6 điều cần biết để học tập tốt hơn - Lời khuyên từ Hải Hồ, CEO Vogel
Bài chia sẻ là kinh nghiệm thực tế của tác giả, người đã từng trải qua khủng hoảng vì không thành công trong việc học, nhưng sau đó đã tự thay đổi được nhận thức về việc học tập và cuối cùng đã có một kết quả tốt. Bạn cũng sẽ nhận được một số gợi ý cho câu hỏi " làm thế nào để học tốt ". Bài viết này bởi tác giả Hải Hồ, CEO, Co-founder của TT du học nghề Đức Vogel.
Đừng bắt cá leo cây
Đầu tiên phải khẳng định với các bạn rằng việc nói người này thông minh hơn người kia dựa trên kết quả học tập trong nhà trường là một nhận định phiến diện.
Thực tế hiện nay nhà trường của chúng ta có hệ thống đánh giá năng lực học sinh kém cỏi, việc nhà trường sử dụng chung một bài kiểm tra và những bạn không theo nổi những môn học nhất định sẽ được quy kết vào diện "học sinh trung bình hoặc yếu kém". Cái mác học sinh yếu kém có thể sẽ là vòng kim cô ngăn chặn bạn thành công trên đường đời sau này đó.
Hiện nay, có nhiều nghiên cứu về sự thông minh của con người, trong đó có nghiên cứu nổi tiếng của Tiến sĩ trường Đại học Harvard Hodward Gardner. Ông chỉ ra rằng con người có 8 loại hình trí thông minh khác nhau, và mỗi người trong chúng ta sở hữu những loại hình trí thông minh này một cách khác nhau.
Do đó, các bạn cần phải chọn đúng sở trường của mình, dựa vào sở trường đó mà phát triển bản thân mình, từ đó mà cũng tránh được tự ti vì nghĩ mình học kém hơn các bạn khác.
Đừng nghe những lời nhận xét phiến diện từ người khác về mình hoặc về một vấn đề
Việc nghe và để ý đến những lời nhận xét tiêu cực trong một thời gian dài có thể gây ảnh hưởng đến niềm tin và sự nỗ lực của bạn. Những lời nhận xét như “yếu kém, dốt, không tiến bộ” có thể vô tình làm chúng ta nghĩ bản thân chúng ta như vậy thật, do đó mà chúng ta tự hạn chế năng lực của mình. Điều này cũng tương tự nếu chúng ta nghe được lời khuyên từ ai đó về việc chúng ta không thể làm gì.
Hồi học cấp 3, tôi nghe bạn bè nói rằng học tiếng Anh khó lắm, không học được đâu. Và như thế trong đầu tôi đã có cảm giác rằng tôi không thể học được tiếng Anh. Vì vậy mà suốt những năm cấp ba, tôi gần như mù tiếng Anh. Sau khi lên đại học, tôi mới phát hiện ra rằng tiếng Anh nói riêng và ngôn ngữ nói chung là một trong những thứ dễ học nhất với tôi khi tôi có cơ hội tiếp cận theo một cách khác.
Vậy, tại sao bạn không nên nghe lời nhận xét phiến diện về bạn hoặc về một vấn đề nào đó từ người khác. Bởi vì:
- Liệu họ có đủ năng lực để đưa ra lời nhận xét đáng tin cậy?
- Họ nhận xét là để giúp bạn hay là để cho bạn giống họ?
- Thay vào đó, hãy đánh giá chính bản thân mình và thử nỗ lực hết mình.
Chuyển hướng niềm tin
Bạn hiện đang bao nhiêu niềm tin tiêu cực về bản thân vậy?
Hãy thử liệt kê và viết ra giấy nhé. Tiếp theo, hãy viết ngược lại với những ý bạn vừa nêu.
Ví dụ nếu bạn viết "Học dốt toán", thì sửa bằng "tôi có thể học giỏi toán". Hay “không thể học ngoại ngữ” thì sửa thành “tôi sẽ học tốt ngoại ngữ”.
Việc chuyển hướng niềm tin và có suy nghĩ tích cực, tất nhiên là kèm cả hành động phù hợp được chứng minh là rất có hiệu quả trong việc cải thiện tình hình một vấn đề. Các bạn có thể tự tìm hiểu thêm về "tự kỉ ám thị" để nắm rõ hơn điều này.
Chọn một phương pháp phù hợp với bạn
Nghiên cứu chỉ ra rằng người học khác nhau có những phương pháp học tập khác nhau giúp đem lại hiệu quả cao. Ví dụ, có bạn học và ghi nhớ tốt từ hình ảnh, trong khi có bạn học tốt từ việc nghe giảng hoặc videos, có bạn lại cần vận động để ghi nhớ. Do đó chúng ta cần tìm hiểu xem mình phù hợp với phong cách nào để áp dụng cho bản thân nhé.
Nếu được, hãy chọn một người thầy tốt
Điều đáng buồn là nhiều người hiện nay chỉ xứng đáng với danh hiệu " thợ dạy " hoặc " người đi dạy ", chứ không phải ai cũng thực sự xứng đáng được gọi là Thầy cô. Bởi vì họ chỉ có trách nhiệm truyền dạy kiến thức cho bạn theo như hợp đồng với nhà trường chứ họ không có trách nhiệm dạy dỗ bạn thành người khi bạn còn ngồi trên ghế nhà trường. Do đó, nếu được, hãy tìm một người thầy mà mình tôn trọng, đủ phẩm chất để có thể học hỏi được những điều hay lẽ phải từ họ.
Cuối cùng, hãy suy nghĩ tích cực cho mọi vấn đề
Thế giới thay đổi theo cách bạn nghĩ, hãy suy nghĩ tích cực cho mọi vấn đề, và tìm giải pháp khi gặp khó khăn chứ không được tìm lý do. Ví dụ bạn bị gãy chân, thì đừng nghĩ đó là một điều xui xẻo, hãy nghĩ khoảng thời gian bó chân sẽ là thời gian lý tưởng để bạn suy ngẫm về những vấn đề phải làm trong tương lai, hay xem xét lại những việc bạn đã làm trong quá khứ, hoặc đơn giản là thời gian nghỉ ngơi tuyệt vời cho bạn. Sau khoảng thời gian này, chúng ta hãy quay lại thật ấn tượng nhé.
Kết quả trong tương lai phụ thuộc phần nhiều vào hành động và niềm tin ở hiện tại. Vì vậy, hãy xem lại bản thân mình, củng cố niềm tin và xây dựng một kế hoạch hành động tích cực và phù hợp.
Chúc các bạn học tốt.
Hải Hồ - CEO – Co-founder Du học nghề Đức Vogel
Nguồn: [Link nguồn]