DN bảo vệ người tiêu dùng để... vượt khó

Chính lúc này, khi sức mua giảm, hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh tại Đà Nẵng mới thấm thía ý nghĩa của việc bảo vệ người tiêu dùng (NTD), vốn dĩ lâu nay chưa được chú trọng, hoặc cố tình làm ngơ.

Cái giá của sự thờ ơ

Hội Bảo vệ NTD Đà Nẵng cho biết đã giải quyết khiếu nại cho 119 vụ. Đó chỉ là con số được thống kê, trong thực tế, còn hàng trăm vụ khác NTD bị xâm hại đã không khiếu nại hoặc không biết để khiếu nại. Việc khiếu nại của NTD chủ yếu do tình trạng hàng hóa kém chất lượng, không đúng với thực tế tiếp thị, khi NTD phản hồi thì DN né tránh tiếp thu, không giải quyết, chây ì...

Anh Lê Minh Trường (trú Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn) mua sản phẩm giày tại cửa hàng Tuấn, có phiếu bảo hành trong 1 tháng. Sau khi sử dụng vài ngày thì giày bị hở mũi, anh đem lên đổi lại giày khác vì cho rằng giày không đảm bảo chất lượng. Tuy vậy, cửa hàng cho rằng, giày đã đi, không đổi lại được. Tương tự là trường hợp của chị Nguyễn Thị Dân (trú đường Trần Cao Vân) mua lò nướng Homemax tại Metro, khi về dùng, cửa lò nướng bị hở, chị đem lên Metro đề nghị sửa lại nhưng nhân viên đòi hóa đơn, trong khi chị chỉ còn giấy bảo hành, họ đã không giải quyết. Một trường hợp khác, chị Lê Thị Minh Nga (trú đường Lý Nhân Tông) mua cây cảnh Osaka vàng trị giá 7,5 triệu đồng tại cơ sở cây cảnh Túy Hiền (52-Trần Xuân Soạn, Q. Cẩm Lệ). Trong hóa đơn thanh toán, người bán hàng đã ghi bảo hành trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày trồng cây, nếu cây không sống thì trồng lại cây khác tương đương giá trị. Tuy vậy, khi vẫn còn trong thời gian bảo hành, cây héo, chị yêu cầu trồng cây khác thì bên bán cho rằng cây héo do NTD không tước nước nên không đổi.

Hay như trường hợp chị Ánh Tuyết (đường Cao Thắng) mua xe máy tại cửa hàng Tiến Thu, đang đi bình thường thì xe phát nổ, chị yêu cầu đổi xe khác vì nghĩ không đảm bảo chất lượng, nhưng cửa hàng cho biết chỉ bảo hành các chi tiết máy bị lỗi. Hoặc trường hợp chị Quỳnh Như (trú đường Khúc Hạo) mua tủ đông Alaska tại Khu mua sắm đệ nhất Phan Khang, nhân viên bán hàng đã giới thiệu sản phẩm không đúng với thực tế, dẫn đến hư hỏng nhanh... Tất cả các vụ việc đó, NTD đều phải khiếu nại, trông cậy vào Hội bảo vệ NTD mới được giải quyết thỏa đáng.

Có một thực tế, trong nhiều trường hợp, NTD đã không được bảo vệ, không biết trông cậy vào đâu. Rõ ràng, không ít đơn vị sản xuất, kinh doanh, vì lợi ích DN đã không quan tâm đúng mức tới việc bảo vệ quyền lợi của NTD. Khi được phản hồi DN, hoặc viện các lý do thủ tục để làm khó, chậy ì hoặc phớt lờ, không quan tâm cho tới khi có sự can thiệp của ngành chức năng. Nhưng chắc chắn một điều, khi quyền lợi của NTD bị xâm hại và không được giải quyết thỏa đáng thì DN sẽ mất rất nhiều, dù có cái lợi trước mắt.

DN bảo vệ người tiêu dùng để... vượt khó - 1

Bảo vệ NTD bằng chế độ hậu mãi tốt là tiền đề giúp DN kinh doanh vượt khó trong bối cảnh sức tiêu thụ giảm sút như hiện nay

Tiền đề vượt khó

Trong bối cảnh sức mua của thị trường tiêu dùng giảm sút mạnh hiện nay, việc chú trọng bảo vệ NTD càng có ý nghĩa quan trọng giúp DN bán được hàng, nâng cao uy tín với khách. Bảo vệ NTD cũng là một cách vượt khó lúc này. Ông Phan Hải - Giám đốc hãng giày BQ cho biết, bảo vệ NTD là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm. NTD hiện đã thông thái hơn nhiều, họ luôn cân nhắc nên biết chọn sản phẩm nào. Nếu DN bán hàng không làm tốt công tác hậu mãi, không giải quyết nhanh gọn, thấu đáo mọi phản hồi của khách hàng, rất khó để NTD quay lại mua sản phẩm của DN. Đặc biệt hơn, việc xây dựng thương hiệu đã khó, giữ được nó còn khó hơn, nếu chỉ một vài vụ việc làm NTD mất lòng tin. Ông Nguyễn Hồng Sơn - Ủy viên BCH Hội Bảo vệ NTD Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Cty Thạch Bàn miền Trung cho biết, chống hàng giả, hàng kém chất lượng cũng là một cách bảo vệ NTD. Chỉ khi nào sản phẩm không bị làm giả, nhái, kém chất lượng thì những nỗ lực cải tiến, nâng cao chất lượng của DN mới được NTD ghi nhận. Và, sản phẩm càng nổi tiếng, càng bị làm giả, nhái nhiều. Ông Sơn nhấn mạnh: Ngay cả tem chống hàng giả cũng có thể bị làm giả, bởi đối tượng làm hàng giả giờ đã áp dụng công nghệ tinh vi, nhờ khoản lợi nhuận kếch xù thu lợi bất chính. Hàng loạt DN khốn đốn, khi phải tốn hàng trăm thứ chi phí mới cho ra được một sản phẩm, nhưng vừa ra chưa lâu thì đã có hàng giả bám theo đuôi. Nguy hiểm hơn, khi các mặt hàng giả là thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe NTD. Đơn cử như việc thương lái “khoác áo” cho khoai tây kém chất lượng của Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt để dễ bán; cốm Làng Vồng dùng phẩm màu công nghiệp cho nhanh, lợi, thay vì làm thủ công tốn kém như trước... Đáng sợ hơn khi nhiều đơn vị kinh doanh lại “tân trang” hàng thật đã hết đát, hư hỏng, bỏ đi thành hàng mới bán cho NTD.

Đó chỉ là một vài thủ thuật của đơn vị kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận xâm hại tới NTD. Tác hại thì rất lớn, khi làm DN chân chính phải điêu đứng. Bản thân mỗi DN ngoài việc nâng cao chất lượng, uy tín với NTD để họ lựa chọn sản phẩm của mình, cũng cần quyết liệt chống hàng giả, nhái. Đó là một cách bảo vệ NTD đồng thời cứu bản thân DN trong lúc khó khăn hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Hậu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN