Ngôi sao “Những bông hoa nhỏ” nổi tiếng một thời và cửa hiệu tạp hoá
Ở đầu ngõ 155 Đặng Tiến Đông, Hà Nội có một cửa hiệu tạp hóa. Người dân hàng ngày vào đây mua dưa, cà, mì ăn liền, bim bim... ít ai biết người phụ nữ trung niên đứng lụi cụi bán hàng đó là một nữ phát thanh viên Chương trình truyền hình “Những bông hoa nhỏ” (NBHN) nổi tiếng một thời.
Câu chuyện của chúng tôi với bà Bích Ngọc cứ chốc chốc lại bị gián đoạn bởi một người khách vào mua dăm chai bia, nước ngọt; mấy em bé thì chìa mấy nghìn mua bim bim, kẹo cao su. Nhiều nhất là khách mua dưa cà… Quán có vẻ được tín nhiệm. Bà chủ thật giản dị trong bộ đồ hoa mặc nhà, chỉ nụ cười lâu lâu thoáng hiện mới gợi nhớ nét xuân sắc một thời…
Tình cờ đến với Nhà đài
Bà Ngọc kể: Tôi là người Hà Nội gốc, nhà ở phố Hàng Bài. Tốt nghiệp sư phạm 10+3 ra, tôi được phân về làm giáo viên dạy văn ở Trường Trung Phụng, mạn Khâm Thiên. Bà ngoại tôi đã già. Ngoài giờ đi dạy, tôi thường vừa bóp chân, bóp tay, vừa đọc thơ, kể chuyện Tam Quốc, và cả hát cho bà tôi nghe. Thấy giọng tôi trong trẻo, có hàng xóm là cô Lan Hương – một nữ phát thanh viên nổi tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam – gọi tôi sang hỏi: “Con có thích đi làm phát thanh viên truyền hình không?” (lúc đó truyền hình chưa tách ra khỏi phát thanh, vẫn gọi chung là Ủy ban Phát thanh và Truyền hình). Lúc đó tôi rất nhút nhát, có biết truyền hình là gì đâu. Nhưng vì tò mò nên vẫn theo cô Lan Hương dẫn đến phố Quán Sứ thi tuyển.
Ban giám khảo cho tôi ngồi vào một cái bàn, thử hình, thử tiếng. Tôi run lắm. Cô Lan Hương động viên: Con cứ bình tĩnh, coi như trước mặt mình là các em học sinh. Họ cho tôi kể một câu chuyện nhỏ, xem diễn cảm thế nào. Rồi bảo hát. Tôi hát bài “Đi học” lúc đó mới ra, đang “hot”: “Hôm qua em đến trường, mẹ dắt tay từng bước...”. Tôi hát xong, các cô chú ngồi chấm vỗ tay rào rào… Mấy ngày sau cô Lan Hương về bảo: “Con được nhận rồi, trước mắt là cộng tác viên…”.
Thế là tôi bắt đầu gắn bó với NBHN từ đó. Có 15 phút thôi, nhưng cũng phải quay thử đi thử lại hàng vài tiếng. Đầu tiên là giới thiệu nội dung, đọc bản tin tức, rồi thuyết minh phim tài liệu, phim hoạt hình “Hãy đợi đấy”, phim truyền hình “Maika - cô bé từ trên trời rơi xuống”, rồi dẫn các tiết mục văn nghệ. Đến đầu năm 1975, tôi chính thức xin thôi công việc giáo viên, chuyển hẳn sang truyền hình. Ít lâu sau đến ngày 30.4, tôi được dẫn Chương trình NBHN đầu tiên của cả nước thống nhất, được nói câu: “Chào các em thiếu nhi miền Nam và cả nước thân yêu”, nghe bài hát “Bay lên trong đêm pháo hoa” mà vui trào nước mắt…
Một thời nghèo mà vô tư
Truyền hình lúc đó trang thiết bị còn rất thô sơ, nghèo nàn. Máy quay, bàn dựng, cần thu… phần lớn của Tiệp, Đức. Trường quay thì ở trên tầng 5, toàn lỉnh kỉnh bục gỗ với giấy bồi, không có điều hòa nên mùa hè dẫn chương trình cứ phải liên tục lau mồ hôi không thì trôi hết son phấn. Khắp trường quay chỗ nào cũng thấy quạt nan quạt phành phạch. Phòng phát thanh viên (với những tên tuổi lững lẫy về sau này như Mạnh Tường, Thanh Hùng, Minh Trí, Kim Tiến…) chỉ là một cái phòng nhỏ dưới gầm cầu thang số nhà 58 Quán Sứ. Đến khoảng năm 1976 thì đài chuyển dần về Giảng Võ, lúc đó ngổn ngang mấy dãy nhà như một công trường dang dở…
Phát thanh viên lúc đó ít lắm nên đi đâu ai cũng biết. Xếp hàng mua vé xe vé tàu, mọi người nhận ra “cô bé NBHN” là ưu tiên cho lên trước. Đi ăn phở, ăn xôi, những người bán hàng có khi quý quá không lấy tiền. Mà bà Bích Ngọc như có cái duyên gắn bó với thiếu nhi. Nhiều người đến rồi đi, hoặc làm thiếu nhi một thời gian rồi chuyển sang làm thời sự, kinh tế, quốc tế... vừa oai vừa nhiều bổng lộc hơn. Nhưng bà là một trong số ít người cứ làm duy nhất một Chương trình NBHN.
Đến năm 1985, khi không làm phát thanh viên nữa thì bà xin đi học đạo diễn, cũng chuyên về thiếu nhi, hết dựng các vở rối lại đến hoạt cảnh, kịch câm, ca nhạc, giành nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc…
Bao giờ cho đến ngày xưa
Suốt một đời làm truyền hình, vui cũng nhiều: Được đi đây đi đó, từ thác Bản Giốc, suối Lenin, cây đa Tân Trào… ở phía Bắc, đến mũi Cà Mau, ghềnh Đá Dĩa, hải đăng Kê Gà… ở phía Nam. Được tiếp xúc với nhiều người, từ những nhà văn nổi tiếng, đến các em thiếu nhi có năng khiếu trong cả nước. Được chứng kiến những thay đổi liên tục, chóng mặt của công nghệ truyền hình. Được lên sóng truyền hình, đi đâu cũng có người biết mặt biết tên. Nhưng buồn cũng không ít, mà đối với bà hai sự kiện buồn nhất là việc giải thể phòng phát thanh viên và giải thể phòng thiếu nhi – quãng năm 2006 – 2007 gì đó, trước khi bà về hưu ít lâu. “Rất mừng là đến gần đây thành lập lại VTV6 (Truyền hình Thanh thiếu nhi) – nhưng vị thế của những người làm thiếu nhi ở VTV ngày nay vẫn không thể được như thời chúng tôi ngày xưa…” – bà nói.
So sánh nghề phát thanh viên truyền hình trước kia và ngày nay thì quả là khác nhau một trời một vực. Trước kia, thế hệ của bà làm việc chỉ vì tình yêu với nghề là chính, chứ lương thì ba cọc ba đồng, cùng lắm chỉ thêm cân đường hộp sữa gọi là bồi dưỡng thanh sắc. Không thể so sánh với các cô cậu “em-xi” nổi tiếng bây giờ cát-sê mỗi lần đi dẫn chương trình, dự sự kiện lên tới hàng chục triệu đồng một show. Điều kiện làm việc, máy móc, thiết bị, đi lại… cũng thuận lợi hơn nhiều lắm. Tuy vậy, chất lượng chương trình – đặc biệt là chương trình thiếu nhi - vẫn rất đáng phải bàn, thậm chí theo bà nhiều chương trình “giậm chân tại chỗ, đáng thất vọng”. “Nhiều bạn trẻ bây giờ rất giỏi, được học hành, trang bị đầy đủ, như “có cả một mâm cỗ sẵn sàng”, nhưng vẫn có cảm giác thiếu cái tâm, thiếu lòng yêu trẻ… nên vẫn rất hiếm các chương trình truyền hình thiếu nhi đọng lại dấu ấn sâu đậm như NBHN ngày xưa” – bà Ngọc bùi ngùi.
Mà không hiểu có phải vì do tuổi tác không theo kịp thời cuộc, bà rất sợ những cái gọi là “tìm tòi, đổi mới” trong các chương trình truyền hình có liên quan đến thiếu nhi hiện nay. Gần đây, bà được mời đến trường quay “Giai điệu tự hào”. Ngồi nghe bài hát “Đi học” thân thuộc một thời do ca sĩ Hải Bột hát, “tôi suýt ngất” – bà thốt lên. Trước kia “Đi học” trong trẻo, đáng yêu là thế, nay thì sao mà nặng nhọc, âm u, bí hiểm. “Hay cái sự học bây giờ nó thế hả anh ?!!!...” - bà trăn trở.
Hỏi về cửa hiệu tạp hóa, bà bảo: “Nhà tôi cũng chẳng dư dật gì, phải nuôi 3 cháu đi học. Ông nhà tôi lại bị tai biến, phải ngồi một chỗ 6 năm nay, mở cái quán để có thêm đồng ra đồng vào. Nhưng quan trọng hơn, mở quán được tiếp xúc với mọi người, thấy cũng vui vui, khuây khỏa. Đặc biệt, bọn trẻ con chạy ra chạy vào mua gói bim bim, cuốn vở, cái bút, nghe tiếng chúng bi bô, thấy mình vẫn như thời “Những bông hoa nhỏ” ngày xưa…”.