Mẫu nhí và nỗi lo “đốt cháy” tuổi thơ trên sàn diễn

“Những trẻ vì nổi tiếng mà sao nhãng học hành thường là do phụ huynh đã để cho con dành quá nhiều thời gian vào việc biểu diễn để kiếm tiền, dẫn đến hình thành cho trẻ những tư tưởng sai lệch về việc học làm người mẫu." - Chị Hồ Bích Ngọc, một giáo viên lớp người mẫu nhí nhận định.

Những ngày gần đây, cộng đồng mạng đang xôn xao thông tin về cô bé 7 tuổi Hà Thiên Trang lọt vào top 10 người mẫu nhí trên báo Mỹ. Theo đó, trên các diễn đàn dành cho phụ nữ và trẻ em, các bà mẹ lại túm năm tụm ba ở các topic (chủ đề) xoay quanh việc nên chăng cho con cái tham gia các câu lạc bộ người mẫu nhí từ nhỏ.

Mẫu nhí và nỗi lo “đốt cháy” tuổi thơ trên sàn diễn - 1

Mẫu nhí sải bước đầy tự tin trong một buổi trình diễn thời trang

Không thể phủ nhận, hào quang sân khấu từ các cuộc thi lớn có trẻ em tham gia như The Voice Kid, Vietnam’s Got Talent, Đồ Rê Mí… đã làm cho không ít phụ huynh choáng ngợp. Họ bắt đầu ấp ủ khát khao cháy bỏng về một ngày đẹp trời con mình cũng “nổi như cồn” trên các sàn diễn lung linh, ngợp trong những lời tán dương và những tràng pháo tay liên tiếp.

Không có một ông bố, bà mẹ nào không mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Tuy nhiên, nghĩ cho con là một chuyện, hiểu được con lại là chuyện khác.

Ấp ủ khát vọng “đổi đời”, có những ông bố, bà mẹ “nhồi nhét” con theo học các câu lạc bộ nghệ thuật bất chấp con có năng khiếu và yêu thích hay không, với lý do “Các cháu làm sao đã nhận thức được cái gì hợp với không hợp, mình phải định hướng cho con theo học cái gì chứ không thể chiều theo ý thích được. Trẻ con mà, đứa nào chả phải ép mới chịu nghe.” – Chị Huyền Trang, 28 tuổi (Cầu Giấy, HN) khẳng định.

Vô tình, những tư tưởng như vậy của bố mẹ đã “bóp chết” những sở thích, niềm đam mê, năng khiếu tiềm ẩn của con. Giải thích cho lựa chọn hướng con theo con đường nghệ thuật ngay từ nhỏ, chị Huyền Trang cho biết: “Đây cũng là một cách đầu tư cho con thôi. Hơi mạo hiểm một chút nhưng nếu thành công thì lãi lớn luôn.

Những bé nổi tiếng bây giờ hát 1 bài được cát xê cả chục triệu, hoặc được các công ty truyền thông tranh nhau săn đón mời diễn thời trang, đóng phim quảng cáo với thù lao cao chất ngất. Trong khi bao nhiêu người học hành tử tế, tốt nghiệp đại học ra đi làm cũng chỉ nhận mức lương 3 - 4 triệu/tháng.”

Mẫu nhí và nỗi lo “đốt cháy” tuổi thơ trên sàn diễn - 2

Evelina Voznesenskaya - cô bé xứ bạch dương được mệnh danh là mẫu nhí xinh đẹp nhất thế giới

Trái ngược với quan niệm này, nhiều phụ huynh lại nghĩ cho con theo học những câu lạc bộ này rất dễ khiến con xao nhãng việc học văn hóa, hoặc dễ sa ngã trong môi trường showbiz đầy cám dỗ.

Trên một diễn đàn chủ yếu dành cho phụ nữ, một bà mẹ trẻ nhận định: “Cho con học múa, hát còn đỡ lo, chứ để cho bọn trẻ học làm người mẫu rồi đi diễn nhiều, tiếp xúc với phấn son sớm, ăn mặc đi đứng cũng õng ẹo như người lớn, chưa gì đã như thiếu nữ đến tuổi cập kê.”

Cùng chung nỗi lo con già trước tuổi và khó đứng vững trước những cám dỗ của làng giải trí, nhiều phụ huynh khác cũng vào góp chuyện. Họ cho rằng việc cho con đi học làm người mẫu nhí là “đốt cháy tuổi thơ của con".

Trao đổi về vấn đề này, chị Oanh, hiệu phó trường Mầm non Trại Chuối (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) cho biết: “Tôi nghĩ việc cho trẻ tham gia câu lạc bộ người mẫu nhí có lợi nhiều hơn là hại. Việc các cháu đi diễn xong được phát quà hay phong bì thù lao và bố mẹ nhận hộ cũng là chuyện hết sức bình thường.

Nhưng quan trọng là phụ huynh cần định hướng cho con trẻ hiểu đây là phần thưởng các cháu nhận được sau khi nỗ lực tập luyện, chứ không nên đặt nặng chuyện tiền thù lao, lạm dụng tài năng của con để nhằm mục đích kiếm tiền cho cha mẹ”.

Mẫu nhí và nỗi lo “đốt cháy” tuổi thơ trên sàn diễn - 3

Mẫu nhí xinh đẹp nhất thế giới Evelina Voznesenskaya không ít lần gây tranh cãi trên báo chí vì ăn mặc quá gợi cảm, không phù hợp với lứa tuổi

Trên thực tế, sự xuất hiện ngày càng nhiều các lớp mẫu nhí chứng tỏ đây đang là một lĩnh vực khá “hot” mà các ông bố, bà mẹ muốn cho con theo học. Có người chỉ muốn con có được một sân chơi bổ ích để tự tin thể hiện bản thân và bạo dạn hơn trong giao tiếp, người lại khát khao đưa con đến đỉnh cao của danh vọng.

Mục đích và định hướng của bố mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng của đứa trẻ. Những trẻ bị bắt ép đi học sẽ khó có thể tiếp thu tốt được như những bạn bè có đam mê, dẫn đến chán nản, tự ti. Trẻ “cõng” trên mình kỳ vọng quá lớn của cha mẹ thì luôn phải gồng mình quá sức và đặt chuyện tập luyện để trở thành người mẫu chuyên nghiệp làm nhiệm vụ chính chứ không phải chuyện học văn hóa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Thu ([Tên nguồn])
Người mẫu: Nghề không chỉ có hoa hồng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN