Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ

Sự kiện: Phim chiếu rạp

Tòa lâu đài Beacon Tower được sử dụng trong The Great Gatsby của Baz Luhrmann đã may mắn được sửa chữa phục vụ cho bộ phim. Tuy nhiên những lâu đài khác lại "kém" may mắn hơn thế.

Bộ phim về ông trùm Gatsby trong tiểu thuyết The Great Gatsby của nhà văn F. Scott Fitzgerald sau nhiều lần thất bại thảm hại khi được chuyển thể thành phim. Phải đến lần thứ 6, đạo diễn người người Australia của Baz Luhrmann dường như đã vượt qua mọi lời nguyền trước đó khi đưa Jay Gatsby trở lại màn ảnh một cách lộng lẫy, hoành tráng và thành công trong năm 2013.

Phim không chỉ thành công ở nội dung đậm chất văn học, hình ảnh 3D sống động có chiều sâu, màu sắc sử dụng trong phim đầy ẩn dụ và tinh tế, dàn diễn viên tài năng của Hollywood, hòa trộn hài hòa giữa hơi thở thế giới hiện đại với không khí cổ điển những năm 20 của thế kỷ trước.

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 1

Khám phá lịch sử lâu đài của Jay Gatsby.

Ngoài ra, bối cảnh nguy nga, sang trọng và tráng lệ của những tòa lâu đài, dinh thự, nơi diễn ra những buổi tiệc tùng cho giới thượng lưu New York đến tắm trong rượu cũng được đầu tư hết sức công phu.

Trong số này, tòa lâu đài Beacon Towers ở Long Island là một ví dụ điển hình. Một công trình từng được Fitzgerald ghé thăm và đắm mình trong tiệc tùng xa hoa, đồng thời được cho là nơi nhà văn lấy tư liệu để miêu tả về dinh thự, lâu đài của Jay Gatsby trong tác phẩm của ông.

Ngoài Beacon Towers, không ít những lâu đài đắt tiền khác ở West Egg, Long Island cũng được Fitzgerald dùng làm tư liệu cho những lâu đài trong The Great Gatsby của ông, lâu đài của gia đình nhà Tom Buchanan là một ví dụ.

Land’s End, vinh quang lụi tàn trong tiếc nuối

Tòa dinh thự này từng là nơi lui tới của những người trong giới thượng lưu ở khắp nơi trên đất nước Hoa Kỳ ghé thăm để vui chơi, tiệc tùng, nhảy múa hát ca. Trong số này còn có cả những chính khách và nhiều người nổi tiếng như cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill hay 5 anh em diễn viên hài kịch nổi tiếng nước Mỹ là Marx...

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 2

Dinh thự Land's End thời vàng son bên bờ North Shore ở East End, Long Island.

Mặc dù vậy, dinh thự này nằm bên bờ North Shore của Long Island từng được coi là bối cảnh cho tòa lâu đài của Daisy Buchanan trong The Great Gatsby của Fitzgerald cũng đã bị rỡ bỏ vào tháng 4/2011 kéo theo những trang lịch sử lẫy lừng từng gắn liền với nó cũng bị chôn vùi. Nguyên nhân cũng bởi sau 7 năm mua lại dinh thự với giá 18 triệu USD, người chủ mua lại dinh cơ này đã không đủ khả năng chi trả các khoản thuế cho cơ ngơi trên diện tích 13 hecta (khoảng 4.500 USD dùng để duy trì và bảo dưỡng cho ngôi nhà). Vì vậy, nó đã bị dỡ bỏ trong tiếc nuối. Lâu đài bị lấy đất để xây dựng 5 công trình mới khác với tên gọi Seagate thuộc khu làng Sands Point.

Land’s End từng được tổng biên tập tờ New York World là Herbert Bayard Swope xây dựng năm 1902 với tên gọi ban đầu là Keewaydin. Nơi đây từng được Swope sử dụng làm nơi tổ chức những bữa tiệc đình đám, xa hoa cho những vị khách nổi tiếng. T trong số này bao gồm có Quận công Windsor (tức vua Edward VIII nước Anh) và công nương Wallis Simpson, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng người Mỹ Dorothy Parker, ngôi sao truyền hình Mỹ Groucho Marx và cả nhà vật lý nổi tiếng người Đức Albert Einstein cũng từng có mặt tại một trong những bữa tiệc ở tòa lâu đài này.

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 3

Land's End khi chưa vướng phải những khó khăn về tài chính.

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 4

Bìa cuốn The Great Gatsby của F.Scott Fitzgerald ấn bản đầu tiên xuất bản năm 1925. Bìa được thiết kế dựa theo cảm hứng ở Gold Coast. Bên trái phải là hình hai vợ chồng nhà văn Fitzgerald và vợ Zelda.

Trong khi nhà văn của The Great Gatsby là Fitzgerald cũng có một ngôi nhà trên đảo. Ông từng đứng ở lan can ở Great Neck (khu North Shore của Long Island, nơi bao gồm những biệt thự, lâu đài, dinh cơ lộng lẫy mang tên Great Neck) để dõi theo những bữa tiệc tưng bừng trong các dinh thự hoành tráng kia. Và rồi, ông tưởng tượng ra những hoạt động đang diễn ra bên trong những bữa tiệc đó. Great Neck cũng đồng thời là nơi ở của những tầng lớp trí thức, những người nổi tiếng như anh em nhà Marx, nam tài tử Basil Rathbone và nghệ sĩ đa tài người Anh P.G.Wodehouse.

Trong tác phẩm của mình, Fitzgerald đã miêu tả như sau: “Những trảng cỏ chạy dài từ bãi biển đến trước cửa chính của lâu đài khoảng ¼ dặm, phủ khắp khu vườn chỉ ngoại trừ đài phun nước ở giữa và lối đi bằng gạch”.

Đó cũng chính là những tháng ngày vàng son của dinh thự này khi còn được miêu tả và tìm thấy trong cuốn tiểu thuyết vĩ đại của người Mỹ trước khi nó bị chính người Mỹ rỡ bỏ vì khó khăn. Theo người từng sở hữu ngôi nhà là Burt Brodsky từng nói với CBS News rằng: “Khung cảnh tuyệt vời, những ban nhạc say sưa ca hát, trong khi tất cả khách khứa vui vẻ nhảy múa và hòa vào nhau”, hay “Điều này gần như là hư ảo, như một vùng đất thần tiên. Giống như bạn từng đọc về nơi này và nói: Không thể, không ai thực sự có thể sống cuộc sống như vậy được”.

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 5

Những chiếc xe cẩu tiến hành phá dỡ Land's End, đồng nghĩa ánh hào quang trong quá khứ của nó cũng bị chôn vùi theo.

Trước khi dinh thự bị chiếc xe cần cẩu kéo sập, hàng ngàn du khách đã ngồi trên thuyền và nhìn ngắm công trình này lần cuối.

Lý do nhà văn trẻ F. Scott Fitzgerald khi đó đã cùng vợ Zelda năm 1922 đã chuyển đến Long Island sinh sống là bởi khó khăn về kinh tế, ông muốn tiết kiệm chi tiêu sau khi đứa con đầu lòng của hai người chào đời. Trước đó, họ phải chi 200 USD/một tuần khi lưu trú tại một khách sạn ở Manhattan. Trong khi đó, ngôi nhà ở Great Neck chỉ có gia 300 USD/tháng. Thời gian ông sáng tác nên The Great Gatsby cũng nằm trong thập niên 20.

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 6

Mia Farrow trong vai Daisy khiêu vũ cùng Robert Redford vai Gatsby. Land's End từng là nơi diễn ra những bữa tiệc hào nhoáng ngất trời những năm 20 và 30.

Trong bộ phim về Gatsby vào năm 1940, nam diễn viên Robert Redford đã vào vai ông trùm bí ẩn Jay Gatsby, trong khi Mia Farrow thể hiện cô nàng Daisy Buchanan, bà chủ của dinh thự này. Vì vậy, tòa dinh thự này cũng đồng thời là một trong số ít những di tích gợi cho người ta nhớ lại thời kỳ của Fitzgerald. Một cơ ngơi đắt đỏ và tốn kém được xây dựng ngay trên dải đất được coi như là bờ biển vàng, nơi tập trung những biệt thự, dinh cơ của giới thượng lưu ở New York thời bấy giờ: “Tòa dinh thự là đại diện cho hình ảnh thu nhỏ về tất cả những gì mà con người đấu tranh để có và khát khao có được”, Ruth Prigozy – nữ giám đốc điều hành của quỹ F.Scott Fitzgerald Society nhận định.

Fitzgerald đã đến và rời Long Island trước khi cuốn tiểu thuyết về Gatsby ra đời vào năm 1925. Ông qua đời năm 1940 ở tuổi 44. Tác phẩm này của Fitzgerald được bà Prigozy coi là “một tác phẩm tuyệt vời, không ai có thể thêm bớt được một từ nào trong tác phẩm này của ông”. Chủ nhân dinh thự này là Brodsky cho biết, ông không còn lựa chọn nào khác khi phải cho dỡ bỏ cơ ngơi nổi tiếng này. Cho dù những nhóm các nhà lịch sử có đứng lên biểu tình đi chăng nữa: “Nhất định ngày u ám đó sẽ diễn ra. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Đó chính là cái gọi là vòng đời”, Brodsky chia sẻ.

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 7

Nội thất bên trong nhà của Buchanan được thiết kế mềm mại với mành che cửa sổ trắng, tấm thảm trải sàn nổi bật với màu trắng và đỏ, đặc biệt là chiếc đèn trùm lớn treo từ trên trần nhà.

Tuy vậy, ngôi nhà mà tác giả Fitzgerald cùng vợ ông Zelda từng sống thì vẫn tồn tại. Nơi họ từng sống từ tháng 10/1922 đến tháng 5/1924. Trong tác phẩm của mình, tác giả miêu tả lâu đài của Buchanan có ngọn hải đăng phát ra tia sáng màu xanh ngọc, nơi Gatsby hằng đêm vẫn đứng dõi theo từ lâu đài của gã.

Dinh thự này được biết đến với hồ bơi có diện tích khoảng 25m, trên diện tích toàn bộ của cơ ngơi hơn 2.000m2, với 25 phòng. Trong thời hoàng kim còn có các cửa sổ theo phong cách Palladian, trần nhà bằng đá cẩm thạch và các bức họa vẽ tay. Ngoài ra, từ dinh thự này còn có tầm nhìn tuyệt đẹp ra Long Island. Bên trong còn có sân tennis riêng, hai bãi cát và thậm chí cả một vườn chim ở cửa sau.

Brodsky đã mua dinh thự mà con trai ông gọi là “cá voi trắng” từ bà Virginia Kraft Payson, vợ sau của cựu chủ tịch Liên đoàn bóng chày quốc gia New York Mets là Charles Shipman Payson. Brodsky từng có ý định cải tạo lại dinh thự để trở thành nhà ở cho gia đình, tuy nhiên, việc này quá nan giải bởi chi phí đội lên khủng khiếp. Năm 2006, Brodsky ước tính chi phí để cải tạo cũng phải lên đến 2 triệu USD mới có thể “hồi sinh” lại nơi này.

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 8

Hồ bơi cạn khô bên ngoài Land's End hào nhoáng, tấp nập một thời.

Bản thân Brodsky cũng thừa nhận tính di sản của dinh thự cũng không có nghĩa lý gì bởi: “Nói thực lòng là nó chẳng có gì quá đặc biệt cả”, Brodsky nói với tờ New York Post: “Chúng tôi đã tìm tòi nghiên cứu khá nhiều về lịch sử nơi này, tuy nhiên không hề có bằng chứng nào cho thấy Fitzgerald đã từng hiện diện ở đây”.

Trong khi đó, cô Monica Randall từ quỹ bảo tồn của Nort Shore nói với Newsday rằng: “Tôi mới được biết, chính F.Scott Fitzgerald đã từng là khách mời thường xuyên tại dinh thự này. Fitzgerald là nhà văn kiệt xuất của chúng ta, nếu nơi này (dinh thự) bị phá bỏ vì lý do không có tiền thì đây sẽ là một rắc rối lớn của xã hội chúng ta. Tại sao không thể giữ lại? Chúng ta không có tiềm lực hay kinh phí để cải tạo lại. Tôi không nghĩ chúng ta có quyền phá bỏ những gì mà mình không thể tái tạo được”.

Từng trước đó, nhà sản xuất của hãng phim Redford đã quyết định không chọn Long Island làm bối cảnh quay cho lâu đài của Daisy Buchanan. Thay vào đó, ông chọn Heatherden Hall ở Anh, trong khi tòa lâu đài của Gatsby được chọn quay ở đảo Rhode. Đạo diễn Baz Luhrmann mới đây cũng quyết định tương tự khi chọn Công viên Old Westbury ở Australia làm bối cảnh quay cho cơ ngơi của Daisy Buchanan. Ngoại cảnh của dinh thự được dựng bằng kỹ xảo điện ảnh dựa theo hình ảnh từ Chủng viện St. Patrick ở Sydney. Trong khi nội thất bên trong lại được dựng theo phong cách Hollywood Regency. Còn tòa lâu đài của Jay Gatsby lại được đoàn phim sử dụng lâu đài từng bị hoang phế Beacon Towers ở Long Island, ngoại thất được sử dụng là công trình trường học ở Đại học Quốc tế Management, Sydney.

Beacon Towers – vinh quang và may mắn

Tương tự số phận như Land’s End, tòa lâu đài Beacon Towers ở West Egg, Long Island cũng rơi vào tình cảnh đổ nát, xuống cấp nghiêm trọng. Tòa lâu đài này là bản sao của những lâu đài ở Ailen. Beacon Towers nằm bên bờ biển Sands Point từ năm 1917 được coi là hình mẫu cho tòa lâu đài của ông trùm bí ẩn Jay Gatsby trong tiểu thuyết của Fitzgerald.

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 9

Lâu đài Beacon Towers (1922) là cảm hứng cho lâu đài của Jay Gatsby của Fitzgerald.

Tòa lâu đài Beacon Towers được xây dựng vào Thời kỳ Vàng son (Gilded Age – thời kỳ này ở Hoa Kỳ được quy định trong khoảng những năm 1870 cho đến thế kỷ XX, một thuật ngữ của nhà văn Mark Twain và Charles Dudley Warner trong tác phẩm The Gilded Age: A Tale of Today, với ẩn ý phê phán thời kỳ xã hội suy đồi nhưng được phủ bởi lớp vàng lá vô giá trị). Kiến trúc của công trình lộng lẫy này được hãng Hunt & Hunt do hai con trai của kiến trúc sư Mỹ Richard Howland Hunt là Richard và Joseph thiết kế theo phong cách kiến trúc thuần Gothic pha chút yếu tố từ phong cách Alcázars của Tây Ban Nha.

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 10

Lâu đài Beacon Towers trở thành dinh thự của Jay Gatsby khi lên phim trông lung linh như trong Disneyland.

Xây dựng trên đất của làng Sands Point bên bờ North Shore thuộc Long Island, đồng thời là công trình kiến trúc đồ sộ, quy mô cuối cùng ở Long Island do hãng Hund & Hunt thiết kế. Lâu đài từng được miêu tả là "ánh sáng còn sót lại của thời Trung cổ" ở Long Island. Kiến trúc bên trong lâu đài bao gồm khoảng 60 phòng chính, tổng cộng cả những phòng phụ có đến 140 phòng. Toàn bộ cấu trúc bên trong được phủ sơn trắng ngà và lấp lánh.

Tòa lâu đài được William Kissam Vanderbilt của gia đình Vanderbilt danh giá ở Mỹ, là người quản lý hệ thống đường sắt và từng là người nhân giống ngựa có tiếng ở Mỹ xây dựng trong thời gian từ 1917 – 1918, là món quà dành tặng cho người vợ cũ, triệu phú nổi tiếng người Mỹ Alva Belmont (ngôi sao đi đầu trong phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ). Về sau lâu đài được nhượng cho chồng sau của Alva là Oliver Belmont vào năm 1908.

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 11

Ban công sân thượng với lan can và mái hiên hình vỏ sò nổi bật, thanh thoát.

Tháng 2/1924, Alva Belmont đã mua thêm phần đất trong khu vực đèn hải đăng Sands Point từ vụ đấu giá với số tiền 100.000 USD, bổ sung vào khối bất động sản rộng lớn của bà hiện có ở Long Island. Năm 1927, toàn bộ số tài sản trên được bán lại cho ông trùm báo chí nước Mỹ William Randolph Hearts. Ông lại tiếp tục bán vào năm 1942, tòa lâu đài bị phá hủy nặng nề vào năm 1945. Sau đó một cá nhân đã xây dựng trên vị trí cũ của tòa lâu đài công trình giữ nguyên kiến trúc ban đầu của lâu đài.

Ngoài ra, một vài dinh thự lâu đài ở Long Island như pháo đài Oheka và lâu đài La Selva cũng được đưa lên phim nhằm làm nổi bật những công trình xa hoa, tráng lệ một thời của Long Island.

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 12

Bên trong lâu đài của Gatsby, nổi bật ánh lên màu vàng, trần nhà dát vàng, nền nhà cẩm gỗ, những hàng cột uy nghi, đèn trùm pha lê lớn...

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 13

Vào ban đêm, những ban công sân thượng lâu đài của Gatsby được dùng làm nơi đón tiếp khách khứa trong những buổi tiệc xa xỉ, hào nhoáng.

Phần thiết kế và phục dựng những lâu đài, pháo đài và dinh thự trong Đại gia Gatsby được đạo diễn Baz Luhrmann tin tưởng giao cho vợ anh, kiêm nhà sản xuất, thiết kế, nữ kiến trúc sư Catherine Martin, người từng có công tạo dựng ra cả thế giới mang màu sắc thời kỳ Belle Époque trong bộ phim Moulin Rouge! (2001) hay bãi biển huyền thoại Verona Beach trong bộ phim Romeo + Juliet đều của Baz Luhmann. Lần này, cô được Baz tiếp tục giao nhiệm vụ về phần hình ảnh các công trình lâu đài, dinh thự cũng như trang phục cho bà xã Catherine đảm nhiệm.

Chia sẻ về quá trình tạo ra những công trình nguy nga, tráng lệ và xa hoa trong The Great Gatsby, Catherine Martin cho biết, lâu đài của kẻ mới phất – ông trùm Gatsby chính là trung tâm và quan trọng nhất trong bộ phim, được nhóm kỹ thuật, thiết kế của đoàn phủ chất liệu như dát vàng lên trần nhà cùng nhiều vật dụng trong lâu đài: “Dinh thự của Gatsby cũng như các bữa tiệc của nhân vật này đã cho thấy sự phô trương quá mức và cũng khỏi phải bàn tới tiềm lực của ông. Vì vậy chúng tôi đã sử dụng phủ chất liệu như mạ vàng lên toàn bộ lâu đài. Chúng tôi phủ vàng lên mọi thứ, từ cây đàn organ Wurlitzer thiết kế riêng cho đến trần nhà hoặc những vật dụng nhỏ nhất”, nữ kiến trúc sư từng hai lần đoạt giải Academy và giải Tony Adwards tâm sự.

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 14

Phòng ngủ của Gatsby được Catherine Martin thiết kế theo phong cách Art Déco, kết hợp yếu tố cổ điển (cửa sổ vòm tròn) và hiện đại như tầng lửng để chứa đồ, nền nhà bằng gỗ phong,tường dán lụa và gắn dải zig-zag gỗ, tấm thảm màu xám - vàng tự tay cô thiết kế. 

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 15

Những quả bóng trong suốt và những chai rượu sâm panh Moët ngoại cỡ được sản xuất theo đơn đặt hàng nhờ vào sự giúp đỡ của một đại lý rượu sâm panh, nhờ đó đã tạo ra được không khí của những bữa tiệc “carnival kaleidoscope” linh đình, hào nhoáng tại lâu đài nhà Gatsby.

Catherine vốn ảnh hưởng từ phong cách trang trí kiểu Pháp và nội thất thiết kế của Émile-Jacques Ruhlmann, chính vì vậy những hàng cột tại sảnh phòng khiêu vũ trong lâu đài của Gatsby, cũng như thiết kế trong phòng ngủ của nhân vật này đều mang dáng dấp phong cách Pháp và của Ruhlmann. Những thiết kế nổi bật và lộng lẫy nhất ở lâu đài của Gatsby được Catherine chú trọng nhất là phòng ngủ siêu hạng trên tầng hai theo phong cách nghệ thuật Art Déco, sảnh khiêu vũ hoành tráng, nguy nga và lối vào sảnh chính trong lâu đài được phủ bởi thảm cỏ tươi tốt rất hợp cho những bữa tiệc hay chơi pô-lô.

Cảnh sắc trải dài bên ngoài lâu đài ở West Egg của Gatsby được Catherine Martin và Lulrmann quyết định chọn chủng viện St. Patrick ở Sydney làm nơi diễn ra những bữa tiệc linh đình. Để tham khảo thêm, hai vợ chồng đạo diễn đã phải nghiên cứu tòa lâu đài Beacon Towers hiện đã bị phá hủy và những bức hình cũ chụp đầu thế kỷ XX của những dinh thự, lâu đài khác ở North Shore, Long Island.

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 16

Bên ngoài dinh thự của Daisy Buchanan, nổi bật với màu gạch đỏ và trắng. Ngoại cảnh được lấy từ Công viên Old Westbury ở Sydney.

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 17

Tổ ấm Morningside Heights mà Tom dành cho người tình bí mật Myrtle Wilson (Isla Fisher đóng) sặc sỡ hơn, phù hợp tính cách và si mê Tom Buchanan. Trang phục của Myrtle có màu cánh hồng và màu tím nhạt lãng mạn, màu chủ đạo trên giấy dán tường, chi tiết hoa văn và cả màu ghế sopha.

Lấy cảm hứng từ phong cách Hollywood Regency, dinh thự của Daisy và Tom Buchanan lại thể hiện sự tương phản rõ ràng về hình thức và thẩm mỹ. Trong nguyên tác, F.Scott Fitzgerald miêu tả dinh thự của Buchanan ở East Egg như sau: “Lâu đài kiểu thuộc địa Georgian màu trắng đỏ sống động, nhìn hướng ra vịnh”.

Dinh thự của Daisy Buchanan với kiến trúc gạch đỏ nổi bật và vườn cỏ được cắt tỉa công phu, đẹp mắt: “Sự giàu có của Buchanan thật không thể tin nổi. Chúng tôi cần phải tạo ra sự đối lập và cạnh tranh về sự giàu sang giữa Buchanan với Gatsby. Chúng tôi muốn tô đậm ý nghĩ của Gatsby ở điểm, Bởi trong thâm tâm hắn luôn tin rằng, lý do hắn không có được Daisy là bởi quá nghèo”, Catherine Martin nói.

Cô từng phát hiện Công viên Old Westbury ở Sydney có thiết kế tương tự như khu vườn bên ngoài của nhà Buchanan ở Long Island. Nơi đây đã chính quyền thành phố Sydney mở cửa để chào đón du khách. Và để làm nổi bật, rõ nét sự khác biệt so với lâu đài của Gatsby, Catherine đã thiết kế và trang trí lâu đài của Daisy Buchanan dựa theo tác phẩm Thiết kế nội thất thế kỷ 20 ở Anh của Syrie Maugham khi áp dụng những yếu tố xa hoa và cổ điển, nhìn vào như có cảm giác những đồ cổ đó xuất hiện cách đây 300 năm.

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 18

Ngôi nhà khiêm nhường và hài hòa với thiên nhiên của Nick Carraway.

Đối lập hoàn toàn với lâu đài sang trọng, nguy nga theo phong cách kiến trúc Gothic không khác lâu đài trong truyện cổ tích của Gatsby. Tổ ấm của ông bạn hàng xóm Nick Carraway lại hết sức đơn giản, đầm ấm và gần gũi. Catherine Martine đã nghĩ ngay đến khung cảnh những ngôi nhà trong câu chuyện thần tiên, dung dị như chính con người của nhân vật. Đồ đạc bên trong ngôi nhà của Nick cũng từ chất liệu gỗ sồi, không xa hoa, hào nhoáng mà ngược lại gần gũi với thiên nhiên.

Trước đó, Catherine Martin cũng đã tham khảo những dinh thự trong bộ phim câm Sunrise (1927) và Speedy (1928) với lối kiến trúc đậm chất Art Déco và oga trộn phong cách Garbo kinh điển. Ngoài ra, cô cũng từng xem qua phiên bản The Great Gatsby của Robert Redford-Mia Farrow năm 1974 khi còn học cấp ba, do đó cô chọn cách không làm lại những gì phiên bản trước đã làm.

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 19

Vợ chồng đạo diễn Baz Luhrmann và Catherine Martin

Tất cả những gì hiện hữu trên màn ảnh của Đại gia Gatsby là công sức miệt mài tìm tòi, nghiên cứu ở những thư viện ở New York hay thư viện Conde Nast và cả Thư viện Metropolitan. Đó là những chuyến đi thực tế, lặn lội ở Long Island của Mỹ hay sang tận Australia của hai vợ chồng Luhrmann cùng các cộng sự trong đoàn phim.

Catherine và đội kỹ thuật đã phải mất 14 tuần miệt mài xây dựng, sơn vẽ và trang trí cho lâu đài của Gatsby với những sảnh khiêu vũ, thư viện, siêu phòng ngủ, lối dẫn vào lâu đài, ban công sân thượng và khu vườn. Baz và đội thiết kế của vợ anh đã biến lâu đài của Gatsby trở thành một lâu đài cổ tích trong Disneyland. Ngoài ra còn 42 cảnh thực hiện ở Sydney sau đó được thiết kế và dựng lại tại trường quay và sử dụng kỹ xảo điện ảnh trong phần hậu kỳ.

Sự kỳ công, cầu toàn và thực sự hiểu nhau trong cách làm việc của Baz Luhrmann và vợ Catherine Martin đã giúp mang lại cho người xem những thước phim thực sự đã mắt. Cảnh sắc, những công trình lâu đài, dinh thự nguy nga lộng lẫy, những bữa tiệc linh đình, xa hoa, phong cách thời trang cổ điển của thập niên 20 được tái hiện lại vừa cổ kính vừa hiện đại. Cùng với hiệu ứng 3D và kỹ xảo hình ảnh tuyệt vời đã làm nên một Đại gia Gatsby đỉnh cao trong điện ảnh, khiến khán giả hoàn toàn choáng ngợp, mãn nhãn.

Gatsby: Ngợp với những lâu đài tráng lệ - 20

Đạo diễn Baz Luhrmann chỉ đạo diễn xuất cho hai diễn viên chính.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Long Hy ([Tên nguồn])
Phim chiếu rạp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN