200 nước kí kết chấm dứt kỉ nguyên nhiên liệu hóa thạch
Chính phủ các nước đã đồng ý chấm dứt kỉ nguyên nhiên liệu hóa thạch, một cam kết lịch sử lần đầu tiên đạt được trên phạm vi toàn cầu về cắt giảm khí hiệu ứng nhà kính và ngăn chặn những tác nhân nguy hại nhất gây ra biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đồng thời là chủ tọa các phiên họp tại COP 21 đã đập búa tuyên bố thỏa thuận được thông qua.
Sau 20 năm với các cuộc họp liên miên, bao gồm 2 tuần qua tại ngoại vi thủ đô Paris, các nhà thương thuyết từ gần 200 quốc gia đã kí vào một thỏa thuận mang tính lịch sử ngày 12.12, đặt ra mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái Đất gia tăng và yêu cầu chính phủ các nước thực hiện cam kết đề ra.
Chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp lớn cho biết sẽ cố gắng đạt được mục tiêu chạm ngưỡng phát thải bằng không trong nửa sau của thế kỉ 21, chuyển dịch nhanh chóng từ nhiên liệu hóa thạch sang nền kinh tế năng lượng xanh.
Thỏa thuận đã được xây dựng chi tiết nhằm có hiệu lực pháp lý mà không cần sự thông qua của Quốc hội Mỹ - nơi chắc chắn sẽ không đồng ý với thỏa thuận này.
Sau những sự trì hoãn cuối cùng vì lỗi đánh máy, dịch sai, sự bất đồng về một số từ dùng trong văn bản pháp quy thì ông Laurent Fabius, Ngoại trưởng Pháp đã đập một chiếc búa mang hình chiếc lá xuống bàn. Thỏa thuận được chính thức thông qua. Toàn bộ khán phòng rộ lên tràng vỗ tay và tiếng nói rôm rả. “Đây là một chiếc búa rất nhỏ nhưng tôi nghĩ nó đã làm được một việc vĩ đại”, ông Fabius nói.
Francois Hollande, Tổng thống Pháp đã đầu tư rất nhiều tiền của và các nỗ lực ngoại giao để lèo lái các quốc gia khác đồng ý thỏa thuận này. Ông cho biết cơ hội để làm nên lịch sử là rất hiếm hoi. “Chúng ta đang ở thời khắc quyết định mang tính lịch sử”, Tổng thống Pháp tuyên bố.
Ông Fabius nói: “Đây là một thỏa thuận đầy triển vọng và cân bằng mà chúng ta đạt được ngày hôm nay”.
Kí kết này là một chiến thắng lịch sử cho Liên Hợp Quốc khi tổ chức quốc tế này đã dành 4 năm trời thuyết phục, vượt qua rào cản chính trị, hố sâu ngăn cách giàu nghèo giữa các quốc gia, để giúp các nước cùng nhau chung tay kí vào thỏa thuận. “Tôi vẫn hay nói: chúng ta phải làm, chúng ta có thể làm và chúng ta sẽ làm”, Christiana Figueres, phụ trách các vấn đề biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, chủ trì các phiên đối thoại, vui vẻ chia sẻ trên Twitter cá nhân. “Ngày hôm nay, chúng ta đã làm được điều đó!”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi thỏa thuận này là “một bằng chứng của sự lãnh đạo sáng suốt, kỉ luật mà Mỹ đang thực thi” và là một giai đoạn quan trọng định hình tương lai toàn cầu.
Hội nghị COP21 là một trong những hội nghị toàn cầu lớn nhất trong năm 2015. Mục tiêu chính của COP21 là thông qua một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020 (gọi là Thỏa thuận Paris 2015). Theo đó, các nước cam kết cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1990.