Vụ lùm xùm tại ĐH Hoa Sen: Mâu thuẫn vì lợi ích kinh tế

Nguyên nhân chính dẫn tới những lùm xùm tại trường ĐH Hoa Sen thời gian qua là do bất đồng về lợi ích kinh tế giữa việc có hay không phát triển trường theo định hướng “phi lợi nhuận”.

Không công nhận Đại hội cổ đông bất thường

Chiều 4/8, HĐQT đương nhiệm trường ĐH Hoa Sen đã tổ chức một cuộc gặp gỡ báo chí để trao đổi nhiều vấn đề xung quanh việc mâu thuẫn nội bộ và một nhóm cổ đông của trường tổ chức Đại hội cổ đông bất thường (ĐHCĐBT) Trường ĐH Hoa Sen năm 2014 vào ngày 2/8 vừa qua.

Tại buổi gặp mặt, ông Hoàng Đức Bình, Trưởng phòng tuyển sinh – truyền thông của trường cho rằng, đây không phải buổi họp báo chính thức mà chỉ là một cuộc gặp gỡ do “nhiều phóng viên quan tâm tới tình hình của trường và mong muốn có câu trả lời từ phía người có trách nhiệm. Do đó, thay vì trả lời từng người thì chúng tôi tổ chức cuộc gặp gỡ để trao đổi với tất cả những phóng viên có yêu cầu”.

Trao đổi tại cuộc gặp, ông Trần Văn Tạo, Chủ tịch hội đồng quản trị đương nhiệm khẳng định, ĐHCĐBT do một nhóm cổ đông của trường tổ chức hôm 2/8, trong đó có biểu quyết thông qua việc bãi nhiệm 5/7 thành viên HĐQT và toàn bộ Ban kiểm soát đương nhiệm là hoàn toàn không hợp pháp. “ĐHCĐBT được tổ chức có 84 người tham gia với số cổ phần chiếm 70,08%. Tuy nhiên, trong số 70,08% cổ phần này có nhiều cổ phần tại các công ty I-Connect và Co-Ordinate đang bị tranh chấp nên tính pháp lý của các công ty này và của số cổ phần mà họ đại diện là việc cần phải xem xét. Số cổ phần theo Công ty I-Connect thông báo là 2.487.295 cổ phần. Nhưng theo hồ sơ quản lý cổ đông của trường, Công ty I-Connect đã được ghi nhận có 1.470.036 cổ phần. Với số liệu này, cổ đông tham dự ĐHCĐBT chỉ sở hữu cổ phần tương ứng là 59% vốn điều lệ, ít hơn điều kiện được quy định trong Quy chế Tổ chức và hoạt động của ĐH Hoa Sen là 65%’.

Theo ông Tạo, tính minh bạch trong ĐHCĐBT cũng là một điều cần phải quan tâm. Bởi khi đã nêu ra trong hồ sơ trình cổ đông tại đại hội thì phải làm rõ ràng, đầy đủ bằng chứng về những số liệu, sai phạm nếu có. Ví dụ như 119 tỉ đồng là gì? Trường ĐH Hoa Sen đã làm thiệt hại 22 tỉ đồng là gì? Vấn đề lợi nhuận hay không lợi nhuận? Tư lợi hay không tư lợi?... Từ đây, ông khẳng định, việc tổ chức ĐHCĐBT vừa qua chỉ nhằm mục đích bỏ phiếu bãi nhiệm cả một tập thể HĐQT mà nhiều năm qua đã cống hiến hết tâm sức mình cho sự phát triển của nhà trường.

Vụ lùm xùm tại ĐH Hoa Sen: Mâu thuẫn vì lợi ích kinh tế - 1

HĐQT đương nhiệm trường ĐH Hoa Sen tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 4/8

Bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng, Phó chủ tịch HĐQT trường ĐH Hoa Sen cho biết, hiện tại trường đã có văn bản gửi UBND TP.HCM, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như các cơ quan liên quan, trong đó nêu rõ quan điểm của HĐQT đương nhiệm và những điểm bất hợp pháp của ĐHCĐBT vừa qua. Từ đó, kiến nghị các cấp lãnh đạo không thông qua kết quả bầu HĐQT và Ban kiểm soát mới do ĐHCĐBT vừa mới bầu ra.

Đảm bảo quyền lợi học tập cho sinh viên

Về vấn đề sinh viên lo lắng, hoang mang trước những mâu thuẫn trong nội bộ nhà trường, bà Phượng cho rằng điều này là sự thật. Thế nên thời gian qua, trường đã dành thời gian để lắng nghe những ý kiến của sinh viên từ nhiều kênh khác nhau. “Về phía ban giám hiệu nhà trường, chúng tôi có ra một thông điệp của hiệu trưởng trước khi ĐHCĐBT được diễn ra. Theo sự quan sát của chúng tôi, thông điệp đó có ý nghĩa tích cực trong việc trấn an và làm sinh viên yên tâm, hiểu rằng nhà trường vẫn đang chăm lo cho các em và đảm bảo việc học hành”.

Về việc nhóm cổ đông tố cáo nhà trường “giấu doanh thu” 119 tỷ đồng, bà Phượng cho rằng đây chỉ là “ghi hạch toán sai chỗ” trong báo cáo tài chính hàng năm của trường ĐH Hoa Sen. Thay vì ghi số tiền này vào dòng “doanh thu”, bộ phận kế toán nhà trường đã ghi vào mục “Học phí thu trước” và “Nợ phải trả”. “Trên thực tế, số tiền của nhà trường không thất thoát. Nhưng việc bị hạch toán sai tài khoản đã dẫn đến doanh thu mà mình báo cáo năm đó thấp hơn thực tế, nên số tiền đóng thuế cũng thấp hơn. Đây là việc làm có chủ ý của một số cá nhân, nhà trường đã phát hiện và có hướng xử lý kịp thời”. Ngay sau khi được báo động về sự việc, trường đã nhanh chóng khắc phục hậu quả bằng việc truy nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 2/ 2013 – 2014 với tổng số tiền hơn 15,3 tỷ đồng.

Tại buổi họp báo, bà Phượng cũng thừa nhận, nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn trong nội bộ nhà trường là sự bất đồng quan điểm về lợi ích kinh tế. Trong khi các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát vẫn muốn duy trì trường hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận, đồng thời sửa đổi một vài điều lệ để phù hợp hơn với Luật Giáo dục Đại học và nghị định 141 thì cũng có những thành viên không chấp nhận phương án này. Bởi theo quy chế mới của Luật Giáo dục Đại học, nếu trường muốn tiếp tục hoạt động theo hướng không vì lợi nhuận thì mức cổ tức cao nhất có thể trả chỉ bằng với lãi suất trái phiếu nhà nước. “Nếu làm theo luật mới, thì lợi ích kinh tế hàng năm của các cổ đông giảm đi rất nhiều, đây là điều khiến một số thành viên không chấp nhận được. Từ đây, mâu thuẩn xảy ra khi họ muốn trường thay đổi định hướng phát triển vốn đã được xác định ngay từ những ngày đầu thành lập”.

Trước khả năng mâu thuẫn nội bộ kéo dài, có thể ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cũng như thương hiệu ĐH Hoa Sen, bà Phượng cho rằng,  hiện tại, HĐQT và Ban giám hiệu nhà trường vẫn còn đủ sức để ổn định môi trường học tập, đào tạo cho sinh viên. Bên cạnh đó, bà cũng mong mỏi sự giúp đỡ từ phía các cơ quan chức năng để nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh xảy ra tình trạng như trường ĐH Hùng Vương thời gian qua.

Cũng trong buổi họp báo, khi có thông tin cho rằng, lương của Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen là 2 tỷ đồng/ năm, bà Phượng đã cho biết: “Học phí của một sinh viên ĐH chính quy là 50 triệu đồng/năm, học phí của chương trình Vatel là 65 triệu đồng/năm. Lương của tôi hiện nay là hơn 80 triệu đồng/ tháng. Với một ngôi trường với trên 10.000 sinh viên, tôi thấy con số này cũng rất bình thường nếu so với các Trưởng, Phó khoa hay thành viên HĐQT khác. Con số 2 tỷ đồng/ năm là hoàn toàn không có căn cứ chính xác”.

Trước đó, sau một loạt những mâu thuẫn kéo dài, ngày 2/8, nhóm cổ đông nắm giữ hơn 30% cổ phần trường ĐH Hoa Sen đã tổ chức ĐHCĐBT, trình bày những sai phạm của hiệu trưởng Bùi Trân Phượng, sự thiếu trách nhiệm của HĐQT trong công tác giám sát, quản lý, điều hành trường ĐH Hoa Sen. Đại hội cũng bỏ phiếu bãi nhiệm 5/7 thành viên HĐQT và toàn bộ Ban kiểm soát đương nhiệm để bầu ra HĐQT và Ban kiểm soát mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thiện An ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN