DANH MỤC

Ngày 25/10/2020, truyền thông toàn thế giới đồng loạt đưa tin về sự ra đi của chủ tịch Lee Kun-Hee - người đã đưa Samsung từ một thương hiệu gắn liền với các sản phẩm giá rẻ chất lượng tầm thường, trở thành một ông lớn trong làng công nghệ thế giới, thống trị thị trường điện thoại, tivi, chip nhớ,...và hàng loạt các lĩnh vực khác nhau. 

Bỏ qua những ồn ào về chính trị, đời tư, Lee Kun-Hee thực sự là một doanh nhân huyền thoại và là một lãnh đạo cấp tiến trong xã hội Hàn Quốc từng cổ hủ. Trong những ngày này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về vị doanh nhân từng được coi là "thánh sống" của Samsung.

Cố chủ tịch Samsung: "Thay đổi tất cả, trừ vợ con" - 3Cố chủ tịch Samsung: "Thay đổi tất cả, trừ vợ con" - 4

Lịch sử của Samsung bắt đầu từ năm 1938 từ một cửa hàng kinh doanh rau củ, hoa quả và cá khô, đây chính là khởi nguồn của cái tên Samsung (trong tiếng Hàn, Samsung có nghĩa là "ba ngôi sao"). Người sáng lập là ông Lee Byung-Chul, người có 3 con trai và 5 người con gái, trong đó ông Lee Kun-Hee là con trai út.

Cố chủ tịch Samsung: "Thay đổi tất cả, trừ vợ con" - 5

Lee Kun-Hee sinh ngày 9/1/1942, tới năm 11 tuổi ngay sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, ông được gửi tới Nhật để học tập. Việc sớm tiếp xúc với văn hóa và tinh thần Nhật Bản đã quyết định nhiều tới tư tưởng của Lee Kun-Hee sau này. Ông tốt nghiệp nghành kinh tế tại Đại học Waseda (Nhật Bản), sau đó ông cũng theo học quản lý kinh doanh tại Đại học George Washington (Mỹ) nhưng không nhận bằng tốt nghiệp.

Với ngoại hình thấp và hơi mập cùng giọng nói nhỏ nhẹ nên Lee Kun-Hee không thực sự nổi bật nhưng bên trong ông lại là một con người hoàn toàn khác. "Lee thuộc tuýp người đặc biệt cẩn trọng, cảnh giác và vô cùng quyết đoán," - trích lời Geoffrey Cain, người chắp bút cho một cuốn sách của Samsung. Chủ tịch Lee cũng được biết tới là một người lịch sự và nhã nhặn, ông cũng ít tiếp xúc với truyền thông.

Cố chủ tịch Samsung: "Thay đổi tất cả, trừ vợ con" - 6

Chính cha ông - Lee Byung-Chul - đã dọn đường để Lee Kun-Hee trở thành chủ tịch thế hệ thứ hai của Samsung. Đây là một quyết định táo bạo và gây bất ngờ bởi thời điểm đó, truyền thống "truyền ngôi cho con trai cả" là thông lệ vốn có tại một quốc gia châu Á bị ảnh hưởng bởi Nho giáo.

Năm 1987, Lee Kun-Hee nhậm chức chủ tịch Samsung sau khi cha ông qua đời. Ông đã bắt đầu một cuộc "lọc máu" về cả nhân sự và định hướng phát triển. Kết quả là ông đã đưa Samsung từ một công ty gắn liền với các sản phẩm giá rẻ, đứng trước nguy cơ sụp đổ dưới sự hội nập quốc tế, trở thành một Cheabol chiếm 1/5 GDP của Hàn Quốc, và luôn trong top những thương hiệu uy tín toàn cầu suốt từ năm 2012 tới nay.

Theo Hãng thông tấn Yonhap, thời điểm ông Lee tiếp quản tập đoàn, với tổng tài sản vào thời điểm đó là 8 ngàn tỉ won. Con số này hiện đã tăng lên hơn 400 ngàn tỉ won.

Năm 2014, ông xếp hạng 35 trong số những người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, và là người quyền lực nhất Hàn Quốc theo Tạp chí Forbes.

Cố chủ tịch Samsung: "Thay đổi tất cả, trừ vợ con" - 7Cố chủ tịch Samsung: "Thay đổi tất cả, trừ vợ con" - 8

Nguyên tắc "7 đến 4" và 5%

Khi mới tiếp quản Samsung, Lee Kun-Hee đã quyết định thay đổi giờ làm việc của Samsung từ 9 giờ đến 18 giờ hàng ngày, sang 7 giờ đến 16 giờ hàng ngày. 

Nguyên nhân của việc này là ông muốn nhân viên của mình có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Cuộc sống có hạnh phúc, vui vẻ thì công việc mới thuận lợi, và khoảng thời gian sau 4 giờ là để nhân viên có thể thoải mái dành thời gian cho gia đình cũng như các hoạt động xã hội khác. 

Quyết định ban đầu có gây ra những phản đối cũng như xáo trộn, tuy nhiên sau đó được nhiều người ủng hộ. 

Bên cạnh thay đổi giờ làm, ông Lee Kun-Hee cũng có sự quyết liệt trong việc quản trị nhân sự. Ông dự tính sa thải 5-10% nhân viên không thể thay đổi, giảm bớt việc của 25-30% nhân viên thay đổi kém, và chỉ 5-10% nhân viên thay đổi vượt bậc được trở thành những thành viên nòng cốt của đội ngũ nhân sự mới của Samsung".
 

Cố chủ tịch Samsung: "Thay đổi tất cả, trừ vợ con" - 9

Tuy nhiên sau đó, các nhân viên của Samsung bắt đầu rơi vào tình trạng tự mãn, và một cuộc "lọc máu" được diễn ra. 

"Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ con của bạn" 

Những năm 80, Samsung rơi vào tình trạng trì trệ nghiêm trọng, và Samsung đứng trước lựa chọn thay đổi hoặc là phá sản. Khi đó, với thị trường châu Âu, Samsung ít được biết tới và gắn liền với thương hiệu tivi và lò vi sóng giá rẻ, chất lượng kém. 

Năm 1993, ông Lee Kun-Hee cùng các lãnh đạo cao cấp tới châu Âu và Mỹ để nghiên cứu vì sao Samsung lại yếu kém như thế. Tại siêu thị Best Buy ở Mỹ, chính tay ông đã quệt lên lớp bụi phủ mờ chiếc tivi Samsung trên kệ vì tồn kho đã lâu, và chỉ cho các thành viên lãnh đạo cao cấp thực tế là như thế nào. 

Tại Frankfurt - Đức, ông đã hết sức tức giận với một văn phòng hàng trăm người làm việc uể oải cùng một dây chuyền kiểm tra sản phẩm đắt tiền bị phủ bụi không ai thèm động tay. 

Ngay lập tức, ông đã triệu hồi cuộc hợp với hàng trăm lãnh đạo cao cấp trong 3 ngày liên tục. Mỗi cuộc hợp kéo dài tới 10 tiếng đồng hồ và nhiều lãnh đạo cho biết họ đã nhịn không uống nước để tránh đi vệ sinh làm gián đoạn cuộc họp.

Cố chủ tịch Samsung: "Thay đổi tất cả, trừ vợ con" - 10

Cuộc họp này về sau được nhắc với cái tên "Tuyên ngôn Frankfurt" và nổi tiếng với câu nói bất hủ của chủ tịch Lee Kun-Hee "Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ và con bạn" cùng triết lý kinh doanh thương hiệu "Sáng kiến Quản lý mới" - nhấn mạnh tới sự cần thiết của đổi mới trong tư duy cũng như cung cách làm việc. 

Triết lý thay đổi được chủ tịch Lee củng cố vào năm 2006, khi ông công bố "Sáng kiến ​​Quản lý Mach", so sánh Samsung với một chiếc máy bay không chỉ phải thay đổi động cơ mà còn tất cả các vật liệu và hệ thống để có thể bay nhanh hơn tốc độ âm thanh. "Samsung cũng phải thay đổi cấu trúc và cốt lõi bên trong của mình để đưa tập đoàn lên vũ đài thế giới" - ông Lee nói.

"Cuốn sách bí kíp của Samsung"

Cố chủ tịch Samsung: "Thay đổi tất cả, trừ vợ con" - 11

Sau "Tuyên ngôn Frankfurt", chủ tịch Lee đã dành 2 tháng đi tới tất cả các chi nhánh của Samsung trên thế giới để truyền tải khát vọng thay đổi của tập đoàn. Tuy nhiên, ông không thể gặp mặt từng nhân viên, chính vì thế một đội ngũ gồm 40 người tốc ký giỏi nhất Hàn Quốc đã được lệnh ghi lại đường lối đổi mới của Samsung. Và 8500 văn bản đã được chia sẻ tới từng nhân viên của Samsung cho tới tận ngày nay. 

Tuy nhiên, do nội dung của nó có quá nhiều học thuật, nên bộ phận thư ký đã chuyển đổi nó thành truyện tranh để có thể giúp những người lao động chân tay đơn giản cũng có thể hiểu được nội dung. 

Kể từ đó, mỗi nhân viên Samsung luôn được đào tạo để hiểu rằng không được tự mãn và luôn khát khao đạt tới chất lượng sản phẩm cao nhất để chinh phục quốc tế.

Chất lượng là ưu tiên số 1 chứ không phải doanh số

Cố chủ tịch Samsung: "Thay đổi tất cả, trừ vợ con" - 12

Những năm 90, với châu Âu, Samsung là cái tên gắn liền với giá rẻ và chất lượng thấp. Và ông Lee Kun-Hee quyết tâm thay đổi cách nhìn của người tiêu dùng bằng hàng loạt các thay đổi trong quản trị lẫn sản xuất.

Một sự kiện trở thành huyền thoại minh chứng cho quyết tâm của chủ tịch Lee là vào năm 1995, trong chuyến thị sát tới nhà máy sản xuất tại Gumi - Hàn Quốc. Trước đó, ông đã vô cùng tức giận khi xem một đoạn băng ghi hình các công nhân đang tự tay sửa lại vỏ máy giặt bị lỗi bằng cách dùng dao cắt bỏ các cạnh.. Khi được biết một lô điện thoại bị lỗi tại Gumi, ông đã tập trung hơn 2000 công nhân viên, mỗi người đều đeo một dải băng ghi "Chất lượng là trên hết", và chủ tịch Lee cùng các lãnh đạo cấp cao ngồi dưới một băng rôn ghi  "Chất lượng là niềm tự hào của chúng tôi". Tất cả ngồi và chứng kiến việc toàn bộ điện thoại, máy fax và các sản phẩm tồn kho bị lỗi trị giá 50 triệu USD bị nghiền nát và bốc cháy. 

Nhiều nhân viên đã bật khóc.

Coi trọng nhân tài và sáng tạo

Cố chủ tịch Samsung: "Thay đổi tất cả, trừ vợ con" - 13

Ngay từ khi tiếp quản Samsung, chủ tịch Lee đã đề cao vai trò của sự sáng tạo và đổi mới công nghệ.

"Chúng tôi đang ở trong một quá trình chuyển đổi rất quan trọng", ông Lee cho biết ngay sau khi nhận vai trò chủ tịch Samsung, trong một cuộc phỏng vấn với Forbes. "Nếu chúng tôi không chuyển sang các ngành sử dụng nhiều vốn và công nghệ hơn, thì sự sống còn của chúng tôi có thể bị đe dọa", ông nói.

Samsung suốt nhiều năm liền là công ty chi nhiều nhất cho các hoạt động R&D. Số liệu từ EU Industrial R&D Investment Scoreboard thì năm 2019, Samsung đã chi 16.4 tỷ USD cho các hoạt động R&D, tăng 9.8%.

Cùng với sự sáng tạo, thì nhân tài cũng là yếu tố mà chủ tịch Lee rất coi trọng. Cùng với việc nâng cao vị thế của tập đoàn, thì việc đưa ra những phúc lợi tốt cho nhân viên là yếu tố thu hút nhân tài mà Samsung đưa ra. 

Cố chủ tịch Samsung: "Thay đổi tất cả, trừ vợ con" - 14Cố chủ tịch Samsung: "Thay đổi tất cả, trừ vợ con" - 15

Tivi Samsung

Samsung bắt đầu sản xuất tivi từ năm 1970 với chiếc tivi đen trắng 12 inch, sau đó hãng cũng chuyển sang sản xuất tivi màu. Các sản phẩm tivi Samsung được thị trường đón nhận, tuy nhiên chủ yếu là tại Hàn Quốc. Trên thị trường thế giới, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ thì tivi Samsung gắn liền với sản phẩm giá rẻ, chất lượng hạng hai. 

Sau khi nhậm chức năm 1987, Lee Kun-Hee hướng Samsung tới các sản phẩm công nghệ tiên tiến với định vị hạng sang, và tivi cũng không phải là ngoại lệ của sự tác động. 

Nếu như trước đó Samsung có "mơ" cũng không nghĩ tới có ngày hãng vượt qua Sony của Nhật Bản để dành vị trí số 1 về tivi thế giới. Cho tới hết năm 2019, Samsung đã đứng đầu thị trường tivi toàn cầu trong 14 năm liên tiếp.

Không chỉ vậy, ở phân khúc tivi cao cấp, hãng cũng vượt qua Sony, chiếm 52.4% phân khúc thị trường này. 

Samsung cũng là hãng đi đầu trong các công nghệ mới trên tivi như màn hình QLED, tivi 4K, tivi 8K...

Điện thoại Samsung

Tham gia vào thị trường sản xuất điện thoại từ năm 1986, tuy nhiên những chiếc điện thoại Samsung đầu tiên không được lòng người sử dụng. Khi đó, điện thoại phím bấm từ Nokia, Blackberry, Sony Ericson,...vẫn là các ông lớn trên thị trường. 

Với những quyết tâm đổi mới từ năm 1993, Samsung cũng đã đưa ra nhiều cải tiến đối với điện thoại của mình và những chiếc điện thoại Samsung dần trở thành sản phẩm được ưa chuộng. Đơn cử chiếc Samsung E110 được ra mắt vào năm 2009, tới năm 2012 khi nó khai tử, doanh số của dòng điện thoại này là 150 triệu chiếc - nó đồng thời xếp thứ 8 trong số các điện thoại di động bán chạy nhất mọi thời đại. 

Samsung còn là hãng có sự nhanh nhạy trong sự đổi mới, ngay từ khi Apple tung ra chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007, Samsung cũng đa dạng hóa các sản phẩm của mình, và đưa tới thị trường những chiếc smartphone vừa có thiết kế đẹp, mức giá lại dễ chịu hơn iPhone. Kết quả là từ năm 2012, Samsung vượt qua Nokia trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới, và nằm ở vị trí số 1 từ đó cho tới nay, và có thể là nhiều năm nữa. 

Không chỉ chinh phục người dùng bởi chất lượng và mức giá dễ chịu, Samsung còn là hãng đi đầu trong những khám phá công nghệ trên điện thoại. Đơn cử, mặc dù không là nhà sản xuất đầu tiên đưa smartphone tới thị trường, nhưng Samsung là người tiên phong phát triển điện thoại thông minh với chiếc điện thoại trên PDA vào năm 2011 mang tên SPH-i300. Hãng cũng là nhà sản xuất đầu tiên đưa ra ý tưởng về smartwatch với một chiếc đồng hồ Samsung SPH-WP10 có thiết kế một điện thoại nằm trên một chiếc đồng hồ. 

Ngày nay, hãng cũng đi đầu trong các công nghệ máy ảnh trên điện thoại, công nghệ màn hình cong, màn hình cảm ứng có thể gập,...

Linh kiện, phụ kiện

Cùng với các sản phẩm hoàn chỉnh, Samsung cũng tích cực trong các nghành công nghiệp phụ trợ, và hãng hiện đứng đầu trên hàng loạt các thị trường cung cấp linh phụ kiện điện tử như: chip nhớ, màn hình OLED, tấm nền màn hình smartphone,... Hãng cũng liên tục có những thắng lợi trong các thị trường như thị trường chip xử lý, cảm biến ảnh...

Đương nhiên, trong thời đại của Lee Kun-Hee, Samsung cũng có không ít những nốt trầm với sự thất bại trong vụ đầu tư vào nghành ô tô, hay sự kiện Galaxy Note 7,...nhưng hơn hết cả, những di sản của ông để lại cho Samsung và cả nền kinh tế của Hàn Quốc (thậm chí là của Việt Nam) là trường tồn. 

Cố chủ tịch Samsung: "Thay đổi tất cả, trừ vợ con" - 18

Mộc Lam

Sự kiện: Samsung
Thứ Ba, ngày 27/10/2020 19:00 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Mộc Lam ([Tên nguồn])