USD/năm từ các chính sách xã hội này.

Nga tăng cường hợp tác với châu Phi

Ngân hàng Trung ương Nga dự báo mức tăng trưởng GDP cho giai đoạn 2018-2020 sẽ dao động trong khoảng 1,5%-2,0%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo con số 1,6% cho năm 2019 và 1,7% cho năm 2020. Kim ngạch thương mại giữa Nga và các quốc gia châu Phi tăng 26%, đạt 17,4 tỉ USD trong năm 2017. Diễn đàn doanh nghiệp Nga-châu Phi đầu tiên sẽ được tổ chức vào tháng 10-2019 tại TP Sochi của Nga. Đây là một phần của hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi diễn ra trong năm nay. 

________________________________

(*) Hà Minh Thu là nhà báo đang làm việc tại đài truyền hình địa phương ở nước Cộng hòa Moldova, châu Âu

Xung đột Ấn Độ-Pakistan: So sánh toàn diện sức mạnh quân sự hai nước

Ấn Độ và Pakistan mặc dù có sức mạnh quân sự khác biệt nhưng đều là hai cường quốc hạt nhân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Minh Thu ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN