Đội quân bí mật của Nga đổ bộ vào quốc gia Trung Phi như thế nào?

Sự kiện: Tin tức Nga

Không có gì bí mật về sự hiện diện của Nga ở Cộng hòa Trung Phi (CAR). Trên đường phố tràn ngập khẩu hiệu tuyên truyền của Nga trong khi đài phát thanh phát ca khúc tiếng Nga.

Nga không hề che dấu sự hiện diện ở quốc gia Trung Phi.

Nga không hề che dấu sự hiện diện ở quốc gia Trung Phi.

Nhóm phóng viên của CNN mới đây đã trở về từ CAR với phóng sự về sự hiện diện quân sự của Nga ở quốc gia Trung Phi này. Các tân binh của quân đội Cộng hòa Trung Phi được quân nhân Nga huấn luyện, dùng vũ khí Nga.

Theo CNN, cuộc điều tra dẫn đến những bằng chứng về việc Yevgeny Prigozhin – nhà tài phiệt Nga đứng sau việc đưa binh sĩ đến CAR. Đáng chú ý, Prigozhin là một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhân vật này hiện nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Ước tính có 250 lính đánh thuê Nga được Prigozhin đưa đến CAR để huấn luyện tân binh cho quân đội nước Cộng hòa Trung Phi. Prigozhin cũng sở hữu quỹ đầu tư Lobaye, rót tiền vào trạm phát thanh phủ sóng toàn quốc ở CAR.

Theo CNN, ngoài việc gia tăng tầm ảnh hưởng của Nga ở Trung Phi và huấn luyện binh sĩ bản địa, Prigozhin còn nhắm đến kim cương và nguồn tài nguyên dồi dào ở quốc gia này.

Prigozhin được cho là người đứng sau công ty Wagner, chuyên cung cấp lính đánh thuê Nga chiến đấu ở Syria và miền đông Ukraine.

Lính đánh thuê Nga của công ty Wagner, chiến đấu ở Syria.

Lính đánh thuê Nga của công ty Wagner, chiến đấu ở Syria.

Nhóm phóng viên của CNN may mắn phỏng vấn được một lính đánh thuê Nga giấu mặt ở CAR. Người này nói mình từng chiến đấu ở Chechnya chống phe nổi dậy, rồi sau đó là ở Syria.

Lính đánh thuê nói được Wagner trả tiền. “Chỉ là một đơn vị chiến đấu sẵn sàng thực hiện mọi mệnh lệnh từ Putin”, người này nói thêm.

Điện Kremlin từ lâu đã phủ nhận mối liên hệ với lính đánh thuê Nga ở nước ngoài. Hồi tháng 6, ông Putin từng phát biểu về lính đánh thuê Nga ở Syria: “Những người này đánh cược mạng sống để chiến đấu chống khủng bố… nhưng họ không đại diện cho nước Nga, hay quân đội Nga”.

Nhưng các nhà phân tích nói rằng, Wagner không thể tồn tại nếu không được ông Putin cho phép. Căn cứ huấn luyện của Wagner ở miền nam nước Nga nằm trực thuộc căn cứ của lực lượng đặc nhiệm Nga, do binh sĩ Nga canh gác và không ai lạ mặt được phép xâm nhập, theo CNN.

CNN cho biết, Prigozhin giờ đây đã chuyển hướng sang châu Phi, với các quốc gia tiềm năng khác ngoài CH Trung Phi, như Libya hay Sudan. Ở CAR, trung tâm chỉ huy của nhóm lính đánh thuê Nga là một lâu đài bỏ hoang, cách thủ đô Bangui khoảng 2 giờ lái xe. Dĩ nhiên lính đánh thuê Nga luôn che mặt và không hé răng nếu gặp người lạ, theo CNN.

Người may mắn CNN phỏng vấn được tên Valery Zakharov. “Nga đang trở lại châu Phi”, Zakharov nói ngắn gọn. “Chúng tôi từng hiện diện ở khắp nơi thời Liên Xô, và quá khứ đó đang trở lại. Chúng tôi vẫn còn đầu mối ở đây, chỉ cần khôi phục lại”.

Zakharov nói mình là cố vấn quân sự cho chính quyền của Tổng thống CAR, Faustin-Archange Touadéra.

Lính đánh thuê Nga huấn luyện tân binh ở CH Trung Phi.

Lính đánh thuê Nga huấn luyện tân binh ở CH Trung Phi.

Theo tài liệu mà CNN thu thập được, Zakharov được công ty của Prigozhin trả lương trực tiếp. Nhờ mối liên hệ quân sự mà quỹ đầu tư Lobaye của nhà tài phiệt Nga trúng thầu nhiều dự án khai thác mỏ kim cương và vàng.

Tại một khu mỏ ở Yawa, người dân địa phương nói người Nga đến đây từ 18 tháng trước. Bất cứ thứ gì tìm thấy, họ đều đưa cho người Nga.

Ngược lại, nhà tài phiệt Prizoghin đăng tải đoạn video dài 15 phút, cáo buộc nhóm phóng viên CNN đã hối lộ người địa phương để họ nói xấu về người Nga.

Cả Mỹ và Pháp, hai quốc gia từng chi phối CH Trung Phi, đã bày tỏ lo ngại về hoạt động của Nga ở khu vực. Tư lệnh Mỹ ở châu Phi, tướng Stephen Townsend, mô tả lính đánh thuê Nga ở CAR đóng vai trò như lực lượng bán quân sự, có liên hệ gần gũi với Điện Kremlin.

“Những người này có mặt ở đó để huấn luyện lực lượng địa phương”, Townsend nói trong phiên điều trần hồi tháng 4. “Đó có thể chưa phải là tín hiệu đáng lo ngại, nhưng cũng có thể sẽ tồi tệ hơn”.

Trên thực tế, Mỹ vẫn đang có xu hướng cắt giảm binh sĩ hiện diện ở châu Phi, trong khi Nga lại có chiều hướng ngược lại. Moscow đạt 20 thỏa thuận quân sự với các nước châu Phi và sự hiện diện không chính thức của lính đánh thuê Nga ở CAR cho thấy những tham vọng lớn hơn của Moscow đối với lục địa này, CNN kết luận.

5 quốc gia có đội quân hùng mạnh nhất thế giới vào năm 2030

Trong vòng một thập kỷ tới, các cường quốc trên thế giới sẽ tiếp tục xu hướng trong giai đoạn hiện đại, chuyển sự...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - CNN ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN