Khủng hoảng chưa từng có ập đến ‘gã khổng lồ’ Boeing
Hai tai nạn liên tiếp cùng với quá trình điều tra chưa ra kết quả chính xác và thuyết phục khiến “gã khổng lồ” Boeing đang lâm vào cuộc khủng hoảng chưa từng thấy.
Tháng 10-2018, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) gặp nạn ở biển Java khi vừa cất cánh không bao lâu và phi công đang tìm cách quay đầu khiến tất cả 189 người trên khoang tàu thiệt mạng. Hơn bốn tháng sau, cũng dòng máy bay Boeing 737 MAX 8 tiếp tục gặp tai nạn theo một kịch bản tương tự và không ai trong tổng số 157 người trên khoang tàu sống sót.
Thiệt hại kinh tế “khủng” với Boeing
Hãng sản xuất máy bay Boeing ngay lập tức gặp khủng hoảng về kinh tế khi chứng khoán tuột dốc. Kết thúc phiên giao dịch hôm 12-3 (giờ Mỹ), cổ phiếu Boeing giảm gần 6,2%, về 375,2 USD/cổ phiếu. Vốn hóa của hãng máy bay khổng lồ hiện chỉ còn 212 tỉ USD, giảm 26,6 tỉ USD so với cuối tuần trước.
Đây là phiên giảm mạnh thứ hai liên tiếp của cổ phiếu Boeing, sau cú sụt giảm gần 5% vào đầu tuần. Tổng cộng, Boeing đã có chuỗi giảm hai ngày mạnh nhất kể từ tháng 6-2009 do có thêm nhiều quốc gia đình chỉ hoạt động của dòng máy bay bán chạy nhất của hãng này - Boeing 737 MAX sau vụ tai nạn của hãng hàng không Ethiopian hôm 10-3.
Bên cạnh giá cổ phiếu không mấy khả quan, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones của Boeing cũng giảm. Dẫn lời báo Wall Street Journal, các cổ đông rất lo ngại và đang bắt đầu bán hàng loạt cổ phiếu của Boeing mà họ đang nắm giữ.
“Các cổ đông đang bắt đầu quá trình bán tống bán tháo và nhiều khả năng sẽ không dừng lại trừ khi một giải pháp triệt để được đưa ra” - báo Wall Street Journal cho biết. Báo kinh tế Market Watch nhận định đây là đợt sụt giảm rất tồi tệ cho Boeing khi hãng này đang có những nỗ lực mở rộng thị trường bao phủ của mình. Ngoài ra, báo này cũng đưa ra số liệu khảo sát cho thấy mức độ tín nhiệm của hãng đã giảm 12% so với cùng kỳ năm 2013 và rất có thể đợt sụt giảm này sẽ là điểm “không thể quay đầu lại”.
Buồng lái máy bay Boeing 737 MAX 8. Ảnh: REUTERS
Vấn đề là khủng hoảng niềm tin
Lo ngại trước hàng loạt sự cố máy bay rơi thảm khốc khiến hơn 300 người thiệt mạng trong vòng bốn tháng, nhiều quốc gia và hãng hàng không đã quay lưng với dòng máy bay của Boeing. Một số thượng nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi Cơ quan Hàng không liên bang (FAA) đình chỉ hoạt động của dòng máy bay Boeing 737 MAX nhưng cơ quan này hiện vẫn cho rằng mức độ an toàn của 737 MAX ở mức chấp nhận được.
Theo tuyên bố của FAA, máy bay 737 MAX 8 có thể bay được nhưng nhiều cơ quan quản lý đã quyết định ngưng loại máy bay này. Thậm chí một số nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu Boeing phải điều trần trước Quốc hội nước này về vấn đề an toàn bay. Theo Reuters, thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz, lãnh đạo một tiểu ban về hàng không và vũ trụ, cho biết ông có ý định “tổ chức phiên điều trần để điều tra các vụ tai nạn, xác minh những nhân tố gây ra thảm kịch và đảm bảo ngành công nghiệp máy bay của Mỹ vẫn là an toàn nhất thế giới”.
Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Singapore, Úc, Indonesia và hàng chục quốc gia khác đã cấm tất cả chuyến bay liên quan đến dòng Boeing 737 MAX. Tính đến thời điểm hiện tại, có ít nhất 40 quốc gia đã cấm Boeing 737 MAX, điều chưa bao giờ có trong tiền lệ của Boeing, đẩy lãnh đạo hãng sản xuất máy bay vào cuộc khủng hoảng chưa từng có. Như vậy, gần 40% trong số 371 máy bay Boeing 737 MAX đang hoạt động trên toàn thế giới đã phải “nằm đất”, bao gồm 97 chiếc ở thị trường lớn nhất, Trung Quốc, theo tạp chí hàng không Flightglobal.
Thậm chí có ý kiến quan ngại khách hàng có thể hủy bỏ các hợp đồng mua dòng máy bay này. Norwegian Air Shuttle, hãng hàng không của Na Uy, sau khi ngừng bay 18 chiếc Boeing 737 MAX 8, phải cố gắng xếp chỗ cho hành khách sau khi hủy 19 chuyến hôm 13-3, đang yêu cầu Boeing bồi thường. Chỉ còn số ít hãng hàng không tiếp tục khai thác Boeing 737 MAX là United Airlines, Southwest, Fiji Airways, Icelandair, Flydubai, Spicejet và WestJet, trong khi số quốc gia “đắp chiếu” dòng máy bay này dự kiến còn tăng.
Vấn đề khủng hoảng thật sự của Boeing cho đến lúc này chính là khủng hoảng niềm tin. Các chỉ số chứng khoán và phong trào “cấm Boeing 737 MAX” là những biểu hiện cho thấy các khách hàng lẫn giới lãnh đạo các nước đang mất niềm tin vào Boeing. Mặc dù người đứng đầu Boeing khẳng định dòng máy bay 737 MAX an toàn nhưng hai tai nạn thảm khốc xảy ra trong vòng nửa năm đến nay vẫn còn tranh cãi về nguyên nhân.
Điều đáng nói là cả hai vụ tai nạn cùng xảy ra với một kịch bản tương tự. Một số chuyên gia cho rằng cảm biến bị lỗi có thể khiến hệ thống MCAS tự động ra lệnh chúc mũi máy bay, bất chấp nỗ lực điều khiển của phi công. Trong khi đó, việc huấn luyện phi công sử dụng các hệ thống điều khiển đồ sộ của Boeing 737 MAX 8 cũng bị đặt nghi vấn.
Câu hỏi đặt ra là vấn đề thật sự nằm ở kỹ thuật hay ở phi công và tại sao Boeing không khắc phục vấn đề sau tai nạn đầu tiên vào năm ngoái. Khi những câu hỏi này chưa được Boeing và các cơ quan điều tra xác định rõ ràng thì tâm lý lo ngại một tai nạn tương tự xảy ra sẽ khiến các đối tác phải cấm Boeing 737 MAX như một giải pháp tức thời an toàn. Nhưng nếu Boeing tiếp tục lờ đi việc trả lời câu hỏi của vụ tai nạn ở Ethiopia mới đây như vụ tai nạn ở biển Java năm ngoái thì viễn cảnh “đắp chiếu” dòng máy bay được đông đảo khách hàng ưa chuộng như Boeing 737 MAX là không xa vời.
Ít nhất hai phi công trên các tuyến bay ở Mỹ đã nộp báo cáo lên chính phủ liên bang bày tỏ lo ngại về an toàn bay của Boeing 737 MAX 8. Đồng thời, họ cũng chỉ trích tình trạng tắc trách trong việc tập huấn cho phi công điều khiển dòng máy bay mới này. (Theo báo THE NEW YORK TIMES) |
Tờ Metro vừa đăng tải hai video ám ảnh được quay bởi một người mẫu Nga trước khi cô cùng chồng lên máy bay xấu số...