Vụ "chuyến bay giải cứu": Cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội môi giới chạy án thế nào?
Nguyên Phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bị cáo buộc đã “thiết kế” nhiều cuộc gặp mặt cho vị đại diện doanh nghiệp với điều tra viên. Quá trình này, ông Tuấn đã nhận hơn 2,6 triệu USD “lo” việc chạy án.
Cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn
Những cuộc bàn bạc “giải cứu” đối tượng tại nhà riêng
Theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, để được cấp phép, phê duyệt các chuyến bay Combo đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về cách ly, các bị can Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng giám đốc, đã đưa hối lộ cho nhiều cá nhân tại các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương.
Trước khi khởi tố vụ án “Chuyến bay giải cứu”, Cục Nghiệp vụ Bộ Công an đã gặp, động viên Nguyễn Thị Thanh Hằng chủ động tự thú để được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Kết luận điều tra cho rằng, Hằng đã có ý định ra tự thú. Tuy nhiên, do có sẵn mối quan hệ với Nguyễn Anh Tuấn (cựu Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội), nên Hằng bàn bạc với Sơn nhờ ông Tuấn tìm mối “lo” cho cả hai không bị xử lý hình sự.
Theo đó, khoảng cuối tháng 1/2022, Hằng tới nhà riêng của Tuấn, phố Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ, trình bày sự việc. Ông Tuấn có mối quan hệ quen biết Hoàng Văn Hưng, Trưởng phòng điều tra thuộc Cục An ninh điều tra Bộ Công an, nên đã liên lạc qua điện thoại hỏi về trường hợp của Hằng, Sơn và được Hưng cho biết ông ta đang thụ lý vụ án và Hằng, Sơn là những đối tượng đang bị điều tra.
Bị can Lê Hồng Sơn
Sau cuộc điện thoại, nhận nhận thấy Hưng có thể “lo” cho Hằng và Sơn, ông Tuấn đã 5 lần “thiết kế” cho Hưng, Hằng gặp mặt nhau tại nhà riêng của mình.
Theo cơ quan điều tra, tại các lần gặp giữa 3 người (Tuấn, Hằng, Hưng), sau khi nghe Hằng trình bày toàn bộ sự việc liên quan đến quy trình và việc đưa hối lộ để xin cấp phép thực hiện các chuyến bay Combo (Chuyến bay theo hình thức công dân tự chi trả toàn bộ chi phí, cách ly - PV), Hưng đã hướng dẫn Hằng và thông qua Hằng hướng dẫn Sơn cách thức khai báo.
Cụ thể, Hưng hướng dẫn Hằng khai việc đưa tiền hối lộ để xin cấp phép các chuyến bay và xin chủ trương cách ly chủ yếu do Hằng thực hiện; Sơn mặc dù là Tổng giám đốc nhưng số lần đưa tiền hối lộ ít hơn, có thể làm “bù nhìn”.
Khi làm việc với Cơ quan điều tra, Hưng bảo Hằng nhận hết trách nhiệm về mình, tự thú và thành khẩn khai báo sẽ được hưởng khoan hồng của pháp luật như trường hợp Công ty Nhật Minh; với Sơn, nếu cơ quan điều tra hỏi đến thì khai tất cả do Hằng thực hiện, Sơn chỉ chuyên phụ trách tiếp khách, không biết gì về việc chi phí cho các bộ, ban, ngành.
Ngoài ra, Hưng còn yêu cầu Hằng viết tường trình về việc đưa hối lộ cho các cán bộ để xin cấp phép thực hiện các chuyến bay Combo, mỗi đơn vị một bản tường trình riêng, không ghi ngày tháng, đưa cho Hưng xem trước.
Tại Cục QLXNC Bộ Công an, các bị can Trần Văn Dự, Phó Cục trưởng; Vũ Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo và bị can Vũ Sỹ Cường, thành viên Tổ tham mưu, trong quá trình duyệt, ký các văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, đã tạo “lợi ích nhóm”, làm giá chung chi 200 triệu đồng/ chuyến bay. Nhóm này nhận hối lộ tổng số tiền gần 45 tỷ đồng từ đại diện các doanh nghiệp lữ hành du lịch.
Giữa tháng 2/2022, Hằng viết đơn tố cáo gửi đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an trình bày việc đã đưa tiền cho các đơn vị có thẩm quyền trong cấp phép thực hiện các chuyến bay Combo, trong đó Hằng đề nghị được làm việc với Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an. Trong thời gian này, Hằng đã đưa cho ông Tuấn 200.000 USD để ông Tuấn đưa trước cho Hưng chi phí.
Từ tháng 3 - 7/2022, trong các lần đi cùng ông Tuấn đến gặp ông Hưng, Hằng nghe ông Hưng nói về quan điểm điều tra xác định ông Sơn nắm 70% cổ phần công ty, còn Hằng chỉ nắm 30% nên Sơn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Do đó, Hưng đã hỏi Hằng: “Có quyết tâm cứu Sơn hay không?”.
Nghe ông Hưng hỏi, Hằng hiểu rõ ông Hưng gợi ý nếu “quyết tâm cứu Sơn” thì phải chi một khoản tiền lớn. Do đã bàn bạc, thống nhất trước với Sơn nên Hằng đề nghị ông Hưng tìm mọi cách giúp đỡ, thông báo chi phí để bà ta chuẩn bị. Ông Hưng sau đó nói với ông Tuấn và Hằng là sẽ gặp gỡ, tác động để cơ quan chức năng “ủng hộ” việc không xử lý hình sự đối với Sơn. Giai đoạn này, theo yêu cầu của ông Hưng, Hằng đã đưa cho ông Tuấn 5 lần với tổng số tiền 1 triệu USD để chuyển cho ông Hưng.
Từ tháng 8 - 9/2022, ông Hưng tiếp tục gặp Hằng và ông Tuấn, hướng dẫn Hằng một số nội dung khai báo. Thời gian này, Hằng tiếp tục chuyển cho ông Tuấn 600.000 USD để đưa cho ông Hưng.
Đến giữa tháng 9/2022, ông Hưng từ Trưởng phòng Phòng Điều tra sang làm Trưởng phòng Phòng Chính trị Hậu cần, không còn tham gia điều tra vụ chuyến bay giải cứu. Tuy nhiên, ông Hưng vẫn trao đổi với ông Tuấn, gặp gỡ Hằng và cung cấp thông tin sai sự thật về vai trò của mình để yêu cầu bà này tiếp tục đưa tiền.
Theo kết luận vụ án, đầu tháng 10/2022, Hưng nói “phải phục vụ cuộc họp đánh giá chứng cứ về Hằng và Sơn”, nên yêu cầu ông Tuấn nói với Hằng chuẩn bị tiền. Nhân dịp đó, ông Tuấn nhắn Hằng chuẩn bị 200.000 USD để đưa cho ông Hưng.
Trong vụ án, cơ quan điều tra xác định, Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan, theo chức năng nhiệm vụ chỉ cần phân công thuộc cấp của mình trực tiếp giải quyết hồ sơ đăng ký tham gia các chuyến bay Combo của doanh nghiệp mà không cần gặp mặt trao đổi. Song bà Lan đã can thiệp sâu vào kế hoạch tổ chức các chuyến bay Combo, qua đó, bà Lan đã nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng của các doanh nghiệp để giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp phép chuyến bay.
Sau thời gian này, ông Hưng tiếp tục tạo lý do như: Viện kiểm sát rất căng thẳng với Sơn hay một số điều tra viên có quan điểm phải xử lý Sơn, và yêu cầu ông Tuấn nhắn Hằng đưa tiếp 350.000 USD để quyết tâm cứu Sơn.
Trước yêu cầu của Hưng, ngày 12/10/2022, Hằng chưa lo đủ tiền nên đến nhà ông Tuấn đưa trước 250.000 USD. Do ông Hưng liên tục hối thúc nên ông Tuấn đã bỏ tiền túi thêm 100.000 USD chuyển cho ông Hưng.
Cuối tháng 11/2022, ông Hưng nói đã đưa 350.000 USD cho Viện kiểm sát nhưng họ “chê ít, chỉ mới được một nửa”. Với câu nói này, Hằng hiểu rõ ông Hưng gợi ý phải đưa gấp đôi, tức là 700.000 USD.
Khoảng ngày 28/11/2022, ông Tuấn báo cho Hằng chuẩn bị gấp 350.000 USD là chi phí “một nửa” còn lại, cộng thêm 100.000 USD đưa riêng cho lãnh đạo Vụ. Hằng xác định “quyết tâm cứu Sơn” nên tiếp tục chuyển 450.000 USD cho ông Hưng thông qua ông Tuấn.
Hơn 1,4 triệu USD chưa rõ tung tích
Vẫn theo kết luận điều tra, sau khi nhận được tiền từ Hằng, ông Tuấn chia tiền thành 2 túi, để trong chiếc cặp cài mật mã theo yêu cầu của ông Hưng. Sáng 5/12/2022, khi nhận chiếc cặp, ông Hưng để vào ôtô Ford mà ông Hưng sử dụng (do người tên Phạm Thanh Bình lái) đỗ gần trụ sở cơ quan. Sau đó, ông Hưng về trụ sở và không mang theo cặp, còn người tài xế lái xe rời đi.
Ba ngày sau lần nhận tiền cuối cùng, ông Lê Hồng Sơn bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Đưa hối lộ”. Khi biết tin, ông Tuấn và Hằng hỏi và ông Hưng trả lời “vẫn kiểm soát được”, đồng thời, tiếp tục gợi ý Hằng chuẩn bị thêm tiền để đi gặp một số lãnh đạo để xin chủ trương cho Hằng và Sơn.
Đến ngày 6/1 và 11/1/2023, lần lượt ông Tuấn và ông Hưng bị bắt, còn bà Hằng bị khởi tố vào giữa tháng 3.
Quá trình điều tra, các bị can Hằng và Sơn khai có 13 lần đưa cho ông Tuấn, tổng cộng 2,65 triệu USD (tương đương 61,6 tỷ đồng). Ông Tuấn khai, giữ lại 400.000 USD, còn đã đưa 2,25 triệu USD cho ông Hưng.
Dù ông Hưng khai không nhận bất kỳ khoản nào, song Cơ quan điều tra có đủ căn cứ xác định ông Hưng nhận 800.000 USD của bà Hằng thông qua ông Tuấn, hơn 1,4 triệu USD đến này chưa được làm rõ.
Với những sai phạm trên, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, ông Lê Hồng Sơn bị đề nghị truy tố về tội “Đưa hối lộ”; ông Nguyễn Anh Tuấn bị đề nghị truy tố về tội “Môi giới hối lộ”, còn Hoàng Văn Hưng bị đề nghị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nguồn: [Link nguồn]
Thành tích 834 bàn của Ronaldo càng trở nên vĩ đại hơn nếu đặt cạnh các danh thủ trong quá khứ lẫn hiện tại.