Talkshow Việt: Sức có hạn!
Talkshow truyền hình Việt dù đang nở rộ và luôn đạt được mục tiêu thuận lợi nhưng chính điều đó là nguyên nhân cản trở sự phát triển của dạng thức đầy tiềm năng
Đưa khán giả vào những câu chuyện tự kể của nghệ sĩ với những thú vị về hỉ, nộ, ái, ố phía sau ánh hào quang, các chương trình Mỗi tuần một chuyện - Đối thoại với Lê Hoàng, Nói ra đừng sợ - Đối thoại với Lê Quốc Vinh và Lần đầu tôi kể - Đối thoại với Anh Bờ Vai ít nhiều tạo dấu ấn trên bản đồ talkshow Việt thời gian gần đây.
Minh Hằng trong talkshow Lần đầu tôi kể Ảnh: ĐĂNG CHỨC
Phong phú về lượng
Cũng khai thác về cảm xúc thật của người nổi tiếng trong cuộc sống đời thường, Khoảnh khắc thay đổi số phận với sự dẫn dắt của nhân vật người giấu mặt ít nhiều tạo thú vị bởi những khoảnh khắc từ vui vẻ cười nói đến cao trào có khi chảy nước mắt. Nghệ sĩ kể về những biến cố quan trọng trong cuộc đời của họ, thể hiện một cách chân thật những sắc thái cảm xúc rất đời thường trong con người của họ.
Cũng để lại nhiều dấu ấn là chương trình Chuyện đêm muộn phát sóng trên VTV3 với sự dẫn dắt của cựu vận động viên dance sport Trác Thúy Miêu. Với những chủ đề như Tình cũ rủ rê, Tình yêu không biên giới, Người thứ ba, Hình xăm tiếc nuối, Cô nàng đào mỏ…, khán giả có cái nhìn toàn diện hơn về xã hội hiện đại thông qua quan điểm khác nhau của giới trẻ. Yếu tố làm nên sự thú vị của Chuyện đêm muộn chính là mọi người khi tham gia chương trình đều dám nói lên những điều họ nghĩ, dám phản ứng với những thứ họ không thích một cách thông minh và lịch sự.
Tất nhiên, vẫn theo công thức cũ được áp dụng ở nhiều chương trình, Chuyện đêm muộn cũng không thể tách rời những vấn đề của thế giới nghệ sĩ. Những câu chuyện dao kéo của Phi Thanh Vân, những bất ngờ khi Huy Khánh từng cảm mến một cô gái nước ngoài, những suy nghĩ của Cát Phượng khi chồng cũ của cô - diễn viên Thái Hòa - tái giá… Tất cả những thay đổi về tâm trạng, cảm xúc của những người nổi tiếng được diễn tả hết sức chân thật.
Sự thành công của talkshow Người giấu mặt hay Chuyện đêm muộn đã giúp cho nhiều người can đảm hơn trong cuộc chơi truyền hình. Điều này mở ra một trào lưu xây dựng các chương trình talkshow trên sóng truyền hình bên cạnh sự nở rộ nhanh chóng của chương trình truyền hình thực tế. Trong đó, Nói ra đừng sợ là cuộc trao đổi thoải mái với những người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực. Các khách mời sẽ đề cập trực diện những vấn đề nhiều người quan tâm nhưng ít được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông. Đó có thể là một bí mật đời tư, suy nghĩ về một hiện tượng hay sự kiện trong xã hội. Còn talkshow Chuyện đàn ông lại là câu chuyện hài hước và tự nhiên của 3 người nổi tiếng là diễn viên - luật sư Thiệu Ánh Dương, ca sĩ Hà Anh Tuấn và đạo diễn Ngô Quang Hải. Sau giờ làm việc, họ ngồi trong một không gian thư thái, cùng nói chuyện phiếm về những chủ đề xã hội, văn hóa, giải trí, kinh doanh… và phụ nữ. Đó là chưa kể những chương trình như Bí mật hạnh phúc trên kênh An ninh TV, Ghế đỏ của YanTV hay Câu chuyện âm nhạc trên Yeah1 TV… cũng khai thác triệt để những quan điểm, bí mật trong cuộc sống của các ngôi sao để thu hút công chúng.
Trông người mà ngẫm đến ta...
Sức hấp dẫn của các chương trình talkshow là có thật. The Ellen DeGeneres Show của Ellen DeGeneres có đến chục giải thưởng Emmy; Oprah Winfrey nhờ có sô mang tên chính mình mà trở thành người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong ngành truyền hình Mỹ; Conan O’Brien đã khiến khán giả hết sức tiếc nuối khi quyết định từ bỏ chương trình gắn với tên tuổi của ông là Tonight Show do không thỏa thuận được với nhà đài về thời gian phát sóng hay việc được xuất hiện trong chương trình On air của Ryan Seacres là một vinh dự…, qua đó phần nào cho thấy tương lai xán lạn cho talkshow trên truyền hình Việt.
Thế nhưng, với những gì đang diễn ra, giấc mơ gặt hái thành công của talkshow Việt vẫn là một con đường dài. Quan trọng nhất trong các talkshow chính là người dẫn dắt. Thường người được giao vị trí dẫn dắt trong các talkshow là người đủ quyền và lực để khai thác thông tin từ khách mời. Những người này cũng phải đủ tinh tế để biến cuộc đối thoại trở nên thú vị hơn với những câu hỏi thẳng thắn, bất ngờ, hoàn toàn không có sự sắp đặt của kịch bản, dàn dựng. Dường như chỉ có Ellen mới khiến Britney Spears nhảy điệu ngựa phi của Psy trong Gangnam style hay khiến cho nhiều người nổi tiếng thừa nhận giới tính thật của mình; chỉ có Oprah mới làm cho Tom Cruise nhảy cẫng lên trên truyền hình khi bày tỏ tình yêu với Katie Holmes; Lance Amstrong thừa nhận sử dụng doping trong sự nghiệp thể thao đỉnh cao của mình hay Tiger Woods thú nhận đã ngoại tình cùng căn bệnh nghiện tình dục gây chấn động dư luận thế giới.
Trong khi đó, hầu hết các talkshow Việt luôn gặp nhau ở một điểm rơi là “những cuộc độc thoại nhàm chán”. Ngay cả những chương trình như Khoảnh khắc thay đổi số phận, Người đương thời hay Chuyện đêm muộn, các khách mời kể lể quá dài dòng về câu chuyện của bản thân mình. Đó là chưa kể hầu như không có sự khác biệt giữa các số phát sóng của cùng một chương trình. Các chương trình giống như được lập trình sẵn, khách mời thay đổi nhưng diễn biến, tình tiết câu chuyện chỉ có một. Các talkshow dành cho sinh viên, giới trẻ nếu không cứng nhắc thì cũng thường rơi vào tình trạng giáo điều, chán ngắt.
Chịu chơi và không ngại quậy là hình ảnh quen thuộc của Ellen DeGeneres. MC kỳ cựu Larry King thì được khán giả nhớ đến bởi sự khắc nghiệt, từng làm các khách mời phải “quê” ngay trong chương trình truyền hình trực tiếp. Paris Hilton từng phải bật khóc khi cứ bị hỏi về những ngày ngồi tù. MC Wendy Williams còn không ngại chỉ trích những nhân vật có tiếng trong làng giải trí. Và tất nhiên, những chi tiết làm nên nhiều điều thú vị và hấp dẫn cho một talkshow này thì hoàn toàn thiếu trong những talkshow Việt. Dù rằng mọi sự so sánh tây - ta đều khập khiễng nhưng sự cách biệt quá lớn về cá tính người dẫn chương trình chính là lý do khiến talkshow Việt khó thành công. Đó là chưa kể sự e dè cùng tâm lý giữ hình ảnh đẹp của cả khách mời lẫn người dẫn dắt khiến cho talkshow thiếu sức hút. Quá thận trọng và giữ kẽ khi đối mặt với những câu hỏi từ chương trình thì tất yếu sẽ chỉ mang lại kết quả nhạt nhẽo.
Điều làm nên thành công của các talkshow nước ngoài là những cuộc trò chuyện chưa bao giờ “ngồi” và “thảo luận”. Khán giả theo dõi chương trình có cảm giác như đang được xem một bộ phim nhỏ, hành động chứ không chỉ đơn giản là ngồi nghe và cười rồi vỗ tay.