Hơn 7 thập kỉ người Palestine vật lộn sinh tồn trong lửa đạn ở Gaza
Phần lớn người Palestine sinh tồn ở Dải Gaza không có gốc gác từ Dải Gaza mà là hậu duệ của những người tị nạn bị trục xuất hoặc chạy trốn tới đó trong cuộc xung đột năm 1948. Sau 3/4 thế kỷ, họ lại bị buộc phải rời bỏ nhà cửa thêm lần nữa, cũng bởi một cuộc chiến đẫm máu.
Ranh giới Dải Gaza từ đâu mà có?
Nằm bên biển Địa Trung Hải, Gaza là cảng biển tấp nập từ thời xa xưa ở vùng Palestine. Đầu thế kỷ 20, giống như hầu hết khu vực khác ở Nam Palestine, sinh sống ở đây chủ yếu là người Arab theo đạo Hồi cùng nhóm nhỏ người Do Thái và Thiên chúa giáo dưới sự cai trị của Ottoman.
Sau Thế chiến thứ nhất (1914-1918), Anh giành kiểm soát vùng Palestine. Dải Gaza quãng thời gian này ghi nhận làn sóng đấu tranh dân tộc khá sôi nổi của người Arab-Palestine, theo Fortune.
Người Palestine ở vùng Palestine rời bỏ nhà cửa do xung đột với người Do Thái năm 1948. Ảnh: GettyImages
Trong bối cảnh phong trào phục quốc của người Do Thái ở châu Âu tăng cao, năm 1917, Ngoại trưởng Anh Arthur Balfour viết thư gửi lãnh đạo cộng đồng Do Thái Lionel Walter Rothschild, có nội dung chính cam kết “thành lập ở Palestine một quốc gia cho người Do Thái”.
Bức thư được gọi là Tuyên bố Balfour, mở đường để người Do Thái đẩy mạnh nhập cư về vùng đất Palestine trong những năm 1930, nhưng đã khiến người Arab-Palestine nổi giận. Từ sau đó, các cuộc giao tranh bắt đầu nổ ra giữa hai bên, khiến tình hình ngày một leo thang căng thẳng.
Năm 1947, Liên hợp quốc (LHQ) thông qua nghị quyết xóa bỏ quyền ủy trị của Anh ở Palestine và chia vùng đất thành hai quốc gia độc lập của người Arab (Nhà nước Palestine) và của người Do Thái, coi đó là cách chấm dứt xung đột. Riêng Jerusalem, do nhận thấy sự phức tạp vì nơi đây là điểm hội tụ của ba tôn giáo lớn, LHQ đặt thành phố dưới sự kiểm soát quốc tế đặc biệt.
Israel rất ủng hộ kế hoạch của LHQ. Tuy nhiên, các nước Arab cho rằng, nghị quyết của LHQ không công bằng khi chia phần nhiều đất đai cho người Do Thái, dù họ có dân số ít hơn. Các nước Arab cũng không thành lập ra một thực thể thống nhất nào của người Palestine.
Trên thực địa, sau nghị quyết của LHQ, các nhóm dân quân Do Thái tiến hành tấn công các ngôi làng của người Palestine. Tình hình leo thang thành một cuộc chiến một ngày sau khi Anh rút quân. Ngày 15/5/1948, liên minh các lực lượng từ Ai Cập, Jordan, Syria, Lebanon và Iraq tấn công nhà nước mới thành lập của người Do Thái.
Tổng thống Palestine đương nhiệm Mahmoud Abbas cầm trên tay tấm bản đồ thể hiện vùng đất của người Palestine bị thu hẹp dần qua 7 thập kỉ. Ảnh: GettyImages
Được trang bị kém hơn, Israel thiệt hại nặng nhưng họ trụ vững. Theo Fortune, kế hoạch 1947 của LHQ phân chia 56% vùng “lãnh thổ ủy trị Palestine” cho Israel và 44% cho người Palestine. Sau lệnh ngừng bắn của LHQ năm 1949, Israel giành được 78% đất đai. Phần còn lại là Bờ Tây, do Jordan quản lý và Dải Gaza, với ranh giới giống ngày nay, do Ai Cập nắm giữ, rộng hơn 360km2.
Hệ quả bất đắc dĩ của cuộc xung đột đó là mâu thuẫn hằn sâu, và hơn một nửa dân số Palestine bị cưỡng ép rời bỏ nhà cửa mà họ đã sinh sống từ nhiều năm, trong một sự kiện được người Palestine gọi là “Thảm họa Nabka”.
Mặc dù Ai Cập kiểm soát Dải Gaza sau xung đột 1948-1949, những người tị nạn Palestine ở đây không được đến Ai Cập. Với “nhà nước Palestine”, từ một thực thể có biên giới rõ ràng theo kế hoạch của LHQ, họ trở thành một quốc gia chỉ tồn tại trên danh nghĩa, với ranh giới mơ hồ.
Sau gần 20 năm âm ỉ mâu thuẫn, Israel và các nước Arab năm 1967 lao vào một cuộc chiến mới, một cuộc chiến mà người Palestine gần như không được đưa ra lựa chọn. Chỉ trong 6 ngày, Israel đẩy lùi các nước Arab và chiến thắng. Tel Aviv chiếm đóng thêm gần như toàn bộ Dải Gaza, Bán đảo Sinai, Jerusalem, Bờ Tây và Cao nguyên Golan.
Ngoại trừ Bán đảo Sinai được trao trả năm 1982, Israel áp đặt quyền kiểm soát lên các khu vực còn lại và xây dựng nhiều khu định cư cho người Do Thái trên các vùng đất mà người Palestine tuyên bố là lãnh thổ của mình, xem chúng là một phần của nhà nước tương lai. Điều này đã gây phẫn nộ sâu sắc với người Palestine, châm ngòi làn sóng phản kháng ngày càng lớn.
Người Palestine ở Gaza đấu tranh và sinh tồn
Mắc kẹt ở Dải Gaza và Bờ Tây do Israel kiểm soát không khiến khao khát thành lập một nhà nước Palestine độc lập giảm đi. Họ hai lần tổ chức hai cuộc nổi dậy lớn năm 1987-1993 và 2000-2005 với hy vọng chấm dứt sự chiếm đóng không được quốc tế công nhận của Israel.
Dải Gaza là một trong những khu vực có mật độ dân số đông đúc nhất thế giới. Ảnh: GettyImage
Lần phản kháng lớn đầu tiên bùng lên năm 1987, khi sự cố 4 người Palestine tại trại tị nạn Jabaliya ở Dải Gaza bị một xe tải của Israel đâm thiệt mạng đã dẫn đến đụng độ dữ dội giữa quân đội Israel và người biểu tình Palestine tại 8 trại tị nạn khắp Dải Gaza.
Những ngày sau đó, thanh thiếu niên Palestine xuống đường biểu tình, đốt lốp xe, ném đá và bom xăng vào cảnh sát Israel. Khi giao tranh leo thang, người Palestine đặt tên cho phong trào của họ là Intifada. Đây cũng là khoảng thời gian mà phong trào Hamas ra đời, với vai trò chính thuộc về nhánh quân sự Lữ đoàn al-Qassam.
Israel đáp trả cuộc nổi dậy này bằng chính sách “Bàn tay sắt”. Tel Aviv ban bố các lệnh giới nghiêm và bắt giữ hàng loạt. Hình ảnh lính Israel dùng gậy đánh thiếu niên Palestine khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ và Israel sau đó chuyển sang dùng đạn nhựa đàn áp người nổi dậy.
Nhờ nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế, năm 1993, Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) - đại diện hợp pháp của người Palestine ở LHQ do nhà lãnh đạo Yasser Arafat đứng đầu, đã đạt thoả thuận lịch sử, vạch ra kế hoạch 5 năm để người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza tự quyết vận mệnh.
Vị trí Dải Gaza. Đồ họa: Washington Post.
Theo thỏa thuận, Israel có nghĩa vụ rút quân khỏi Dải Gaza và Jericho ở Bờ Tây năm 1994, còn PLO được phép kiểm soát các khu vực không bị Israel chiếm đóng. Không khí tốt đẹp từ bàn đàm phán đã giúp chấm dứt Intifada lần thứ nhất, với hậu quả là gần 1.300 người Palestine thiệt mạng, trong đó gần 1/4 nạn nhân dưới 16 tuổi. Khoảng 150 người Israel thiệt mạng vì xung đột.
Từ 1993, hai bên tiếp tục một số cuộc đối thoại, nhưng sự cố Thủ tướng Yitzhak Rabin bị ám sát năm 1995; việc Israel cố tình xây dựng thêm các khu định cư Do Thái mới; hay việc lực lượng Hamas thực hiện nhiều vụ tấn công dẫn đến nhiều khúc mắc, toan tính trên bàn đàm phán.
Tháng 7/2000, các cuộc đàm phán chính thức đổ vỡ do hai bên không chấp nhận các đề xuất của nhau, đẩy căng thẳng lên cao. Tháng 9/2000, việc lãnh đạo phe cánh hữu Israel Ariel Sharon tới thăm nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa tại Đông Jerusalem một lần nữa làm bùng lên các cuộc biểu tình của người Palestine. Người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza, dẫn đến làn sóng Intifada thứ hai.
Sau 5 năm, hơn 1.000 người Israel và khoảng 3.500 người Palestine đã thiệt mạng vì xung đột. Tháng 1/2005, Thủ tướng Israel Ariel Sharon quyết định rút lực lượng khỏi Dải Gaza, chấm dứt sự chiếm đóng tại đó từ năm 1967, nhóm lên hy vọng về một giải pháp “đổi đất lấy hòa bình”.
Tuy nhiên, Hamas coi sự rời đi đó của Israel là chiến thắng của họ. Đến 2007, bước ngoặt xảy ra khi Hamas giành kiểm soát toàn bộ Dải Gaza, chấm dứt giai đoạn PLO lãnh đạo khu vực. Hamas công khai đối đầu với PLO về chính trị. PLO từ đó chủ yếu hiện diện ở Bờ Tây. PLO chủ trương đối thoại với cả Israel và Hamas để tìm kiếm giải pháp, nhưng không đạt kết quả đột phá.
Trong khi đó, Hamas kiên quyết với đường lối đấu tranh thông qua vũ lực, dù sức mạnh quân sự của họ nhỏ bé so với Israel. Sự xói mòn niềm tin vào các nỗ lực ngoại giao sau nửa thế kỷ cũng khiến nhiều người Palestine lựa chọn ủng hộ Hamas hơn.
Lực lượng Israel đụng độ người Palestine trong đợt Intifada lần đầu tiên. Ảnh: MiddleEastMonitor
Với dân thường Palestine ở Dải Gaza, tình hình diễn biến ngày càng xấu. Từ 2007, Israel phối hợp cùng Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush, châu Âu và Ai cập đóng cửa toàn diện các cửa khẩu ra vào Dải Gaza. Tel Aviv cũng phong tỏa không phận và vùng biển quanh Dải Gaza với lí do ngăn chặn mối đe dọa từ Hamas.
Các biện pháp phong tỏa đẩy người dân ở Dải Gaza vào cảnh phải vật lộn để sinh tồn. Gần 2 thập kỉ qua, Gaza thường xuyên thiếu nước, điện, nhiên liệu, chất đốt và vật liệu xây dựng. LHQ chỉ trích việc phong tỏa của Israel hủy hoại sinh kế và cản trở phát triển của Dải Gaza. Khu vực này thậm chí được mô tả là “nhà tù ngoài trời”.
Số liệu mà Fortune ghi nhận cho thấy, Dải Gaza ngày nay có khoảng 2,3 triệu cư dân Palestine sinh sống, chiếm gần 1/7 tổng cộng đồng người Palestine trên toàn cầu. Trong số họ, khoảng 1/3 có nguồn gốc ở Dải Gaza từ xa xưa, phần còn lại là hậu duệ của những người tị nạn bị trục xuất hoặc chạy trốn tới đó sau cuộc xung đột năm 1948.
Cấu trúc dân số tại Dải Gaza khá trẻ, với một nửa dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, 53% hộ gia đình ở đây là người nghèo. Gaza có tỷ lệ trẻ em tới trường cao, nhưng 70% trong số các sinh viên tốt nghiệp từ độ tuổi 19-29 thất nghiệp.
Dải Gaza không im tiếng súng kể từ sau khi Hamas nắm quyền. Hamas và Israel đã giao tranh qua lại nhiều lần, bao gồm các cuộc xung đột nghiêm trọng vào các năm 2008, 2012, 2014 và 2021, khiến hàng ngàn người thiệt mạng, chủ yếu là người Palestine.
LHQ cũng ước tính hàng ngàn công trình nhà cửa, hạ tầng nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng ở Dải Gaza, giá trị khoảng 5 tỷ USD, bị phá hủy trong chiến sự. Do bị phong tỏa, người Palestine ở Dải Gaza không thể tái xây dựng chúng.
Bi kịch lặp lại, nhưng khốc liệt hơn
Các lần xung đột ở Dải Gaza lâu nay thường kết thúc bằng lệnh ngừng bắn mong manh do các nước láng giềng môi giới mà không có giải pháp thực sự nào được nêu ra. Israel sau đó vẫn tiến hành mọi hành động họ cho là cần thiết để ngăn Hamas chế tạo, phóng rocket.
Ở chiều ngược lại, Hamas lập luận họ không có lý do để khuất phục, bởi cả khi các nhóm quân sự Palestine tôn trọng ngừng bắn, Israel vẫn tấn công người Palestine và từ chối dỡ bỏ phong tỏa.
Một khu phố ở Dải Gaza tan hoang sau đợt tấn công của Israel. Ảnh: NYTimes
Xung đột nghiêm trọng một lần nữa bùng phát sau khi Hamas ngày 7/10 phóng loạt rocket rồi mở đợt tấn công phối hợp bằng đường bộ, đường không và đường biển vào Israel, khiến hơn 1.300 người thiệt mạng trên vùng lãnh thổ do Israel kiểm soát, đánh dấu thiệt hại nặng nề nhất về người mà Israel hứng chịu kể từ sau cuộc chiến 1967.
Israel sau đó loại trừ đàm phán, đáp trả bằng chiến dịch không kích ồ ạt và cắt đứt mọi nguồn cung nhu yếu phẩm vào Dải Gaza. Israel cũng tuyên bố sớm mở chiến dịch trên bộ nhắm vào Dải Gaza, buộc hàng trăm ngàn người sinh sống tại đây di chuyển về phía gần biên giới Ai Cập.
Ba tuần qua, họ bỏ lại nhà cửa để sơ tán trong tình trạng không đủ thực phẩm, không nước sạch và thuốc men cạn kiệt. Sau 3/4 thế kỷ, hàng ngàn người Palestine lại bị buộc phải tha hương một lần nữa, diễn biến được Tổng thống Mahmoud Abbas của chính quyền Palestine cảnh báo có thể trở thành một “Nabka thứ hai”.
Trong tuyên bố ngày 20/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nêu 3 giai đoạn trong chiến dịch ở Dải Gaza, đầu tiên là không kích phá hủy các mục tiêu trọng yếu; thứ hai là mở chiến dịch trên bộ để loại bỏ hoàn toàn các tay súng Hamas, phá cơ sở hạ tầng của Hamas; và giai đoạn 3 là xây dựng cơ chế an ninh mới tại khu vực. “Mục đích là thoát ly hoàn toàn trách nhiệm của Israel với cuộc sống thường ngày ở Dải Gaza, thiết lập trạng thái bình thường mới với công dân Israel và những người sinh sống quanh vùng đất đó”, quan chức Israel nêu.
Những chiếc xe tăng Israel được triển khai gần Dải Gaza. Ảnh: Times of Israel
Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá nhiệm vụ của Israel không diễn ra suôn sẻ. Với địa hình bằng phẳng nhưng nhiều đô thị chật chội ở Gaza, hoạt động chiến đấu sẽ kéo dài, phức tạp với thiệt hại nặng nề. Những cuộc giao tranh tầm gần ở từng ngôi nhà, góc phố cũng làm giảm đáng kể ưu thế của bên có công nghệ tiên tiến hơn như Israel, giống những gì Nga từng trải qua trong chiến sự Ukraine. Bên cạnh đó, hệ thống đường hầm chằng chịt mà Hamas mất nhiều năm xây dựng ở Dải Gaza sẽ là thách thức không nhỏ một khi quân đội Israel mở chiến dịch tiến công.
Giới chuyên gia cũng đánh giá, nếu Israel muốn hành động nhanh, họ buộc phải sử dụng vũ lực triệt để hơn, từ đó làm tăng thương vong dân sự và gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng.
Theo Washington Post, số bom mà Israel sử dụng chỉ trong tuần đầu tiên chiến sự lên đến 6.000 quả, nhiều hơn số bom mà Mỹ khai hỏa một tháng khi họ tiến hành chiến dịch chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở cả Iraq lẫn Syria; và thấp hơn một chút lượng bom Mỹ sử dụng một năm ở Afghanistan.
Việc khai hỏa bom và tên lửa với tần suất quá lớn tại khu vực mật độ dân số đông đúc nhất hành tinh rõ ràng có thể kéo theo tính toán sai lầm, dẫn đến thương vong không mong muốn cho dân thường. Tính đến 25/10, khoảng 6.800 người đã thiệt mạng và hàng chục ngàn người khác bị thương trong cuộc chiến mới nhất của Hamas-Israel.
Trong khi các bên chưa tìm được cách thức thiết lập lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, cha mẹ của những đứa trẻ Palestine buộc phải dùng bút mực ghi tên và thông tin cá nhân khác lên tay để gia đình, người thân nhận ra chúng trong trường hợp không may gặp nạn.
Số liệu của cơ quan y tế Gaza ghi nhận 2,055 đứa trẻ đã thiệt mạng ở Dải Gaza từ ngày 7/10, chiếm hơn 1/3 trong tổng số người chết vì các cuộc tấn công của Israel. Theo CNN, có khoảng 50.000 phụ nữ mang thai đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Dải Gaza, bao gồm 5.000 người dự kiến sinh vào tháng tới.
Nguồn: [Link nguồn]
Các đường hầm chằng chịt dưới lòng đất được ví như mặt trận thứ hai của phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza và đang đặt ra thách thức lớn với lực lượng Israel.