Hết Dolce & Gabbana lại đến Versace bị tẩy chay tại Trung Quốc
Vì những sai lầm liên quan đến chính trị, nhiều thương hiệu thời trang đình đám thế giới đã mất đi thị trường tại Trung Quốc.
Versace vi phạm tôn chỉ "Một Trung Quốc"
Thiết kế gây tranh cãi của Versace.
Versace là thương hiệu thời trang nổi tiếng của Ý, được Gianni Versace thành lập vào năm 1978. Hiện tại, thương hiệu này đang bị người dân Trung Quốc tẩy chay vì khẳng định Hồng Kông và Macao là quốc gia độc lập không thuộc Trung Quốc. Sản phẩm áo phông của hãng có in tên các thành phố cùng tên nước. Versace lại tách Hồng Kông và Macao thành hai quốc gia riêng biệt.
Hành động của Versace chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa bởi tình hình quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và vùng lãnh thổ đặc biệt Hồng Kông, Macao ngày một căng thẳng. Trước sai lầm tai hại trên, Dương Mịch - đại diện của Versace đã hủy hợp đồng và dừng hợp tác. Cô nói hành động này của Versace đã vi phạm tôn chỉ "Một Trung Quốc", tổn hại đến sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Dương Mịch là người đại diện của thương hiệu Versace tại Trung Quốc.
Sau đó Versace đã lên tiếng xin lỗi, quyết định thu hồi lại sản phẩm áo phông trên và hứa sẽ cải thiện cách vận hành thương hiệu. Giám đốc sáng tạo Donatella Versace còn đăng trên Instagram cá nhân rằng mình thành thật xin lỗi đồng thời khẳng định: "Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ thiếu tôn trọng chủ quyền quốc gia của Trung Quốc."
Thương hiệu lên tiếng xin lỗi trên Twitter.
Dolce & Gabbana kỳ thị chủng tộc
Versace đã đi vào vết xe đổ của Dolce & Gabbana khi trước đó D&G đã bị phản đối vì sử dụng hình ảnh mang ý phân biệt chủng tộc. Mọi việc bắt đầu từ khi video quảng bá cho The Great Show của D&G tại Thượng Hải. Trong video này, một cô gái châu Á chật vật dùng đũa để ăn các món Tây như pizza và mỳ Ý. Sau đó, mọi việc căng thẳng hơn khi đoạn chat với Stefano Gabbana bị đăng tải. Nhà thiết kế này sử dụng ngôn ngữ thiếu tôn trọng khi nói về Trung Quốc như ô uế, ngu ngốc,...
Hình ảnh gây tranh cãi của thương hiệu D&G.
Người dân Trung Quốc quay lưng với Dolce & Gabbana, hàng loạt ngôi sao nổi tiếng như Địch Lệ Nhiệt Ba, Huỳnh Hiểu Minh, Lý Băng Băng, Vương Tuấn Khải đều thể hiện thái độ bất bình trước hành động này. The Great Show bị hủy khiến thương hiệu thiệt hại con số không nhỏ. Sau đó, bộ đôi nhà thiết kế đã đăng tải video xin lỗi vào ngày 23/11.
Địch Lệ Nhiệt Ba xóa ảnh mặc váy của D&G trên Instagram.
Trung Quốc là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển thuộc nhóm dẫn đầu thế giới. Bởi vậy quốc gia này là thị trường béo bở mà hầu như mọi lĩnh vực đều muốn đầu tư và thời trang cũng không phải ngoại lệ. Theo báo cáo của CNN Business, Trung Quốc đã góp vốn không nhỏ vào doanh thu của các thương hiệu như Gucci Alexander McQueen. Herrmes từng nói lợi nhuận thu được từ quốc gia tỷ dân này giúp hãng đạt lợi nhuận kỷ lục trong nửa đầu năm,... Vì những sai sót trên các thương hiệu nước ngoài sẽ gặp phải trở ngại lớn trong việc phát triển tại quốc gia Vạn lý trường thành.
The Great Show của D&G bị hủy bỏ tại Thượng Hải.
Văn hóa Trung Quốc đang ồ ạt “tấn công“ nền thời trang quốc tế với những bộ sưu tập Á - Âu kết hợp.