Đức phải tuyển 8.500 giáo viên dạy tiếng cho 196.000 trẻ tị nạn
Đức đã mở hàng nghìn "lớp học đặc biệt" để dạy trẻ em tị nạn chạy trốn khỏi các vùng chiến tranh và nghèo đói nói tiếng bản địa và sớm bắt kịp với các bạn đồng trang lứa ở quê hương thứ 2.
Cụ thể, 8.264 lớp học cho 196.000 trẻ em tị nạn theo bố mẹ di cư tới Đức đã được mở ra và theo đó, chính phủ Đức phải tuyển thêm 8.500 giáo viên để dạy các học sinh đặc biệt này. Trẻ em tị nạn sẽ phải học tiếng Đức trước khi được nhận vào các trường học tại đây.
Trẻ em tị nạn ở Đức đang học tiếng và học đọc.
Giới chức giáo dục Đức cho biết, có khoảng 325.000 trẻ em tị nạn trong độ tuổi đến trường đã tới các nước thuộc Liên minh châu Âu năm 2015 trong cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2.
Đức dự kiến tiếp nhận hơn một triệu người tị nạn cho đến cuối năm nay, cao gấp 5 lần so với năm 2014. Việc này đang đặt ra nhiều thách thức cho giới chức trách Đức trong việc đảm bảo cho những cư dân mới đến cũng được hưởng đầy đủ các dịch vụ xã hội.
"Giới chức giáo dục và các trường học ở Đức chưa từng phải đối mặt với thách thức như hiện nay. Chúng ta phải chấp nhận rằng, thách thức này sẽ còn kéo dài trong thời gian sắp tới", Brunhild Kurth, một quan chức giáo dục cấp cao ở Đức chia sẻ.
Trong khi đó, ông Heinz-Peter Meidinger, người đứng đầu Hiệp hội Các Giáo viên Trường Ngữ pháp ở Đức (The German Association of Grammar School Teachers - DPhV) cho hay, Đức sẽ cần thêm 20.000 giáo viên để dạy cho hàng nghìn học sinh mới đến.