Trả lại tên Chợ Cồn!

HĐND TP Đà Nẵng vừa ban hành Nghị quyết đặt tên một số đường và công trình công cộng trên địa bàn đợt 1, năm 2012, theo đó, đổi tên Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng thành Chợ Cồn với lời "thuyết minh" khá gọn gàng: "Tuy có tên chính thức là Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng nhưng người dân thành phố Đà Nẵng từ trước đến nay vẫn quen gọi là "Chợ Cồn". Để phù hợp với tên gọi quen thuộc, đổi tên Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng thành Chợ Cồn".

Công trình "thần tốc"

Vậy là Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng đã kết thúc một nhiệm vụ lịch sử kéo dài gần 30 năm. Chợ lại mang tên xưa- Chợ Cồn, cái tên đã ăn sâu vào tâm khảm của người dân Đà Nẵng, đã thành "thương hiệu", cái tên gắn với "ngọn cờ đầu" của hệ thống chợ Đà Nẵng.

Trong bài báo "Khánh thành và đưa vào sử dụng Nhà hát Trưng Vương và Trung tâm tâm nghiệp dịch vụ Đà Nẵng" đăng trên Báo Quảng Nam - Đà Nẵng ra ngày 28-3-1985, nội dung nói riêng về trung tâm này thật xúc động: "Sau 128 ngày khẩn trương thi công với khí thế thần tốc, ngày 24-3-1985, Trung tâm thương nghiệp và dịch vụ Đà Nẵng đã hoàn thành, trước thời hạn 1 ngày. Trung tâm thương nghiệp này được xây dựng xong, đã làm thay đổi hẳn cái lộn xộn, bẩn thỉu của chợ Cồn cũ, làm tăng vẻ đẹp cho thành phố. Trung tâm có diện tích xây dựng 12.417m2, diện tích sử dụng 11.646m2 trên toàn bộ diện tích 14.200m2, gồm một nhà 3 tầng dùng làm khu bách hóa và dịch vụ, một nhà 2 tầng của ban quản lý trung tâm, một nhà 2 tầng dài và 6 nhà lồng cho khu tạp phẩm, khu thực phẩm và nhiều công trình phụ trợ khác... Toàn bộ kinh phí ước khoảng 115,5 triệu đồng. Ngày 27-3-1985, UBND TP Đà Nẵng đã làm lễ khánh thành công trình này".

Trả lại tên Chợ Cồn! - 1

Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng những ngày đầu...

Trung tâm thương nghiệp và dịch vụ Đà Nẵng là công trình kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-1985). Đọc bài báo, không khó nhận ra quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố trong việc xóa bỏ những tàn tích "lộn xộn, bẩn thỉu" của chế độ cũ, xây dựng những công trình mới, nền kinh tế mới. Và chợ Cồn cũ vốn được hình thành từ những năm 1940 nằm trên một cồn đất cao giữa lòng thành phố (nên người dân địa phương quen miệng gọi thành tên Chợ Cồn) được xây dựng và đặt tên mới là Trung tâm Thương nghiệp và dịch vụ Đà Nẵng với tham vọng và nhiệm vụ lịch sử là biến thành một trung tâm thương nghiệp và dịch vụ tiêu biểu của thành phố với thiết chế chính trị, xã hội và kinh tế mới, ưu việt.

Trả lại tên Chợ Cồn! - 2

...và hiện nay

Đầu tư 3,2 tỷ đồng nâng cấp Chợ Cồn

Theo Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng, công trình mang tính quy mô nhất lúc bấy giờ nằm ngay trung tâm đã đáp ứng được nhu cầu kinh doanh mua sắm ngày càng cao của người dân thành phố. Hiện có hơn 1.300 hộ tiểu thương kinh doanh cố định và các đơn vị hợp tác xã, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân cùng khoảng 600 hộ kinh doanh không cố định với hàng trăm ngàn mặt hàng khác nhau với hàng chục ngàn lượt khách ra vào tham quan, mua sắm mỗi ngày, xứng đáng với tên gọi Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng, một trung tâm thương nghiệp không những của thành phố Đà Nẵng mà còn của cả khu vực miền Trung.

Nhưng đến 1-4-2002, từ thực tế thói quen của người dân, Cty Quản lý các chợ Đà Nẵng (nay là Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng) đã đề xuất trả lại tên gọi cho chợ Cồn như những ngày đầu tiên. Và đến kỳ họp HĐND TP lần thứ 4, khóa VIII đã thống nhất đổi tên Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng thành Chợ Cồn. Việc này cũng dễ hiểu bởi Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng tuy vẫn là trung tâm thương mại, dịch vụ lớn thu hút hàng chục ngàn lượt người đến tham quan, mua sắm mỗi ngày, nhưng hình thức vẫn giống chợ. Trong khi đó, điều kiện kinh tế, xã hội ngày nay đã phát triển vượt bậc, thành phố đã và đang mọc lên nhiều siêu thị, đại siêu thị mới, nhiều khu thương mại hiện đại, cao tầng, và cả chợ hiện đại.

Cùng với việc đổi tên thành chợ Cồn, vừa qua, thành phố cũng đã quyết định đầu tư 3,2 tỷ đồng để sửa chữa và nâng cấp chợ Cồn. Tin rằng, trong thời gian đến, chợ Cồn tiếp tục phát huy thế mạnh nằm ở trung tâm thành phố, tiếp giáp với những mạch máu giao thông quan trọng và một trung tâm khu mua sắm lớn nhất của không chỉ thành phố Đà Nẵng, còn của cả khu vực miền Trung, đặc biệt là điểm tham quan, mua sắm hấp dẫn đối với du khách đến với Đà Nẵng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nam Trân (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN