Gà tui, gà ai?

Chuyện mới xảy ra cách đây không lâu: ông H. (trú thôn Diêu Phong, Hòa Nhơn, Hòa Vang, Đà Nẵng) mang tiền đặt cọc cho bà T. (trú Điện Thắng Bắc, Điện Bàn, Quảng Nam) để mua 3.000 con gà đẻ 17 tuần tuổi của Cty CP chăn nuôi C.P. Việt Nam (Cty CP).

Tuy nhiên, tiền đã giao đủ mà gà chẳng thấy đâu, trong khi lại phải lo cơm, lương hằng tháng cho hàng chục công nhân nên ông H. vô cùng nóng ruột. Chỗ này chưa nhận được gà, ông H. quyết định đặt cọc mua thêm 2.000 con gà của bà Y. Đúng như cam kết, ngày 26-5, ông H. nhận được điện thoại của bà Y. thông báo: Ngày 27-5, gà về đến nơi. Cũng trong lúc này, ông H. nhận được điện thoại của bà T. thông báo: Chuẩn bị nhận 1.500 con gà về chung xe với gà của bà Y.

Như thông báo, khoảng 15 giờ ngày 27-5, xe vận chuyển gà đến trại chăn nuôi tại Hòa Nhơn của ông H. để giao gà. Hai bên giao nhận xong 2.000 con gà, ông H. yêu cầu lái xe giao tiếp cho ông số gà còn lại vì cho rằng đó là gà của bà T. giao cho ông. Trước yêu cầu này, người giao hàng cho bà Y. đã đưa ra những giấy tờ chứng minh số “gà còn lại là của mình, không phải của bà T.”. Bên đòi nhận gà, bên không chịu giao nên phát sinh mâu thuẫn. Trước lý lẽ của người giao hàng cho bà Y., ông H. chỉ còn cách dựa vào kiểu lý sự cùn: “Bà T. điện thoại bảo gà của bà ta thì đó là gà của... tui”. Nhưng kiểu lý sự đó không thuyết phục được người giao hàng, vì “có ai nghe được nội dung cuộc điện thoại giữa bà T. và ông H.” đâu. Bực tức vì mình là người đã có “2 thứ tóc” lại thua một thằng “nhãi ranh” nên ông H. giở bài... liều cho công nhân đóng cổng trại rồi dõng dạc tuyên bố: Nếu không giao 1.500 con gà sẽ không cho xe ra khỏi trại. Đúng là “phép vua thua kẻ liều”, nếu không giao thì gà sẽ chết nên người giao hàng cho bà Y. đành chấp nhận để ông H. cùng đưa số gà trên vào chuồng.

Ngày 31-5, khi làm việc cùng CAX Hòa Nhơn, lúc đầu ông H. vẫn một hai: “Bà T. điện cho tôi nhận gà nên đó là gà của bà T. giao cho tôi”. Nhưng trước lập luận sắc bén của lực lượng CA, ông ta đành xuống nước, thừa nhận việc làm sai trái của mình là chiếm giữ bất hợp pháp tài sản của người khác và năn nỉ người giao hàng... “thông cảm”. Như vậy, từ chỗ nôn nóng nhận được gà để chăn nuôi, ông H. vô tình vi phạm pháp luật. Bây giờ, gà của tôi, gà của ai đang là câu chuyện mà người dân địa phương bàn tán như để nhắc nhở mình rằng đừng “nóng quá hóa sai phạm”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo P.Trang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN