Hàng loạt góc tối của làng mẫu đang bị đưa ra ánh sáng

8 công ty quản lý mẫu lớn nhất thế giới bị kiện vì lạm dụng tiền, tình của người mẫu.

Hàng loạt góc tối của làng mẫu đang bị đưa ra ánh sáng - 1

Người mẫu Louisa Raske đứng đầu nhóm những chân dài khởi kiện công ty quản lý

Mới đây, làng thời trang quốc tế đã chấn động khi 8 công ty quản lý người mẫu nổi tiếng nhất thế giới bị hàng loạt người mẫu tố cáo. Trong một diễn biến mới nhất vừa được cập nhật, vào tháng 6, những công ty này sẽ phải ra trước tòa để giải trình về những rắc rối tài chính và thị phi liên quan tới hợp đồng với chân dài.

Những công ty quản lý mẫu bị gọi ra hầu tòa đều khá quen thuộc với giới thời trang, bao gồm: Wilhelmina Models. Click, Next and Major Model Management… Theo ước tính, nếu thua cuộc, hàng ngàn người mẫu sẽ được bồi thường, công ty quản lý sẽ phải trả một khoản tiền lên tới 100 triệu đô la Mỹ và buộc phải thay đổi cách làm việc của họ mãi mãi.

Khi được hỏi lý do kiện công ty quản lý, những người mẫu này đều khẳng định, họ từng bị lạm dụng tình dục, bị ép phẫu thuật thẩm mỹ, gặp vấn đề về ăn uống và bị ép sử dụng chất gây nghiện.

Bên cạnh đó, các đơn thư tố cáo cũng cho thấy, hàng ngàn đô la đã bị cắt xén khỏi hợp đồng của họ, lấy lý do trả tiền cho việc ăn ở của người mẫu, phạt người mẫu vì đi muộn, tăng cân…

Hàng loạt góc tối của làng mẫu đang bị đưa ra ánh sáng - 2

Người mẫu khẳng định, họ đang bị các công ty quản lý lạm dụng

Hàng loạt người mẫu phá vỡ “luật im lặng”

“Cú nổ” lớn này được khởi xướng bởi Louisa Raske, người bắt đầu sự nghiệp từ khi còn đi học phổ thông. Một lần, Louisa thấy ảnh của cô xuất hiện trên một biển quảng cáo mỹ phẩm cho tóc, mà Louisa thì không được trả một xu thù lao.

Khi được hỏi, hãng mẫu của cô giải thích rất vô lý rằng, họ chưa tìm gặp được Louisa để trả tiền. Louisa liên lạc với nhiều đồng nghiệp khác. Họ cũng gặp trường hợp tương tự và quyết định cùng nhau khởi kiện.

Raske chia sẻ, công ty quản lý đã lấy của cô 20% thù lao cho mỗi công việc. Họ cũng ăn thêm 20% từ phía khách hàng. Nghĩa là nếu người mẫu nhận một công việc 1.000 đô la (hơn 20 triệu đồng), cô chỉ được hưởng 800 đô la (khoảng 17 triệu đồng) còn công ty hưởng 400 đô la (khoảng 9 triệu đồng).

Tuy nhiên, sau đó, từ 800 đô la được hưởng, Raske tiếp tục bị trừ đủ mọi khoản phí. Raske ký hợp đồng với công ty Next và được công ty này sắp xếp nơi ở.

Hàng loạt góc tối của làng mẫu đang bị đưa ra ánh sáng - 3

Một buổi casting người mẫu ở Nga

Cô hồi tưởng: “Có 8 tới 10 cô gái ở chung và mỗi cô phải trả từ 1.200 tới 1.500 đô la mỗi tháng cho công ty… Trong khi đó, nơi ở chỉ có từ 1 tới 2 phòng ngủ và cả đống giường tầng. Phòng không sạch sẽ, một số cô gái còn ăn cắp vặt nữa”.

Sau khi vụ kiện được công khai và các công ty người mẫu bị yêu cầu giải trình trước tòa trong tháng nay, các người mẫu tham gia vụ kiện lập tức trở thành tâm điểm của giới truyền thông.

Trả lời phỏng vấn tờ Daily Mail, Rachel Blais cho hay, những vấn đề mà họ đối mặt không chỉ giới hạn trong những gì được nêu ở những đơn thư tố cáo.

Rachel năm nay 30 tuổi. Khi được phát hiện, cô mới 14 và ký hợp đồng làm việc với Folio, một công ty quản lý ở Canada. Cô bắt đầu được làm việc ở nhiều kinh đô thời trang như Milan, Tokyo, Paris, New York và London.

Rachel cũng nhớ về thời làm mẫu không mấy tốt đẹp: “Ở New York, chúng tôi có một căn hộ 2 giường mà có tới 11 cô gái chung sống. Tôi phải trả 2.000 đô la (hơn 40 triệu đồng) cho chỗ ở đó. Tôi đủ thông minh để hiểu là người ta đang ăn chặn tiền của mình”.

Hàng loạt góc tối của làng mẫu đang bị đưa ra ánh sáng - 4

Người mẫu Rachel Blais

Vì bị cho là thừa cân, công ty thuê huấn luyện viên riêng cho Rachel (tất nhiên với một mức phí đắt đỏ khác). Năm 19 tuổi, công ty của Rachel tiếp tục yêu cầu cô hút mỡ. Họ trả cho cô khoản phí đó và tính nợ cho cô.

Người mẫu này cũng khẳng định, cô từng thấy rất nhiều bạn bè của mình bị lạm dụng tình dục: “Tôi từng tới nhiều câu lạc bộ đêm ở New York, nơi tôi thấy các siêu mẫu đang dự tiệc cùng công ty quản lý của họ… Họ bình thường hóa việc dùng cơ thể của người mẫu để kiếm tiền”.

Chính những quản lý của người mẫu cũng đối xử với họ như một món hàng. Lorelei Shellist, nay đã bỏ nghề và trở thành một nhà thiết kế khá đồng cảm với các người mẫu trẻ.

Cô chia sẻ: “Nếu bạn dám mở miệng hỏi một câu, bạn bị coi là rắc rối và họ chỉ bạn ngay ra cửa. Tôi sống trong một căn hộ ở ngoại ô Paris. Đó là căn hộ của John Casablanca, chủ tịch công ty quản lý mẫu. Tôi thấy ông ta dắt về một cô gái Thụy Điển 15 tuổi và họ lên giường với nhau”.

Hàng loạt góc tối của làng mẫu đang bị đưa ra ánh sáng - 5

Lorelei Shellist từng chứng kiến nhiều cô gái bị quản lý quấy rối

Đại diện công ty người mẫu “phản pháo”

Ở phía bên kia, Robert Hantman, luật sư của công ty người mẫu MC2 cũng lên tiếng trả lời báo chí. Ông giải thích: “Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng cho thấy, người mẫu đã được trả tiền đúng hạn và thù lao của họ bị bớt đi là hoàn toàn vì lý do chính đáng”.

“Người mẫu không tự nhiên sinh ra. Họ phát triển và khi phát triển, họ không làm ra tiền. Các công ty người mẫu phải trả trước cho họ tiền thuê nhà, tiền chụp ảnh, chi phí đi lại, giúp họ xây dựng hình ảnh bản thân cho tới khi họ có thể tự kiếm được tiền cho bản thân!”.

Robert Hantman cũng nói thêm: “Tôi thấy vụ kiện này hoàn toàn vô nghĩa, nó thiếu tính logic. Những người kiện đang đòi hỏi một kết quả, mà có thể phá hủy cả ngành công nghiệp thời trang ở New York. Điều này thật sự rất nực cười. Tôi khẳng định, MC2 sẽ không bỏ ra một đồng nào và sẽ theo đến cùng vụ việc này!”

Hàng loạt góc tối của làng mẫu đang bị đưa ra ánh sáng - 6

Đại diện một công ty người mẫu khẳng định, họ sẽ không chi một đồng nào để bồi thường cho chân dài

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Vũ (Theo Dailymail) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN