Dương Thúy Vi: Tiểu thư nhà giàu “nghiện” võ

Sự kiện: Asiad 2023

Nụ cười hạnh phúc trên gương mặt bà Nguyễn Thị Hoa (mẹ nữ võ sĩ wushu Dương Thúy Vi – người giành tấm HCV đầu tiên cho TTVN tại ASIAD 2014) chợt đến rồi lại vụt biến mất rất nhanh để nhường chỗ cho nét suy tư khi tâm sự cùng chúng tôi: “Nhà tôi giờ chẳng thiếu thốn gì nhưng con gái cứ biền biệt đi tập huấn, thi đấu, thử hỏi không lo, buồn sao được? Dù gì, con gái cũng có thì…”.

Nhớ ngược về quá khứ cách đây hơn hai chục năm, khi mang bầu Thúy Vi, bà Hoa trải lòng: “Hồi đó, vợ chồng tôi còn khó khăn lắm. Sinh Vi ra nhìn con chỉ nặng có 2,3kg mà không cầm nổi nước mắt vì thương. Nhưng ơn trời, Vi nhỏ nhưng không bị còi xương. Về nhà khoảng 1-2 tuần đã có thể ngóc đầu dậy, ai bế cũng theo, dễ nuôi và ngoan lắm!”.

Nhiều người chỉ biết tới những tấm huy chương SEA Games, châu lục, thế giới, chứ chắc chẳng ai để ý tới việc Thúy Vi từng khẳng định được tài năng kiếm thuật của mình ngay trên núi Võ Đang (cùng với Thiếu Lâm được coi là Thái Sơn-Bắc Đẩu của võ thuật Trung Quốc).

Dương Thúy Vi: Tiểu thư nhà giàu “nghiện” võ - 1

Gia đình Thúy Vi tự hào về em

Thân nữ nhi mang trọng trách

Lớn lên, Vi vẫn rất nhỏ, gầy guộc so với bạn bè cùng tuổi và năm lên 7, bố mẹ cho cô đi tập võ đơn giản chỉ với mục đích cải thiện sức khỏe, chứ chẳng bao giờ nghĩ tới ngày con mình lại đi theo nghiệp võ – truyền thống của gia đình. Ngồi kế bên vợ, ông Dương Văn Thắng kể:

“Trong suy nghĩ của tôi vẫn luôn xuất hiện hình ảnh ông ngoại mình (cụ Nguyễn Tĩnh) dạy võ quanh năm cho các môn sinh, con cháu thân quen ở quê nhà, nay là thị trấn Xốm – Hà Đông, Hà Nội. Sau này, bên họ ngoại nhà tôi không còn ai theo nghiệp võ, chỉ có tôi tiếp tục tập Thiếu Lâm Mai hoa quyền.

Đã có lúc, tưởng như nghiệp võ của dòng họ với sứ mệnh góp phần bảo lưu võ thuật cổ truyền Việt Nam sẽ không có người nối dõi. Nhưng như một sự sắp đặt của số phận, Thúy Vi đã tới với gia đình chúng tôi và giờ đây, có lẽ trọng trách này sẽ lại phải đặt lên vai cháu”.

Không nói ra, nhưng có lẽ chính từ “cái gốc” sâu xa đó đã giúp bà Hoa (quê gốc ở Quốc Tử Giám – Hà Nội, từng là môn sinh Vịnh Xuân Quyền), ông Thắng chấp nhận nuốt nước mắt vào trong, cho cô con gái rượu thỏa chí đam mê nghiệp võ vốn đầy chông gai, nhọc nhằn, bất trắc:

“Trước thềm SEA Games 2013, Vi bị chấn thương còn không cúi nổi người, đi lại khó khăn. Đi gặp bác sĩ thể thao chữa mãi vẫn không khỏi nhưng may là “ngón nghề” gia truyền của tôi lại phát huy tác dụng. Chính tay tôi đã bấm huyệt cho con để cháu có thể lên đường tới Myanmar với thể trạng tốt nhất, giành HCV “mở hàng” cho TTVN cách đây gần 1 năm”.

Theo ông Thắng, tới ASIAD 2014, Vi tới Hàn Quốc với thể chất hoàn toàn khỏe mạnh. Những chấn thương gối, đùi, cột sống… tạm thời “ngủ yên” và Vi đã thể hiện rất tốt bài thi kiếm thuật – thương thuật, giành tấm HCV đầu tiên cho đoàn TTVN.

Mê võ quên cả...chuyện yêu

Đến giờ, ít ai biết ngoài “kiếm pháp” thượng thừa đã được định danh với những tấm HCV châu lục, thế giới ở mọi cấp độ, Thúy Vi còn có “nội công” khá thâm hậu được rèn luyện từ nhỏ: “Nhiều năm qua, gia đình tôi mưu sinh bằng nghề đá phong thủy. Linh khí của đá có thể giúp người luyện võ có được cái tâm thư thái, điều hòa kinh mạch, hô hấp…

Là người từng luyện võ nên tôi có thể khẳng định nội công là có thật chứ không phải cái gì đó mông lung, ảo tưởng. Để tích lũy được nội công cần có quá trình tập luyện gian nan, bền bỉ, chủ yếu là ngồi thiền. Khi đủ hỏa hầu, thì có thể dùng nội công của mình trị thương cho người khác bằng các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt.

Ngoài ra, cũng có thể tự điều trị chấn thương cho chính mình” - ông Thắng chia sẻ, đồng thời thị phạm ngay cho người viết động tác ngồi thiền, dùng những đầu ngón tay nâng cơ thể lên ở tư thế thân trên vuông góc với 2 chân đặt theo tư thế song song với mặt đất. 

Nếu chỉ gặp gỡ Thúy Vi ngoài đời với vẻ ngoài mảnh dẻ đúng chất một tiểu thư khuê các thì ít ai biết ẩn giấu đằng sau đó là một ý chí, nghị lực phi thường mang theo phẩm chất con nhà võ: “Đi học võ từ năm 7 tuổi, suốt 14 năm qua, Thúy Vi thường xuyên phải đối mặt với những cơn đau do chấn thương hành hạ.

Nhưng vượt lên trên tất cả, chưa bao giờ tôi thấy cháu khóc, mà chỉ bặm môi đứng dậy bước tiếp. Từ bé, khi chưa theo các thầy học võ, Vi đã bắt chước luyện theo các động tác tập luyện của cha. Đến giờ, Vi cũng có thể dùng nội công giúp các đồng nghiệp và chính mình chữa trị, hồi phục sau chấn thương” - ông Thắng bộc bạch.

Dưới góc nhìn của người mẹ, bà Hoa nở nụ cười hiền hòa nói về vẻ thẹn thùng, e ấp, đầy nữ tính của Vi khi nghe mẹ hỏi chuyện về “một nửa” của mình: “Thời gian qua, cũng thấy Vi đưa một số bạn bè đến nhà chơi. Nhưng cứ hỏi tới chuyện người yêu là em nó lại đỏ mặt nói toàn là bạn bè thôi, chưa có gì cả.

Nhưng tôi nghe mấy chị em họ của Vi nói thì hình như đã có một người bạn khá thân người Nhật sắp tới sẽ sang chơi, anh đó cũng theo nghiệp võ. Chẳng biết đây có phải là bạn “đặc biệt” không nữa, Vi cũng 21 tuổi rồi, cứ đi biền biệt như thế tôi cũng lo chuyện chồng con của cháu lắm. Dù gì, con gái cũng có thì…”.

Dương Thúy Vi: Tiểu thư nhà giàu “nghiện” võ - 2

 Thúy Vi hồi nhỏ cùng cha mẹ. (Ảnh:  Đức Hiếu)

Áp đảo “quần hùng” trên núi Võ Đang

Trở lại với tấm HCV ASIAD 2014 của Thúy Vi, đây xứng đáng là một tấm “vàng mười”, đặc biệt hơn cả những tấm HCV thế giới mà Vi từng chạm tới. Không chỉ mang ý nghĩa “mở hàng” cho đoàn TTVN, đây cũng là tấm HCV môn wushu tại ASIAD đầu tiên của TTVN.

Nói cách khác, Thúy Vi đã làm được cái điều mà thế hệ “đàn chị” đi trước như Phương Lan, Thúy Hiền, Ngọc Oanh, Mỹ Đức… không thể đạt tới do vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt tới từ những võ sĩ rất mạnh của Trung Quốc. Chẳng nói đâu xa, tại ASIAD 2010 (Quảng Châu, Trung Quốc), wushu Việt Nam vắt kiệt sức cũng chỉ đành thỏa mãn với 4 tấm HCB của Thanh Tùng, Nguyễn Thị Bích, Phan Văn Hậu, Nguyễn Văn Tuấn. Đơn giản, các võ sĩ chủ nhà luôn chứng tỏ năng lực vượt trội trong các trận tranh HCV.

Đứng bên cạnh chiếc tủ gỗ cũ kỹ có tuổi đời gần như gắn với nghiệp võ của Thúy Vi, bà Hoa nói giọng nghẹn ngào: “Để có được bộ huy chương ước tính có tới cả trăm chiếc này, Thúy Vi đã phải trả giá bằng bao mồ hôi, nước mắt, nhiều đêm mất ngủ vì chấn thương dày vò. Tôi thương con lắm, nhiều khi chỉ ước giá như mình có thể cùng con chia sẻ những cơn đau thì tốt biết mấy.

Nhiều người chỉ biết tới những tấm huy chương SEA Games, châu lục, thế giới, chứ chắc chẳng ai để ý tới việc Thúy Vi từng khẳng định được tài năng kiếm thuật của mình ngay trên núi Võ Đang (cùng với Thiếu Lâm được coi là Thái Sơn-Bắc Đẩu của võ thuật Trung Quốc).

Cách đây vài năm, trong một cuộc thi võ thuật có tính chất biểu diễn do phái Võ Đang tổ chức, với bài biểu diễn kiếm thuật sở trường Thúy Vi đã “áp đảo” chính các VĐV Trung Quốc để giành HCV:

“Cho con theo nghiệp võ, tôi luôn nhắc nhở cháu về chữ đạo. Học võ không phải để đua tài… đánh đấm, mà để tu tâm dưỡng tính, hướng thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Sau này giã từ sự nghiệp thi đấu, nếu Thúy Vi tiếp tục gắn bó với vai trò HLV thì tốt.

Còn không, cháu coi đó như một niềm vui, ngoài công việc hàng ngày, có thể dạy võ miễn phí, giúp các em nhỏ nâng cao thể chất như cách cụ mình đã từng làm là tôi mãn nguyện lắm rồi. Đó cũng là cách tốt nhất để bảo lưu võ thuật cổ truyền nước nhà, nêu cao truyền thống thượng võ của dân tộc”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Hiếu - Lê Đức (Dòng Đời - Dân Việt)
Asiad 2023 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN