Xem lại ưu tiên trong xét tuyển

Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ tuy có những bước điều chỉnh nhưng cần phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa để ưu tiên đúng đối tượng và hợp lý hơn

Gần đây có nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại về ưu tiên tuyển sinh, nhất là sau kỳ xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 vừa qua. Thay đổi cơ bản nhất trong năm 2015 là khâu thi và khâu xét tuyển được tách biệt hoàn toàn về mặt thời gian, thí sinh đăng ký xét tuyển khi đã biết được điểm thi của mình đã dẫn đến thay đổi đáng kể cơ cấu sinh viên theo khu vực (KV) của các trường ĐH lớn ở những thành phố lớn.

Chính sách ưu tiên phải đúng đối tượng

Từ việc khoảng cách ưu tiên giữa đối tượng được ưu tiên nhiều nhất với đối tượng không được ưu tiên gì tuy đã thu hẹp từ 7 điểm xuống 5 điểm và hiện là 3,5 điểm cho đến ưu tiên KV căn cứ trên hộ khẩu thường trú chuyển thành ưu tiên KV căn cứ chủ yếu vào nơi học sinh học và thi tốt nghiệp THPT..., các tiêu chí về ưu tiên có vẻ đã ngăn chặn được nhiều trường hợp lợi dụng chính sách.

Xem lại ưu tiên trong xét tuyển - 1

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào một trường ĐH tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Trước khi có điều chỉnh về ưu tiên KV và ưu tiên đối tượng (trước năm 2014), số thí sinh được ưu tiên chiếm tỉ lệ rất lớn. Thống kê tuyển sinh ĐH trong 2 năm 2012 và 2013 cho thấy các đối tượng không được ưu tiên gì (học sinh phổ thông thuộc KV3) chỉ chiếm khoảng 13%-14%; trong đó ưu tiên do KV chiếm tuyệt đại đa số (82% tổng số thí sinh) và cũng trong đó, số thí sinh được ưu tiên theo KV1 dao động hằng năm lên đến khoảng 33%-39%.

Từ năm 2014, các quy định về ưu tiên được hoàn chỉnh hơn vì có căn cứ hợp lý hơn trên các văn bản pháp quy ở cấp Chính phủ (Quyết định 539 của Thủ tướng và Quyết định 447 của Ủy ban Dân tộc và các văn bản khác có liên quan). Số tỉnh được ưu tiên KV1 trên toàn tỉnh từ 21 tỉnh giảm còn 17 tỉnh.

ĐH vùng, địa phương mất ưu thế

Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh quyết định cơ cấu sinh viên của các trường ĐH - CĐ, từ đó có liên quan đến chế độ, chính sách học bổng, miễn giảm học phí, chuẩn bị ký túc xá và nhiều vấn đề khác. Với chính sách ưu tiên như hiện nay, cơ cấu sinh viên của ĐHQG TP HCM là 25% KV3, 25% KV2, 20% KV2-NT và 30% KV1. Hơn thế nữa, chính sách ưu tiên tuyển sinh, đặc biệt là ưu tiên theo KV, có tác động rất lớn đến đào tạo nguồn nhân lực cho từng địa phương. Đó là chưa kể việc giảm tỉ lệ thí sinh được ưu tiên theo KV1 sẽ làm “sức cạnh tranh” của các thí sinh ở những khu vực ít ưu tiên hơn trước đây nay sẽ “mạnh” hơn lên. Chính khi đó, các trường ĐH ở các vùng miền, địa phương sẽ có cơ hội tuyển được nhiều thí sinh giỏi hơn.

Với cách thi và cách xét tuyển như hiện nay (đăng ký xét tuyển sau khi biết điểm thi), thí sinh có điểm cao sẽ tìm kiếm cơ hội ở những trường lớn và những ngành hấp dẫn. Các thí sinh điểm cao lại được ưu tiên đối tượng hoặc KV (hoặc cả hai) sẽ càng tận dụng ưu thế của mình. Trong đợt xét tuyển vào các trường ĐH (đặc biệt là vào những ngành học thu hút thí sinh và những trường ĐH lớn), thí sinh có điểm cao nhờ ưu tiên đối tượng và KV chiếm tỉ lệ rất lớn, thường là trên 90% trong tốp 100 thí sinh có điểm cao nhất của ngành xét tuyển. Điều này chắc chắn làm giảm tỉ lệ học sinh có điểm thi cao vào các trường ĐH ở các vùng miền, địa phương.

Cử nhân hưởng ưu tiên có trở về địa phương?

Một khảo sát sinh viên năm 2015 trên gần 22.000 sinh viên cả nước (trong đó có hơn 6.500 sinh viên của ĐHQG TP HCM) cho biết kỳ vọng thu nhập hằng tháng của sinh viên ĐHQG TP HCM khi mới tốt nghiệp là khoảng 14 triệu đồng/tháng (tương đương 7.400 USD/năm). Nếu so với GDP bình quân của cả nước năm 2020 (theo dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc khóa XII) là khoảng 3.200-3.500 USD/năm hoặc nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM đặt chỉ tiêu GDP ở năm 2020 là 9.800 USD/năm, có thể đoán trước được câu trả lời cho câu hỏi trên khi mà thu nhập ở các thành phố lớn cao hơn thu nhập bình quân của cả nước và cao hơn rất nhiều lần so với thu nhập bình quân của các vùng miền khó khăn.

Ưu tiên trong tuyển sinh vẫn cần thiết để đáp ứng các yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đầu vào còn liên quan rất chặt chẽ với các chính sách khác trong quá trình học tập của sinh viên như chế độ miễn giảm học phí, giải quyết nhu cầu ở ký túc xá... Để chính sách ưu tiên này đến được đúng đối tượng, cần phải có các giải pháp kỹ thuật triển khai thực hiện chặt chẽ, nhất là phải có những điều kiện ràng buộc nghĩa vụ đối với các học sinh đã thụ hưởng chính sách ưu tiên. Khi đó, chính sách ưu tiên mới có hiệu quả và công bằng hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN