Gặp chàng trai bắt rác “đẻ” ra vàng
Một thanh niên 25 tuổi người Ai Cập đã tận dụng một thị trường tiềm năng ít người ngó ngàng tới ở Ai Cập- các bãi rác thải điện tử để bắt chúng sinh lời.
Mostafa Hamden, 25 tuổi, chàng trai bắt rác "đẻ" ra vàng.
Mostafa Hemdan đã có cuộc sống ổn hơn trước rất nhiều khi khai thác kim loại quý từ những bãi rác ở Ai Cập. Chàng trai Mostafa năm nay 25 tuổi là chủ nhân công ty Recyclobekia, công ty đầu tiên ở khu vực Trung Đông tái chế rác thải điện tử. Mostafa thành lập công ty từ cách đây 5 năm trong một xưởng gara ở Tanta, cách thủ đô Cairo 90km.
Cảm hứng bắt đầu kinh doanh của Mostafa bắt đầu khi anh xem một bộ phim tài liệu: “Tôi thấy phim tài liệu đề cập về nguồn tiềm năng lớn xuất phát từ các bãi rác điện tử. Trong đó có vàng, bạc, đồng, bạch kim. Ở châu Âu và châu Mỹ, ngành công nghiệp này phát triển nhưng tại Trung Đông, tất cả vẫn chưa có gì”.
Đúng lúc đó, một cuộc thi hỗ trợ khởi nghiệp với phần thưởng 10.000 USD đã thôi thúc Mostafa nảy ra ý tưởng kinh doanh của mình. Sau cuộc thi với Recyclobekia, Mostafa giành được giải nhất kèm phần thưởng lớn hỗ trợ anh cho chặng đường về sau.
Hiện nay, chàng trai 25 tuổi có 20 nhân công làm việc ở 4 nhà kho, mỗi năm anh bán lượng rác điện tử ước đạt 2,4 triệu USD. Dĩ nhiên để có được thành công như ngày hôm nay, Mostafa đã trải qua rất nhiều thách thức, từ việc không hoàn thành đơn hàng, mệt mỏi triền miên, bất ổn chính trị trong nước khi Mùa xuân Ả Rập bùng nổ.
Đơn hàng đầu tiên
Kho chứa của công ty Recyclobekia.
Bắt đầu kinh doanh từ năm 2011 trong bối cảnh phong trào Mùa xuân Ả Rập lan rộng, Mostafa đăng tải thông tin quảng cáo trên trang web Alibaba. Recyclobekia nhận được yêu cầu từ khách hàng Hongkong với số lượng 10 tấn đĩa cứng. Thời điểm đó, Mostafa vẫn mạo hiểm chấp nhận hợp đồng dù không biết lấy đâu ra 10 tấn đĩa cứng.
Để giải quyết đơn hàng, Mostafa cần ít nhất 15.000USD nhưng thời điểm đó, cuộc thi khởi nghiệp vẫn chưa trao giải cho anh. Một ý tưởng đột phá nảy ra trong đầu chàng trai. Anh thuyết phục một giáo sư đại học cho vay tiền và chấp thuận chia 40% lợi nhuận cho ông. Sau 4 tháng vất vả cuối cùng chuyến hàng đầu tiên đã tới với khách.
Sau khi thắng giải trong cuộc thi khởi nghiệp, Mostafa có thêm 120.000 USD từ hai nhà đầu tư Khaled Ismaild và Hussen el Sheikh. Hiện nay hai nhà đầu tư này đều là thành viên hội đồng quản trị.
Tuy nhiên, sai lầm của Mostafa nảy sinh khi anh mở rộng hoạt động kinh doanh quá nhanh mà không lường trước lượng rác thải có thể thu mua. Mostafa chia sẻ: “Khi nguồn vốn lớn mà không biết điều hành công ty, bạn có thể gặp sai lầm”.
Sau khi liên kết với nhiều đối tác để thu mua rác điện tử, Recyclobekia luôn trong tình trạng khan hàng. Trong nửa năm đầu, công ty chỉ mua được 6 tấn, thấp hơn quá nhiều so với mục tiêu ban đầu. Nhằm cải thiện tình hình, Mostafa bay sang Hongkong nhằm tìm hiểu ngành công nghiệp tái chế tại đây. Chuyến đi này đã giúp Mostafa nhận ra mình phải thay đổi mô hình kinh doanh.
Chàng trai 25 tuổi nhận ra lợi nhuận sẽ cao hơn nếu loại bỏ doanh nghiệp trung gian và tự tháo rời thiết bị điện tử. Mức giá dành cho rác được phân loại cao hơn rất nhiều với rác nguyên khối. Anh dừng hợp đồng với đối tác tại Hongkong và hợp tác với một ty tách chiết kim loại ở Đức, vừa gần hơn về khoảng cách, vừa thu lời lớn hơn.
Bất ổn xã hội
Tuy nhiên một lần nữa Mostafa lại bị thử thách. Trong lần bay tới châu Âu đầu tiên, anh bị gọi đi nghĩa vụ quân sự. Khi còn là sinh viên, anh có thể hoãn nghĩa vụ quân sự nhưng muốn ra nước ngoài, Bộ Quốc phòng phải cấp giấy phép. Anh chỉ sang được nước ngoài trong học kì đầu và thường xuyên phải hoãn các chuyến đi quan trọng.
Tháng 6.2013, Recyclobekia chuẩn bị kết thúc đàm phán hợp đồng với công ty bên Đức thì Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ và hợp đồng bị hủy ngay sau đó. Cuối năm đó, Mostafa mất hầu hết khoản đầu tư đã nhận.
Chính trị bất ổn, giá vàng thay đổi liên tục khiến công ty bên bờ phá sản. Tuy nhiên, Mostafa đã tìm tới những công ty như Dynamic Recycling bên Mỹ để nhờ trợ giúp. Vận may mỉm cười và anh có được những điều khoản hấp dẫn hơn từ phía đối tác bên kia bờ Đại Tây Dương.
Hiện tại Mostafa đang muốn mở rộng hoạt động kinh doanh trên khắp Trung Đông.
Con O'Donnell, nhà đầu tư mạo hiểm đồng sáng lập hội nghị RiseUp dành cho doanh nhân nhận xét: “Mostafa mắc sai lầm mà nhiều doanh nhân trẻ vấp phải. Tuy nhiên, cậu ấy đã rút ra bài học từ sai lầm”.