Đằng sau lời khen “người Châu Á giỏi toán”

Sau khi cuộc thi Olympic Toán Quốc tế 2022 kết thúc, một trong những tấm hình hài hước nhất mà nhiều người chia sẻ là đoàn thi của những nước dẫn đầu: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Việt Nam. Trung, Hàn, Việt toàn là người châu Á thì đã rõ, nhưng hài hước chính là đoàn Mỹ, khi 5/6 thành viên có gương mặt rặt Á Đông và những cái tên như Cong, Gu, Liu, Shen,... -những cái tên châu Á. Vậy là, câu đùa quen thuộc lại được thốt lên: dân da vàng đều giỏi toán!

Nhận định ấy cũng chẳng có gì mới. “Huyền thoại” người châu Á giỏi toán đã có từ lâu, thậm chí từ năm 1987, một số của Tạp chí Time đã đưa lên trang bìa hình ảnh 6 đứa trẻ da vàng mắt híp ngồi với đống sách vở và máy tính cùng dòng tựa to tướng: “Those Asia-American Whiz Kids” - tạm hiểu là “Lũ trẻ người Mỹ gốc Á thần đồng”. Hình ảnh một người châu Á đầu to, mắt cận, bách khoa toàn thư, vục đầu vào những kiến thức sách vở và hoàn toàn chưa từng nếm trải kinh nghiệm tình dục cũng là một motif kinh điển trong các bộ phim Mỹ.

Tóm lại, người châu Á, đặc biệt là Đông Á và Nam Á, luôn gắn liền với việc giỏi toán và các môn khoa học. Nghe qua thì có vẻ là một lời khen vô thưởng vô phạt, có gì nghiêm trọng đâu, nhưng sự thực lại khá nghiêm trọng.

Bìa Tạp chí Time về những “thần đồng” châu Á.

Bìa Tạp chí Time về những “thần đồng” châu Á.

“Nhiều năm trước, người ta từng nghĩ chúng tôi là Phúc Mãn Châu hay Charlie Chan. Thế rồi, họ nghĩ chúng tôi nhất định phải có một tiệm giặt là hay một nhà hàng ăn uống. Còn giờ đây thì họ nghĩ rằng tất cả những gì chúng tôi biết là ngồi trước chiếc máy tính”, Virginia Kee, một giáo viên trung học trong khu Chinatown ở New York chia sẻ trong bài viết của Time năm 1987, tức là 35 năm trước. Phúc Mãn Châu là một nhân vật hư cấu siêu phản diện do tiểu thuyết gia Sax Rohman sáng tạo nên, với hình tượng một gã châu Á thâm nho, nguy hiểm. Ngược lại, Charlie Chan là một vị cảnh sát tuy cơ trí, anh hùng nhưng lại không nói sõi tiếng Anh và luôn khép nép. Từ Phúc Mãn Châu đến Charlie Chan đến con mọt sách, theo cách nào thì những mô tả về người châu Á cũng đi vào sự phiến diện, một chiều và phẳng dẹt.

Trước hết, “người châu Á thì giỏi toán” không phải sự thật. Tuy những người châu Á xếp thứ hạng rất cao ở cuộc thi toán học, nhưng cũng có rất nhiều các nước châu Á khác chỉ xếp vị trí khiêm tốn. Điều thú vị là, theo chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA, tuy một số nước Đông Á quả cũng xếp cao ở các môn khoa học, nhưng họ cũng xếp thứ hạng cao ở môn đọc hiểu nữa, tuy nhiên, chẳng ai bảo “người châu Á thì giỏi văn chương”. Giỏi toán tất nhiên khác với giỏi văn, vì với đa số mọi người, toán học là một thứ gì đó xa vời, máy móc, lập dị, không có mối liên hệ trực tiếp nào với nhân tính (dù đây cũng là một định kiến sai lầm). Sự quy người châu Á về một tọa độ chung là “giỏi toán” chính là sự phủ nhận con người đầy đủ của người châu Á một cách tinh vi, biến họ thành một con robot được lập trình để thành công, một cỗ máy tính toán vô tri và đánh giá mỗi cá nhân châu Á vốn rất đa dạng dựa trên một khuôn mẫu có sẵn và cứng nhắc. Mà nói cho cùng, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chẳng là gì hơn ngoài sự phủ định tính toàn vẹn của một con người. Cho nên, “người châu Á giỏi toán” hoàn toàn không phải một lời khen, nó chỉ là một viên đạn bọc đường, một sự kỳ thị ngấm ngầm ẩn sau lời khen ngợi hào phóng.

Có hẳn một thuật ngữ để chỉ việc quy nạp toàn thể người châu Á theo một nhóm châu Á nhỏ lẻ, đó là “thiểu số kiểu mẫu”. Cụm từ này lần đầu tiên được dùng trên tờ New York Times để nói về câu chuyện thành công của những người Nhật Bản ở Mỹ, những người dù bị lề hóa nhưng vẫn vươn tới các thành tựu đáng kể. Bài báo này xuất bản năm 1966, một mốc thời gian đáng để suy nghĩ. Đây là thời điểm sục sôi của phong trào dân quyền đấu tranh đòi quyền lợi cho người da đen, đặc biệt là phong trào Black Power chịu ảnh hưởng bởi những phê bình của nhà hoạt động xã hội Malcolm X đối với các phương thức đấu tranh ôn hòa của Martin Luther King và hướng đến những hành động dữ dội hơn.

Trong một thời điểm nhạy cảm như thế, việc đột nhiên xuất hiện rất nhiều câu chuyện thành công của người Nhật và người Hoa trên đất Mỹ không hẳn là một sự vô tư và tình cờ. Người da trắng có dụng ý khi lôi người gốc Á ra làm lá chắn. Vì người gốc Á cũng là người da màu, về lý thuyết, họ cũng bị kỳ thị, bị gạt ra ngoài, vậy mà thấy chưa, họ vẫn vươn lên bằng sự chăm chỉ và giỏi giang của mình đấy thôi. Người da trắng muốn đổ lỗi cho người da đen, thuyết phục người da đen tin rằng cái họ cần làm không phải là gào thét và hạ bệ người da trắng, cái họ cần làm là đầu tư cho giáo dục và chấp nhận xã hội vốn đã bất công, không thể thay đổi.

Tất nhiên, kể lể chuyện thành công của một vài người châu Á cũng là cách hữu hiệu để chặn ngay từ đầu những ý nghĩ “nổi loạn” của những người châu Á khác, tiêm nhiễm cho họ ý nghĩ rằng nếu họ chưa thành công là bởi họ chưa đủ nỗ lực như những người đồng hương chứ chẳng phải vì cấu trúc xã hội có tì vết. Vậy là từ thuở “ban sơ”, người châu Á đã bị loại bỏ khỏi những đối thoại và đấu tranh về sự đa dạng. Người châu Á thậm chí còn bị coi như một chủng tộc da trắng mới! Họ còn đòi hỏi gì nữa khi thành công của họ là hiển hiện?

Thậm chí, khen ngợi người châu Á giỏi toán có thể đã che giấu đi cả một lịch sử phân biệt người châu Á trong chính lĩnh vực toán học. Trong khi tên tuổi Euclid còn được lưu lại trong những tiên đề số học thì một nhà toán học cổ đại người Trung Hoa là Tôn Tử (một Tôn Tử khác với tác giả của “Binh pháp Tôn Tử”) đã bị gạch tên ra khỏi phát kiến của ông trong những tài liệu tái khám phá của Leonard Eugene Dickson, một nhà toán học da trắng có tầm ảnh hưởng lớn tới ngành đại số trừu tượng. Ngày nay, người nghiên cứu toán chỉ quen thuộc với Định lý số dư Trung Hoa, nhưng Tôn Tử - người đặt ra nó, thì không ai biết.

Thế rồi, với mô hình “thiểu số kiểu mẫu”, người châu Á bị đặt trên lưng một gánh nặng, một áp lực phải xứng đáng với chính dòng máu và màu da của họ. Một người châu Á nghiễm nhiên được coi là phải giỏi khoa học, phải cần cù, phải chịu thương chịu khó. “Một đám vô diện mọt sách” là cụm từ thật hay diễn giải mặc cảm tự ti của người châu Á sống ở nước ngoài.

Trong một tiểu luận ngắn mang tên “Notes on work” (Những ghi chú về công việc) của Weike Wang, một phụ nữ gốc Hoa, viết cho tờ New Yorker hồi đầu năm nay, cô kể lại rằng khi cô cùng một người bạn gốc Á khác làm nghiên cứu sinh lĩnh vực y học, được một giáo sư nhận làm trợ lý với lý do họ là những người tốt nhất. Về sau cô mới hiểu rằng, tốt nhất ở đây có nghĩa họ là những người duy nhất sẵn sàng làm thêm giờ mà không yêu cầu trả thêm lương, sẵn sang bỏ bữa trưa, sẵn sàng trả lời email lúc nửa đêm, nói cách khác là họ vui vẻ dù bị bóc lột sức lao động.

Không phải ái vật, không phải vật tế thần, cũng không phải thiểu số kiểu mẫu, người châu Á khước từ những khuôn mẫu dù tốt hay xấu mà người da trắng dành cho họ.

Không phải ái vật, không phải vật tế thần, cũng không phải thiểu số kiểu mẫu, người châu Á khước từ những khuôn mẫu dù tốt hay xấu mà người da trắng dành cho họ.

Người châu Á nín nhịn, người châu Á phục tùng - đó là “lợi thế cạnh tranh” của người châu Á, nếu muốn tồn tại và một ngày nào đó thuộc về tầng lớp trung lưu thì họ phải sẵn sàng làm việc như nô lệ. Cũng như thế, kỳ vọng phải xuất sắc trong toán học không hề giúp người châu Á thăng tiến dễ dàng hơn trong các công ty công nghệ.

Trái lại, chính vì họ là người châu Á và người khác đã mang định kiến rằng họ giỏi sẵn, nên họ càng phải nỗ lực chứng minh khả năng của mình nhiều hơn chỉ để được đánh giá là ngang bằng với một người da trắng.

Mọi sự cào bằng đều nguy hiểm. Người gốc Ấn Độ ở Mỹ đúng là có tỉ lệ nhận ít nhất một bằng cử nhân đại học rất cao, suýt soát 80% - tương ứng với mức thu nhập trung bình cũng rất cao, song những người châu Á khác như người gốc Miến Điện, người gốc Lào và gốc Campuchia chỉ loanh quanh khoảng 20%. Những người châu Á này rõ ràng không phải những người châu Á mà ta nói đến khi khen ngợi “người châu Á giỏi toán”, “người châu Á mọt sách”, “người châu Á thần đồng”. Và, như thế, họ là những người châu Á vô hình hoặc nói theo một cách khác, từ “châu Á” người da trắng nghĩ đến là một châu Á tưởng tượng. Trên thực tế, không có một châu Á đại đồng như thế.

Châu Á phức tạp và rẽ nhánh hơn nhiều. Vậy thì người châu Á muốn được mô tả thế nào? Có lẽ, họ chẳng muốn được mô tả thế nào cả. Như Helen Zia, một trong những tên tuổi quan trọng trong phong trào đấu tranh quyền lợi của người Mỹ gốc Á, đã nói: “Chúng tôi có cái hay, cái dở và cái xấu. Chúng tôi không phải hình mẫu nào cả.

Chúng tôi muốn mình được nhìn nhận trong sự trọn vẹn của nhân tính. Mà điều đó, theo trải nghiệm của tôi, là thứ mà tất cả mọi người đều khao khát”.

Nguồn: [Link nguồn]

NATO đang mở rộng sang châu Á?

Đầu tháng 7-2022, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được tổ chức ở thủ đô Madrid của Tây...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiền Trang ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN