Bà Rịa - Vũng Tàu trước cuộc cách mạng khoa học công nghệ  

Bà Rịa - Vũng Tàu đề ra nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Ứng dụng công nghệ tại “một cửa”

Ứng dụng công nghệ tại “một cửa”

Khoa học công nghệ thúc đẩy tăng trưởng thời đại số 

Khoa học và công nghệ với công nghệ số hóa, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và dữ liệu lớn... đã và đang làm thay đổi sâu sắc nền sản xuất và kinh tế toàn cầu. Bà Rịa - Vũng Tàu không nằm ngoài cuộc chơi đó. 

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu những năm gần đây tích cực cho ra mắt những sáng chế, dự án mới ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa - dịch vụ, gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Theo ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ (KHCN) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ giai đoạn 2017 đến nay, Sở đã hỗ trợ khoảng 170 dự án khởi nghiệp và 40 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hưởng ứng và triển khai quyết liệt, đồng bộ tạo nên phong trào “khởi nghiệp” lan tỏa, rộng khắp trên địa bàn tỉnh, tạo nên nhiều dấu ấn và thành tựu.

Để đồng hành với các doanh nghiệp trong công cuộc phát triển khoa học công nghệ, Sở KHCN tập trung vào công nghệ mới, làm nền tảng cho chuyển đổi số, thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh.

Hiện toàn tỉnh có 8 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp khoa học - công nghệ. Sở KHCN đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp khoa học - công nghệ để thúc đẩy loại hình này phát triển hơn trong tương lai. 

Doanh nghiệp khoa học - công nghệ được hưởng nhiều ưu đãi đặc biệt như miễn thuế thu nhập trong 4 năm đầu; giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học - công nghệ; miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất; không mất phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo…

Bên cạnh đó, mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang được tỉnh đẩy mạnh.

Ứng dụng công nghệ trong điều tiết giao thông

Ứng dụng công nghệ trong điều tiết giao thông

Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững để hút khách du lịch, tỉnh đang đẩy nhanh kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. 

Kế hoạch hành động số 58/KH-UBND, ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh cũng nêu rõ mục tiêu “đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng hiện đại, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm”, “Phấn đấu đến năm 2030, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực, địa phương”.

Các chiến lược hiện đang được cấp lãnh đạo phối hợp với doanh nghiệp và người dân để thực hiện triển khai liên tục trong 2 giai đoạn 2023–2025 và 2026-2030.

Hạ tầng tốt tạo nhân lực tốt

Là 1 trong 4 vùng trọng điểm của phía Nam, đổi mới quy hoạch hạ tầng giúp Bà Rịa - Vũng Tàu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đóng góp nhiều hơn cho vùng. 

Theo Nghị quyết quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2059, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh bố trí không gian phát triển theo 4 vùng chức năng: Công nghiệp - cảng biển; Du lịch; Nông nghiệp; Vùng biển - hải đảo. Từ đó, hình thành 3 trục động lực phát triển: Trục động lực dọc sông Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51; dọc đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4; dọc ĐT 994 và đường trục kết nối Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đến năm 2050, tỉnh tiếp tục hoàn thiện đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng gồm: hệ thống đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; hệ thống Metro kết nối các trung tâm đô thị (Bà Rịa, Vũng Tàu, Phú Mỹ, Long Điền, Long Hải), hệ thống MonoRail kết nối các đô thị du lịch ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu; sân bay chuyên dùng Gò Găng (thay thế sân bay Vũng Tàu) và sân bay chuyên dùng Đất Đỏ; hiện đại hóa hệ thống hạ tầng đô thị và các các công trình hạ tầng khác.

Ở mỗi công trình trọng điểm này, khoa học công nghệ được đẩy mạnh phát triển, tạo bước tiến giúp Bà Rịa - Vũng Tàu hội nhập với các quốc gia lớn trên thế giới. 

Ứng dụng công nghệ trong vận tải ở cảng Cái Mép

Ứng dụng công nghệ trong vận tải ở cảng Cái Mép

Tại Phú Mỹ, xây dựng các tổ hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ quy mô lớn, thu hút đầu tư các dự án hóa dầu, hạ nguồn hóa dầu, điện - điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo… Côn Đảo tiếp tục hoàn thiện mô hình khu du lịch quốc gia, trở thành đô thị du lịch sinh thái biển đảo hàng đầu cả nước với môi trường sống an toàn, trong lành.

Ngoài ra, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, thông minh; xây dựng hạ tầng số và hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin. 

Tất cả những đề án, hành động đã và đang thực hiện góp phần duy trì tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao, cập nhật khoa học công nghệ kịp thời, bắt kịp sự phát triển thế giới của Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN