Mỹ có cơ hội nào chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á?

Khi trong nhà bạn đang đầy rẫy những người nhiễm bệnh, đáng lẽ bạn không nên ra ngoài và tìm cách gây hấn, nhưng Trung Quốc lại không nghĩ vậy.

Tàu sân bay Trung Quốc tập trận (ảnh: SCMP)

Tàu sân bay Trung Quốc tập trận (ảnh: SCMP)

Trong bối cảnh đang chiến đấu với sự bùng phát dịch Covid-19 trong nước, Trung Quốc vẫn đẩy mạnh các hoạt động phi pháp trên Biển Đông và “chọc giận” những quốc gia khác bằng phong cách ngoại giao bị đánh giá là hung hăng của mình.

Thời gian gần đây, Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cuộc tập trận được cho là có cả tàu sân bay tham gia tại vùng biển gần Đài Loan. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc mới đây cũng truy đuổi một tàu cá Nhật Bản trên vùng biển tranh chấp.

Không dừng lại ở những tranh chấp trên biển, quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang “nóng” dần lên trong những ngày vừa qua sau nhiều vụ đụng độ, xâm phạm lãnh thổ tại khu vực biên giới đất liền.

Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, Trung Quốc có vẻ không muốn trì hoãn các hành động nhằm gia tăng ảnh hưởng của mình.

Trung Quốc đang có cách ứng xử ngày càng “thô bạo” với các nước bị cho là đi ngược lại với lợi ích của họ. Điển hình là động thái áp thuế chống bán phá giá hơn 80% đối với sản phẩm lúa mạch Úc nhập khẩu.

Trung Quốc có lẽ tự cho rằng, họ đang ở một vị thế mạnh mẽ hơn hẳn các nước khác tại khu vực châu Á, cả về kinh tế lẫn quân sự. Điều đó cho phép họ thách thức sự phẫn nộ của các quốc gia láng giềng trong những vụ việc tranh chấp lãnh thổ. Vậy câu hỏi đặt ra là, ai sẽ đứng lên chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh?

Tàu cá Việt Nam vươn khơi bám biển (ảnh: Asiatimes)

Tàu cá Việt Nam vươn khơi bám biển (ảnh: Asiatimes)

Theo nhận định của Grant Newsham – cựu quan chức hải quân, ngoại giao Mỹ và đang là chuyên gia cao cấp tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản - Nhật Bản là một quốc gia có kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nhật Bản muốn đáp trả lại những sức ép đến từ Trung Quốc trong hoàn cảnh này. Nhật Bản vẫn đang tập trung phát triển về kinh tế xã hội hơn là đẩy mạnh hoạt động của lực lượng phòng vệ.

Một số nước Đông Nam Á cũng đang có tranh chấp khá gay gắt với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Biển Đông. Nhưng có thế thấy Đông Nam Á muốn giải quyết những bất đồng với Trung Quốc trên cở ngoại giao, pháp luật quốc tế và tôn trọng lẫn nhau.

Đài Loan trong những năm gần đây luôn có xu hướng muốn tìm kiếm độc lập. Việc chính quyền của bà Thái Anh Văn tăng cường hợp tác với Mỹ và một số nước phương Tây cũng như mua sắm thêm vũ khí luôn khiến Bắc Kinh “đau đầu”. Tuy nhiên, điều Đài Loan muốn là độc lập và vì vậy, hòn đảo sẽ ở trong thế tự vệ hơn là đối đầu với Bắc Kinh trên nhiều mặt trận.

Ấn Độ đã nhận ra mối đe dọa đến từ Trung Quốc trong vài thập kỷ gần đây. Nhưng sức ảnh hưởng của Ấn Độ mới chỉ giới hạn chủ yếu ở khu vực Ấn Độ Dương.

“Có lẽ ngoài Mỹ, không có quốc gia nào sẵn sàng trở thành đối thủ và thách thức các lợi ích của Trung Quốc trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, theo ông Grant Newsham.

Chính quyền của Tổng thống Trump đã gây nhiều sức ép nhằm hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Thương chiến Mỹ - Trung đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Trung Quốc. Mỹ cũng nhiều lần chỉ trích và có các hành động thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Chỉ có Mỹ mới sẵn sàng thách thức Trung Quốc trong thời điểm này, theo chuyên gia (ảnh: Asiatimes)

Chỉ có Mỹ mới sẵn sàng thách thức Trung Quốc trong thời điểm này, theo chuyên gia (ảnh: Asiatimes)

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, nếu ông Trump thua cuộc, đối thủ của ông – Joe Biden – sẽ không có nhiều hành động thực tế nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Một số nghị sĩ đảng Dân chủ (đảng của ông Biden) đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Trump “thổi phồng” mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Thêm vào đó, đảng Dân chủ đang muốn cắt giảm chi tiêu quốc phòng và kho vũ khí hạt nhân Mỹ.

Nếu không có áp lực từ phía Mỹ, khó có thể hy vọng các quốc gia tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ có động thái đương đầu với Trung Quốc, trừ trường hợp họ bị “động chạm” tới vấn đề an ninh cốt lõi.

Sự bành trướng ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc đang khiến các quốc gia cùng khu vực e ngại. Họ muốn tìm một đối tác khác tôn trọng hơn và đặc biệt là không gây phương hại đến chủ quyền.

Đây có thể là cơ hội để Mỹ mở rộng quan hệ tốt đẹp không chỉ về an ninh mà còn cả kinh tế đối với khu vực châu Á đầy tiềm năng phát triển.

“Mỹ cần đối xử với các nước châu Á như những người bạn, hợp tác cùng có lợi và đừng thúc ép họ phải đưa ra các lợi ích về vật chất để đổi lấy quan hệ ngoại giao. Đây đang là thời điểm tốt nhất để Mỹ cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực này”, ông Grant Newsham nhận xét.

Nguồn: [Link nguồn]

Báo Nga: Cả thế giới phải biết về quyền hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông

Chủ đề chính trong các chương trình nghị sự quốc tế hiện nay vẫn là cuộc chiến chống Covid-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – Asiatimes ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN