DANH MỤC

 

"Chúng tôi đã không làm gì sai, nhưng bằng cách nào đó, chúng tôi đã thua"
Câu nói của cựu CEO Nokia Stephen Elop tại buổi họp báo tuyên bố Microsoft thâu tóm Nokia chính là lời thừa nhận đầy cay đắng về sự sụp đổ của một đế chế điện thoại vĩ đại nhất từ trước tới nay.

Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 2Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 3

Có một sự thật ít ai biết rằng Nokia có nguồn gốc là một công ty sản xuất giấy của Phần Lan được thành lập vào năm 1865 bởi Fredrik Idestam. Cái tên Nokia được bắt nguồn từ tên dòng sông Nokianvirta - nơi Fredrik Idestam đặt nhà máy sản xuất giấy thứ 2 của mình, và đổi tên công ty thành Nokia Ab vào năm 1871. 

Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 4

Cùng với việc sản xuất giấy, Nokia Ab cũng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất máy phát điện, và tới năm 1918 bị thâu tóm bởi Finnish Rubber Works (một công ty cao su). Cuối cùng là bị Finnish Cable Works (một công ty sản xuất cáp) thu mua và thành lập Nokia Corporation vào năm 1922. 

Nokia Corporation là một tập đoàn bao gồm 4 lĩnh vực chính là: giấy, điện, cao su và dây cáp. Sau đó, nó còn mở rộng thêm các lĩnh vực giấy vệ sinh, xe đạp, lốp ô tô, cáp viễn thông, tự động hóa,...

Năm 1979, Nokia tham gia vào một liên doanh với Salora - một nhà sản xuất tivi màu của Scandinavi - để thành lập Mobira Oy. Cùng thời gian này, Nokia cũng triển khai mạng di động quốc tế đầu tiên thế giới, được đặt tên là Nordic Mobile Telephone network, nối giữa Thụy Điển, Đan Mạch, Nauy và Phần Lan. Mobira Oy sau đó đã trình làng chiếc Mobira Senator - chiếc điện thoại trên ô tô đầu tiên trên thế giới, với khối lượng 10kg

  

  

Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 6

Năm 1987, Nokia tiếp tục đưa tới thị trường chiếc Mobira Cityman 900 - chiếc điện thoại cầm tay đầu tiên trên thế giới. Với khối lượng khoảng 800gram và mức giá bán của nó là 5456 USD nhưng vẫn "cháy hàng". Chiếc điện thoại này cũng được gọi là chiếc "The Gorba" - theo tên của Cựu Tổng thống Liên Xô khi ấy là Mikhail Gorbachev - sau khi ông này dùng Mobira Cityman 900 để thực hiện cuộc gọi từ Helsinki về Moscow vào tháng 10/1987. 

Tuy nhiên, khoảng thời gian sau đó là thời điểm khủng hoảng của Nokia Coporation khi có sự xuất hiện của nhiều đối thủ. Tình hình khó khăn được cho là nguyên nhân khiến chủ tịch Nokia khi đó là Kari Kairamo phải tự sát. Giới lãnh đạo mới của Nokia vào những năm 1990 đã thực hiện một cuộc thay đổi khi thoái vốn và bán lại hàng loạt các lĩnh vực khác của tập đoàn, và chỉ tập trung duy nhất vào mảng viễn thông. 

Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 7

Năm 1991, cuộc gọi bằng sóng điện thoại di động đầu tiên thế giới đã được thực hiện bởi Thủ tướng Phần Lan khi đó, với các thiết bị do Nokia cung cấp. Và vào năm 1992, Nokia 1011 trình làng, đây là chiếc điện thoại di động đầu tiên thế giới. Chiếc điện thoại có thể đàm thoại 90 phút liên tiếp, và có khả năng lưu trữ 99 số điện thoại trong danh bạ. 

Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 8Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 9

Năm 1994, Nokia 2100 trình làng với âm thanh "Nokia Tune" đã trở thành huyền thoại và được duy trì qua nhiều thế hệ. Cùng thử nghe âm thanh nhạc chuông Nokia đã thay đổi như thế nào qua các thế hệ ở video dưới đây từ kênh Youtube Abhijit Nair's Channel:

Mặc dù trong kế hoạch Nokia dự kiến bán được 400.000 chiếc Nokia 2100 nhưng trên thực tế, nó đã bán được hơn 20 triệu chiếc trên toàn cầu - vượt sức tưởng tượng của giới lãnh đạo của Nokia. Cũng trong năm này, thị trường của Nokia đã vươn ra hơn 100 quốc gia khác nhau với các chi nhánh đặt tại hơn 20 quốc gia. Nokia tiếp tục trình làng hàng chục sản phẩm mới, và tới năm 1995, điện thoại Nokia đã có mặt ở trên 120 quốc gia, và trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới (sau Motorola) với 20% thị phần toàn cầu. 

Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 10

Năm 1996, Nokia trình làng Nokia 9000 - chiếc "điện thoại tất cả trong một" đầu tiên trên thế giới với các chức năng gửi email, fax, truy cập web. Tuy không thành công về mặt thương mại nhưng Nokia 9000 đã mở ra xu hướng phát triển điện thoại di động mới với vai trò là một thiết bị đa nhiệm. Cùng năm này, Nokia cũng giới thiệu tổng cộng 14  mẫu điện thoại khác nhau, trong đó phải kể tới chiếc điện thoại màn hình trượt Nokia 8110 - chiếc điện thoại xuất hiện trong phim hành động nổi tiếng The Matrix. 

Năm 1997 - 1998 Nokia tích cực trong việc cho ra mắt sản phẩm mới, phủ khắp các phân khúc điện thoại di động và có nhiều sản phẩm tính năng thú vị, đơn cử như Nokia 6100 - chiếc điện thoại đầu tiên được tích hợp sẵn game Snake huyền thoại một thời. Với những hoạt động tích cực và chiến lược đúng đắn, Nokia đã bán được 21,3 triệu chiếc điện thoại vào năm 1997 và con số đó là 40,8 triệu chiếc vào năm 1998. Đây cũng là năm đầu tiên Nokia vượt Motorola trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới. 

Sau khi chiếm vị trí số 1 thế giới, Nokia không ngừng mở rộng sản phẩm ở tất cả các ngách thị trường khác nhau với số sản phẩm trình làng mới mỗi năm lên tới vài chục sản phẩm. Cùng với sự ra mắt của mạng di động 3G, các sản phẩm của Nokia ngày càng thú vị về mặt thiết kế, đa nhiệm về mặt tính năng.

Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 11
Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 12
Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 13
Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 14
Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 15
Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 16

Không chỉ đa dạng hóa sản phẩm ở tất cả các phân khúc Nokia còn chú trọng chế độ hậu mãi với việc mở trung tâm bảo hành trên rộng khắp ở hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Hãng cũng chú trọng tới nghiên cứu và phát triển khi dành khoản chi không hề nhỏ cho R&D hàng năm (khoảng 10% lợi nhuận sau thuế).

Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 17

Kết quả là từ năm 1999 - 2008 Nokia liên tiếp đứng vị trí số 1 trong thị trường điện thoại di động toàn cầu, với thị phần giữ vững ở mức 35 - 40%. Để so sánh, thị phần của Samsung - nhà sản xuất di động lớn nhất thế giới hiện nay - chỉ ở mức 20%. Sự phổ biến Nokia thể hiện ở chỗ những năm 1990s - 2000s nếu như đi mua điện thoại người ta sẽ nói đi "mua Nokia", giống như đi mua xe máy mà nói là "mua Honda" vậy.

Những năm 2000s cũng là năm "mật ngọt" với nhân viên của Nokia khi được hưởng những đặc quyền nằm trong mơ. Theo các thông tin truyền lại, nhân viên Nokia dù là ở cấp nhỏ nhất khi đi công tác cũng được di chuyển bằng ghế bay hạng thương gia, ở khách sạn 5 sao và di chuyển bằng xe hạng sang. 

Tưởng chừng đế chế Nokia đã vĩ đại tới mức không thể công phá nhưng những dấu hiệu đổ vỡ lại bắt nguồn ngay khi hãng ở đỉnh cao. 

Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 18Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 19

Thuyết Thiên Nga Đen là một trong những học thuyết nổi tiếng được Nassim Nicholas Taleb đưa ra vào năm 2007, và thật trùng hợp đây cũng là thời điểm mà những "rủi ro lặng lẽ" bắt đầu đến với Nokia. 

Năm 2001, chỉ 2 năm sau khi Nokia trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới thì thị trường di động toàn cầu rơi vào một cú sốc ngắn hạn, khiến tổng doanh số thiết bị được bán ra trong năm này chỉ còn 399.6 triệu chiếc giảm 3,2% so với 405 triệu chiếc vào năm 2000. Mặc dù doanh số Nokia vẫn đạt 140 triệu chiếc, tăng nhẹ so với năm trước đó, nhưng những năm sau đó Nokia lại bị co lại về thị phần xuống chỉ còn khoảng  35% vào năm 2003-2005 (trước đó là trên 38%) khi mà trên thị trường xuất hiện các đối thủ nặng ký.

Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 20

Ngày 9/1/2007 Steve Jobs đã giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên và mở ra một thời kỳ phát triển hoàn toàn mới cho điện thoại di động - smartphone. Đáp lại động thái này, giám đốc truyền thông của Nokia bấy giờ là Anssi Vanjoki cho biết "Đó (iPhone) là một sản phẩm thú vị nhưng thiếu một vài tính năng cần thiết, như là 3G, thứ giúp mang tới tốc độ kết nối nhanh". Ông cũng đánh giá mục tiêu bán 10 triệu chiếc iPhone của Apple trong năm 2008 là "con số nhỏ", đồng thời nhận định sự xuất hiện của iPhone chỉ làm thị trường điện thoại thêm sôi động, và khẳng định định hướng phát triển của điện thoại Nokia theo hướng đa chức năng là đúng đắn. Trước đó, Nokia đã giới thiệu dòng Nokia 5300 Xpress Music - chiếc điện thoại nắp trượt được thiết kế chuyên cho tính năng nghe nhạc của người sử dụng. 

Hãng sau đó cũng cho ra mắt chiếc 5800 Xpress Music - chiếc điện thoại Nokia màn hình cảm ứng đầu tiên, chạy trên hệ điều hành Symbian v9.4. Chiếc điện thoại này nhanh chóng có được thành công khi bán được khoảng 8 triệu chiếc trên toàn thế giới. Tuy vậy 5800 Xpress Music bị đánh giá là cảm ứng không tốt, vì tính năng này chỉ là...phụ! Có thể thấy Nokia ở thời điểm ấy đã đánh giá thấp về tầm quan trọng của phần mềm đồng thời quá tự tin về phần cứng cũng như vị thế của mình - điều khiến hãng sau này phải trả giá đắt. 

Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 21

Cũng trong năm 2007, Nokia đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn khi phải thu hồi 46 triệu viên pin BL-5C bị lỗi. Không chỉ thế, số pin lỗi này cũng đã được sử dụng trên 30 loại điện thoại khác nhau do Nokia sản xuất trong giai đoạn từ tháng 12/2005 - 11/2006, tuy nhiên Nokia cho biết đây chỉ là "vấn đề nhỏ" và đưa danh sách các thiết bị bị ảnh hưởng lên website của mình.

Nokia không phải là hãng keo kiệt cho R&D, tuy nhiên hầu hết các nghiên cứu của Nokia không mang tính ứng dụng cao và đặc biệt là hãng không coi trọng phát triển phần mềm mà chỉ đầu tư cho phần cứng. Điều này dẫn đến hệ quả là khi hệ điều hành Android 1.0 được Google giới thiệu chỉ 1 năm sau khi iPhone xuất hiện thì Nokia vẫn trung thành với Symbian cổ lỗ sĩ. Cũng năm 2008 này, Apple giới thiệu iPhone thế hệ 2 - iPhone 3G và nhanh chóng đạt doanh số 1 triệu sản phẩm trong 1 tuần sau khi bán ra. Với những chiến lược marketing tích cực và chu kỳ cập nhật sản phẩm mới hàng năm, Apple cùng với iPhone đã trở thành "nhạc trưởng" mới cho thị trường điện thoại di động toàn cầu. Cùng với đó, các điện thoại Android mà đứng đầu là Samsung đã nhanh chóng càn quét tất cả các phân khúc thị trường với đa dạng các dòng sản phẩm, mẫu mã và tính năng.  

Kết quả là mặc dù Nokia đạt kỷ lục doanh số vào năm 2008 với 468,4 thiết bị được bán ra trong năm nhưng ngay trong quý 3/2008, doanh số bán ra của hãng đã giảm 3,1% trong khi doanh số của iPhone khi đó tăng kỷ lục - tới 330%. Tiếp theo đó, doanh số điện thoại Nokia bán ra tiếp tục giảm tới 90% trong quý I/2009, tuy nhiên các nhà lãnh đạo Nokia bấy giờ vẫn cho rằng mức giảm sút là do khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến người dân thắt chặt chi tiêu, và bản thân hãng vẫn lạc quan vào tăng trưởng trong tương lai. Sau đó hãng phải cắt giảm 1700 nhân viên trên toàn cầu. 

Quý IV/2009, thị phần của Nokia chỉ còn 28,2% với 117 triệu máy bán ra. Còn Samsung đã bán được 71 triệu và Apple là 13,4 triệu máy. Khi thị phần giảm đáy sau một thập kỷ và không có dấu hiệu ngừng thì lúc bấy giờ ban lãnh đạo Nokia mới quyết định đưa tới "cơn gió mới" cho Nokia bằng cách bổ nhiệm Stephen Elop làm CEO vào tháng 10/2010. 
 

Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 22

Stephen Elop không chỉ là CEO Nokia đầu tiên không phải là người Phần Lan mà ông còn là cựu giám đốc kinh doanh của Microsoft. Với hiểu biết sâu rộng về thị trường cũng như phần mềm, lãnh đạo Nokia tin tưởng Stephen Elop sẽ giúp Nokia vượt qua khó khăn. Nhưng, ngay trong bức thư dài 1300 từ gứi tới nhân viên vào đầu năm 2011, Stephen Elop đã mô tả tình trạng Nokia như đang ngồi trên một nền tảng đang cháy, và họ chỉ có thể lựa chọn giữa bị thiêu tới chết hoặc nhảy xuống bơi trong làn nước lạnh.

Nokia sau đó đã chọn "bơi" tiếp bằng cách bắt tay với Microsoft để sử dụng Windows Phone thành nền tảng chủ yếu của các smartphone Nokia. Dẫu vậy chính việc chọn bắt tay với Microsoft chứ không phải với Google (hệ điều hành Android) đã khiến Stephen Elop bị nhiều người chỉ trích là "Con ngựa thành Troy" hay "gián điệp của Microsoft cài vào Nokia".

Thành quả đầu tiên của sự hợp tác này là sự ra mắt của bộ đôi Lumia 800 và Lumia 710. Sau đó, vào năm 2012, hàng chục chiếc Nokia Lumia chạy Windows Phone đã được nhà sản xuất Phần Lan đưa tới thị trường. Trong đó đáng chú ý là flagship Lumia 920 thậm chí đã đứng số 1 về doanh số trên Amazon trong tuần đầu sau khi ra mắt tại Mỹ. Nhưng, với kích thước cồng kềnh, giao diện không thực sự dễ sử dụng và ít các tùy chọn ứng dụng từ bên thứ 3 khiến người dùng đại trà không mấy mặn mà với những chiếc Lumia nói riêng và Windows Phone nói chung.  

Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 23
Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 24
Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 25

Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 26

Sự thất bại của Lumia với hệ điều hành Windows Phone chính là đòn chí tử tới Nokia. Doanh số tụt dốc kéo theo thị phần của Nokia giảm sút nghiêm trọng trong bối cảnh các smartphone của Apple và Android bán "đắt như tôm tươi". Năm 2012, Samsung lần đầu vượt qua Nokia để trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới với thị phần 22% và tiếp tục giữ vững vị thế nhiều năm sau đó.

Cùng với doanh số giảm sút, Nokia rơi vào tình trạng nợ nần. Tính đến quý I/2012, lỗ lũy kế của Nokia lên tới 1,3 tỷ USD, hãng đã phải sa thải 10.000 nhân viên trên toàn cầu và phải đóng cửa nhà máy lâu đời nhất của mình tại Phần Lan và chuyển toàn bộ sản xuất sang châu Á. 

Sự trỗi dậy và sụp đổ của "đế chế" NOKIA - 27

Năm 2013, tình hình kinh doanh có chút khởi sắc nhưng vẫn không thể bù lại thua lỗ. Kết quả là vào tháng 9/2013, Nokia đã phải bán lại mảng Thiết bị và Dịch vụ của mình cho Microsoft với giá 7,17 tỷ USD đặt dấu chấm hết cho thương hiệu với lịch sử 148 năm. 

Sự sụp đổ của Nokia không chỉ gây bàng hoàng cho toàn thế giới mà ngay cả những người trong cuộc cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Hình ảnh CEO Nokia bật khóc trong buổi họp báo bán lại cho Microsoft đã cho thấy sự bất lực của "cựu vương" trước sự phát triển chóng mặt của các nhà sản xuất mới nổi.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại "giá như" những nhà hoạch định chính sách của Nokia có tầm nhìn chiến lược đúng và xa hơn - thì với tiềm lực của mình chắc chắn các nhân tố mới cũng không dễ dàng vượt mặt được họ. Dẫu vậy, nó chỉ gọi gọn trong từ "giá như" vì sự thật, ĐỄ CHẾ NOKIA ĐÃ SỤP ĐỔ. 

Sự kiện: Điện thoại Nokia
Chủ Nhật, ngày 27/03/2022 19:00 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Mộc Lam ([Tên nguồn])