"Tương tác giữa người với người tuyệt đối quan trọng"

Dù là một chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực khoa học máy tính nhưng PGS Ngô Quang Hưng cho rằng không nên tuyệt đối hóa vai trò của giáo dục số trong tương lai. Trong giáo dục, các chương trình dạy học trực tuyến chỉ nên xem như một công cụ, còn hoạt động tương tác giữa người với người thì tuyệt đối quan trọng trong phát triển tư duy.

PGS Ngô Quang Hưng: Tôi có một mối quan tâm cực kỳ lớn về tất cả mọi loại hình giáo dục số, không chỉ do đặc thù nghề nghiệp mà còn bởi những suy tư về việc dạy con. 

PGS Ngô Quang Hưng tốt nghiệp ĐH Bách khoa TPHCM năm 1995,  bảo vệ luận án tiến sĩ ngành Khoa học Máy tính ĐH Minnesota, Mỹ năm 2001. Từ 2001 đến nay, anh giảng dạy và nghiên cứu ngành Khoa học Máy tính ĐH bang New York ở Buffalo. Hiện anh còn là thành viên Nhóm Đối thoại Giáo dục mà GS Ngô Bảo Châu là người khởi xướng.

Tất cả các nghiên cứu xã hội đều nói việc xem ti vi (TV) hay việc dùng các thiết bị số quá nhiều rất không tốt cho phát triển tư duy. Tư duy trẻ con được phát triển tốt nhất khi các con vui chơi một cách tự nhiên mà không cần dùng một hình thức công nghệ nào để kích thích não. 

Nói một cách nôm na, những suy nghĩ sâu sắc nhất trong lịch sử nhân loại là nhờ bạn ngồi nhìn quả táo rơi rồi suy nghĩ một cách trừu tượng chứ không phải nhờ nhìn chăm chăm vào một cái màn hình. 

Nhiều người biết điều này, GS Ngô Bảo Châu chẳng hạn, anh ấy vẫn thường nói với chúng tôi rằng ở nhà không hay cho con cái xem TV. Tôi cũng vậy, giới hạn việc xem TV của các con mỗi ngày nửa tiếng. Nếu trẻ sử dụng nhiều TV và thiết bị số thì sẽ không tự suy nghĩ được một khi không có một chất xúc tác theo kiểu số từ bên ngoài. Bạn phải biết rằng cái não của mình cũng rất lười, nó dễ bị lệ thuộc vào các chất xúc tác. 

Vì những điều trên mà tôi cho rằng người thầy mới là nhân vật có thể làm tốt nhất vai trò giáo dục học sinh trong nhà trường. Hình thức giáo dục trực tuyến nếu được dùng như một kênh tham khảo thì không sao, còn áp dụng đại trà thì cần phải quan tâm tới việc giảm khả năng tư duy trừu tượng của học sinh - sinh viên.

"Tương tác giữa người với người tuyệt đối quan trọng" - 1

Một lớp học mầm non sử dụng ti vi. Ảnh: Hải Phong

Thiết bị CNTT và internet hiện tràn ngập khắp nơi, thậm chí nó trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của thanh thiếu niên. Và như vậy không thể cưỡng lại sự thâm nhập ngày càng sâu sắc của nó tới đời sống giáo dục?

Tất nhiên nó là một thành tố không thể thiếu được trong đời sống hiện đại. Nhưng như ở Mỹ chẳng hạn, hiện có rất nhiều người - kể cả thanh thiếu niên - lập ra một phong trào offline hoàn toàn, offline tuyệt đối.

Tôi tin vào khả năng cưỡng lại những cám dỗ của con người. Con người rất thông minh, dù họ bị cám dỗ bởi đủ mọi thứ gây nghiện, ví dụ như thuốc lá, nhưng họ đã nhìn thấy tác hại của chúng và sớm hay muộn họ cũng sẽ nghĩ ra cách để giải quyết, chống đỡ những cám dỗ đó.

Nhưng có lẽ mình cũng nên nghĩ xa hơn tới một tương lai dài hạn, chẳng hạn cố gắng làm sao đừng để 50 năm nữa phải tốn nhiều chục nghìn tỉ USD chữa cho những bệnh ung thư phổi là tốt nhất. Nghĩa là mình phải tìm cách cân bằng.

Có thể tôi hơi bảo thủ chăng? Nhưng với tư cách là một người đã và đang đi dạy từ hàng chục năm nay thì tôi thấy sự tương tác giữa thầy trò là những giá trị không thể đo lường được trong giáo dục. Thầy chỉ nhìn học trò bằng một ánh mắt nào đó thôi là tính truyền cảm trong bài giảng của thầy rất khác với việc trò ngồi xem video. 

Những người làm giáo dục số nên nghĩ nhiều hơn về các giải pháp nhằm thể hiện mối quan hệ tương tác giữa người và người trong quá trình giáo dục. Những hoạt động tương tác giữa người với người tuyệt đối quan trọng cho sự phát triển tư duy của trẻ con. Những tư duy tự do đến với con người nhiều khi đơn giản chỉ là trong khi đi bộ ở trong rừng.

Anh lý giải thế nào về hiện tượng Mooc (khoá học đại trà trực tuyến mở - Massive Open Online Course) bùng nổ năm 2012 dù chúng mới xuất hiện năm 2011? Rồi Khan Academy cũng được nói đến như một điển hình của sự thành công trong xu hướng giáo dục trực tuyến, có thật sự là họ đã thành công?

Theo như tôi biết thì Mooc hiện cũng đang ngắc ngoải ở Mỹ. Những người làm Mooc cũng đang “bơi” trong việc tìm ra hướng đi để cho nó sống. Nhưng như người ta vẫn nói, dự đoán rất là khó, nhất là đoán tương lai, cho nên tôi không dám khẳng định nó sẽ sống hay sẽ chết.

Những người làm công nghệ và những nhà giáo dục làm Mooc đều là những người rất thông minh của thế giới, có thể vài năm sau họ lại tìm được giải pháp nào đó để dung hòa những bất cập của Mooc. Tôi chỉ nói cái Mooc mà như chúng ta nhìn thấy ở những năm 2011, 2012 là cái không sống được, nhưng rồi biết đâu trong tương lai một hình thái khác của Mooc có lẽ rồi sẽ xuất hiện chăng?

"Tương tác giữa người với người tuyệt đối quan trọng" - 2

PGS Ngô Quang Hưng

Còn về Khan Academy, cho dù có thành công hay thất bại thì đó vẫn là một hiện tượng về giáo dục trên toàn cầu. Chắc chắn giá trị mà nó đã đạt được cũng rất cao. Nhưng như tôi đã phân tích, các chương trình giáo dục số cần được dùng như một tài liệu tham khảo hơn là một cái gì đó để thay thế phương thức giáo dục truyền thống. Nếu như trước đây mình chỉ có sách giáo khoa, tài liệu in trên giấy thì giờ mình có thêm một công cụ truyền thông mới để chuyển tải cùng một nội dung.

Mình không thể bỏ vai trò tương tác giữa thầy với trò, vì điều đó kết nối người học tới những gì đó lớn hơn cái mà người ta nhìn thấy được.

Giáo dục trực tuyến đang được một số nhà cải cách giáo dục kỳ vọng sẽ mang đến cho tương lai nền giáo dục VN một diện mạo mới. Theo anh, kỳ vọng này có vượt quá khả năng của Mooc?

Thực tế cho thấy hiệu quả giáo dục online chưa cao. Đúng là nhiều người đăng ký học online, nhưng người ta có học được gì ở online không lại là chuyện rất khác! 

Mới đây, trong hội thảo Cải cách GD ĐH do Nhóm Đối thoại Giáo dục tổ chức ở TP Hồ Chí Minh có báo cáo của TS Giáp Văn Dương, Giám đốc Giapschools (một trường học trên mạng) về giáo dục số. Trong hội thảo, tôi cũng chia sẻ với TS Giáp Văn Dương quan điểm của mình. Chẳng hạn ở ĐH bang San Jose, Mỹ có 400 người đi học nhưng cuối cùng đến kỳ kiểm tra cho thấy chỉ khoảng 7% là thật sự học. 

Theo tôi, một thách thức mà các chương trình GD online nói riêng cũng như Mooc nói chung là chỉ phù hợp với những người có khả năng tự học rất cao, những người mà theo như TS Đàm Quang Minh (Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ) nói là đều có trình độ tiến sĩ. 

Trong khi đó những người làm Mooc đều có ý tưởng hướng tới mục tiêu đại trà hóa giáo dục, lý do để Mooc ra đời là phục vụ người học ở bất kỳ vùng miền nào của Tổ quốc, cho dù nó ở Lạng Sơn hay Cà Mau, miễn là họ truy cập được internet! Đây là một mâu thuẫn mà những người làm Mooc phải tìm cách giải quyết nếu muốn nó được “sống”.

Cảm ơn PGS Ngô Quang Hưng!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quý Hiên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN