Giả danh nhà báo để vay, quyên góp tiền

“Nhà báo” B. khéo léo kể chuyện gia đình, nhắc lại những lần gặp mặt của ông T. và ông Ngôn khiến bà Tánh rất vui.

Nạn nhân của bọn lừa đảo này là bà Bùi Thị Tánh (trú đường Trần Quý Cáp, Q. Hải Châu, Đà Nẵng). Khoảng 10 giờ ngày 24-5, một người đàn ông đi xe Future màu xanh (bà Tánh chỉ nhớ BKS có các số 3687) đến, tự xưng là nhà báo B. ở Quảng Nam, hiện công tác tại Đà Nẵng, là con của ông Nguyễn Văn T. “Nhà báo” B. bảo nhân có việc ghé qua thăm chú Ngôn (Hồ Phúc Ngôn, chồng bà Tánh).

Người khách kể chuyện gia đình thân tình, nhắc lại hôm Cơ quan đại diện NXB QĐND tổ chức giới thiệu cuốn hồi ký “Chuyện người con Hồng Phước” của tác giả Hồ Phúc Ngôn. Anh ta còn cho biết, do hôm đó ông T. ốm nên anh này đã thay cha đi dự và khen cuốn sách hay, xúc động. Biết ông Ngôn không có nhà, trong câu chuyện giữa hai cô cháu, “nhà báo” B. khéo léo kể chuyện gia đình, nhắc lại những lần gặp mặt của ông T. và ông Ngôn khiến bà Tánh rất vui, xem B. như người thân trong gia đình. Lúc ấy, anh ta mới đặt vấn đề: “Bạn khánh thành nhà mới nhưng mời đột xuất quá, cháu không đem theo tiền. Cô có thì cho cháu mượn tạm một triệu đồng, chiều cháu ghé lại trả cô”. Bà Tánh không nghi ngờ gì, nghĩ rằng con bạn chồng cũng như con mình, gặp tình thế ngặt quá mới phải mượn, nên lấy tiền đưa cho anh ta. Cầm tiền, “nhà báo” B. rối rít cảm ơn và hẹn chiều sẽ đem đến trả. Bà Tánh đợi mãi không thấy, nghi ngờ bị lừa nên gọi điện cho ông T. xác minh thì đúng là mình đã bị “ăn quả lừa”.

Giả danh nhà báo để vay, quyên góp tiền - 1

Nhà báo Lê Anh Dũng kể chuyện mình bị giả danh

Nhà báo Lê Anh Dũng (Cơ quan đại diện Tạp chí Văn hóa Quân sự tại Đà Nẵng) cũng là nạn nhân của bọn lừa đảo kể: Mới đây, tôi đang chạy xe trên đường Trưng Nữ Vương (Đà Nẵng) thì nhận được điện thoại gọi đòi tiền và tuyên bố nếu không trả sẽ gửi đơn ra tòa soạn tố cáo. Tôi giật mình, bán tín bán nghi không biết mình nợ ai nên hỏi lại. Người này giới thiệu là bạn của Thiếu tướng Đoàn Y Thanh (trú Hải Châu, Đà Nẵng) đã quyên góp ủng hộ cựu chiến binh Quảng Nam-Đà Nẵng gặp mặt. Tôi vẫn không hiểu đầu cua tai nheo thế nào, ông ta nhắc lại: “Tôi và bạn tôi đã quyên góp, đưa tiền ủng hộ cho anh. Anh bảo còn thiếu, tôi cho anh vay thêm, có giấy nhận nợ hẳn hoi. Hôm ấy anh còn xưng là nhà báo quân đội đóng tại Quảng Nam”. Tôi nghi ngờ có chuyện giả mạo nên đề nghị người gọi điện đem giấy đến nhà Thiếu tướng Đoàn Y Thanh để đối chứng. Chúng tôi nhìn nhau ngỡ ngàng vì đây là lần đầu gặp mặt. Ông khách mang giấy nhận nợ ra, đúng là có chữ ký ghi danh nhà báo Lê Anh Dũng, nhưng không hề giống nét chữ và chữ ký của tôi. Mọi người chỉ còn biết nhìn nhau.

Hai câu chuyện trên hy vọng sẽ đem đến cho bạn đọc tinh thần cảnh giác, đối với kẻ nhận là nhà báo hay người thân nếu không có người quen giới thiệu thì phải kiểm tra giấy tờ đầy đủ, đừng để tiền mất còn chuốc ấm ức vào thân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Sỹ Long (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN