Chạy án thành công, Sharapova sẽ lại sớm tung hoành
Đã có thêm những manh mối để giúp Maria Sharapova có thêm niềm tin rằng cô sẽ không phải chịu án phạt nặng như việc bị cấm thi đấu đến 4 năm sau scandal doping “tình ngay, lý gian” vừa qua.
Kể từ khi Sharapova thừa nhận mình dương tính với chất Meldonium (một chất bị cấm từ 1 tháng 1 năm nay) trong cuộc kiểm tra doping ở Australian Open 2016, “Búp bê Nga” đã phải chịu rất nhiều áp lực.
Sharapova cần nhanh chóng tìm kiếm chứng cứ để "minh oan" cho mình nhằm giảm tối đa án phạt cấm thi đấu sắp phải nhận từ ITF
Hàng loạt thương hiệu danh tiếng đã chấm dứt hợp đồng hợp tác với Masha khiến cựu tay vợt nữ số 1 thế giới của xứ sở bạch dương đã mất hàng chục triệu USD từ tiền quảng cáo và tài trợ. Nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất, khi Sharapova có thể nhận án phạt “treo vợt” từ Liên đoàn quần vợt thế giới (ITF) trong 2-4 năm.
Nhưng mới đây, đã có những tín hiệu tích cực cho thấy có thể Sharapova sẽ không bị cấm thi đấu quá dài (tối đa 4 năm) và đối diện nguy cơ phải giải nghệ sớm.
Về nguyên tắc, các tay vợt dính doping như Maria Sharapova có thể bị ITF cấm thi đấu tối đa 4 năm. Tuy nhiên, "Búp bê Nga" vẫn có cơ hội được giảm án phạt nếu chứng minh được cô sử dụng chất cấm meldonium hoàn toàn vì lý do sức khoẻ và không có thuốc thay thế phù hợp chứ không phải để tăng cường hiệu suất vận động và nâng cao thành tích thi đấu. Điều khoản này được nêu rõ trong bộ quy tắc đạo đức của Cơ quan Chống doping thế giới (WADA).
Một thông tin tích cực nữa cho Sharapova là việc công ty dược Grindeks – đơn vị sản xuất loại thuốc chứa meldonium mà cô sử dụng – đã lên tiếng khẳng định thuốc này không có tác dụng nâng cao thành tích của VĐV.
Theo Cơ quan Bảo vệ Sức khỏe và Thể thao Tây Ban Nha (AEPSAD), “Meldonium” là một chất “không xác định”, tức là không có trong danh mục các loại thuốc thông thường. Về lý thuyết, Sharapova có thể nhận án cấm thi đấu tối đa 4 năm.
Nhưng lệnh cấm từ ITF có thể được giảm trong 2 trường hợp. Trường hợp thứ nhất là khi các VĐV chứng minh được mình có lỗi vô ý sử dụng chất này vì thiếu hiểu biết chứ không phải cố ý sử dụng để nâng cao thành tích thi đấu.
Trường hợp thứ hai là khi các VĐV thừa nhận mình đã sử dụng doping trước khi cơ quan chức năng phát hiện và hợp tác tích cực trong quá trình điều tra của cơ quan chống doping.
Sharapova đã ít nhiều làm được điều này khi tổ chức họp báo ngày 8/3 vừa qua ở Los Angeles (Mỹ) để thừa nhận mình dương tính với chất cấm meldonium trước khi ITF công bố thông tin gây sốc này.
Trong điều 10.6.1 của WADA cũng quy định: “Một VĐV dương tính với doping sẽ được giảm án nếu mang lại sự giúp đỡ đáng kể thông qua tuyên bố tiết lộ bằng văn bản và có chữ ký của tất cả các bên liên quan về hành vi sai trái của mình, và cộng tác đầy đủ trong công tác điều tra và quyết định công khai những thông tin như vậy trước công chúng, ví dụ trong buổi điều trần trước các khán giả nếu được yêu cầu.
Thông tin đưa ra phải hoàn toàn đáng tin cậy và là một phần quan trọng trong quá trình điều tra hoặc bạn phải đưa ra lí do mà mình có thể được tha thứ.”
Theo tờ Tennis World USA, ITF đã thừa nhận nếu Sharapova hợp tác tốt và chứng minh được mình chỉ vô ý sử dụng chất cấm này (như lời cô nói rằng mình đã sử dụng nó suốt 10 năm qua để chữa bệnh), cô có thể chỉ phải nhận án cấm thi đấu 2 năm, hoặc có thể chỉ là vài tháng.
Hơn 100 VĐV dương tính với chất cấm giống Sharapova Theo tờ cyclingweekly.co.uk, đã có hơn 100 VĐV trên toàn thế giới dương tính với Meldonium trong các cuộc kiểm tra doping trong 3 tháng đầu năm 2016. Trong số đó, ngoài Sharapova, có thể kể đến nhiều VĐV của các môn khác cũng mang quốc tịch Nga như Semion Elistratov – VĐV trượt băng nghệ thuật tốc độ từng giành HCV Olympic hay Eduard Vorganov - cua-rơ của đội đua xe đạp Katusha. 2 người đồng hương với Sharapova là Semion Elistratov (ảnh trên) và Eduard Vorganov cũng gặp rắc rối với Meldonium |