Từ bỏ ước mơ "đứng lớp" vì không có 100 triệu đồng
Muốn được ký hợp đồng ngắn hạn, gia đình Bảo phải mất kinh phí tới cả trăm triệu đồng. Tính toán thiệt hơn, gia đình không có tiền chạy, Bảo đành từ bỏ ước mơ làm giáo viên.
Tốt nghiệp sư phạm: Niềm vui ngắn chẳng tày gang
Trường hợp sinh viên Nguyễn Thị Hương, ở Thanh Oai – Hà Nội, học xong Cao đẳng Sư phạm Hà Tây (cũ), ra trường đã gần chục năm nay không kiếm được việc đúng với ngành nghề mà Hương mơ ước.
Hương kể: “Khi cầm được tấm bằng cao đẳng sư phạm trên tay, em thấy vui mừng khó tả, vì ước mơ bấy lâu nay trở thành cô giáo sắp thành hiện thực. Song niềm vui chưa được bao lâu, khi gia đình và bản thân nhờ hết cửa này, cửa khác tìm đến các trường học xin làm hợp đồng dạy học, đều nhận được cái lắc đầu…”.
Có trường học hứa chờ đến đợt sẽ gọi, nhưng em mòn mỏi chờ đợi. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã mất 3 năm trong cảnh thất nghiệp, mà người ta cứ bảo chờ. Chán quá, thấy một số thông tin tuyển công nhân sản xuất tại một Công ty kinh doanh sản xuất thức ăn chăn nuôi, em nộp hồ sơ thi tuyển đi làm, với đồng lương gần 3 triệu đồng/tháng".
Nhiều sinh viên sư phạm khi ra trường không có việc làm
Vừa làm, chị vừa học thêm bằng hai. Sau khi cầm được tấm bằng kế toán, Hương xin chuyển công việc lên làm thủ quỹ. Với công việc làm thủ quỹ trong công ty hiện nay, thu nhập 5 -6 triệu đồng/tháng, đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình, Hương cảm thấy hài lòng với công việc hiện tại và quên đi tấm bằng cử nhân sư phạm, quên đi mơ ước được đứng lớp.
Song, nỗi xót xa mỗi khi nhớ lại là không thể tránh khỏi. Hương ngậm ngùi nói: “Nếu không có sự khuyên nhủ của gia đình và quyết tâm của bản thân, cứ mòn mỏi chờ làm đúng ngành thì giờ chắc giờ vẫn tay trắng. Công thêm thời gian lâu quá, kiến thức học trong trường sẽ mất dần. Tấm bằng CĐ sư phạm của mình giờ chỉ để làm kỷ niệm. Mất mấy năm học vô ích, ra trường không có việc làm đúng ngành”
Hương khẳng định: “Sau này con em sẽ không hướng cho chúng đi theo ngành sư phạm, vì rất khó xin việc. Em dự định sẽ hướng cho trẻ theo một số ngành nào đó như kỹ thuật hoặc kinh tế, những ngành mà xã hội đang có nhu cầu, dễ xin việc…”
100 triệu đồng để được làm giáo viên: Từ bỏ ước mơ
Trường hợp cựu sinh viên sư phạm Đặng Quốc Bảo (ở quận Hà Đông, Hà Nội), tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội ra trường cũng 3 năm nay chưa tìm được việc làm. Hành trình đi tìm việc của Bảo tại các trường học cũng thật khó khăn, vất vả…
Khi Bảo sắp tốt nghiệp, bố mẹ Bảo vui lắm và cũng nhờ người quen chỗ này, chỗ kia giới thiệu… xin việc làm tại một số trường học. Cũng như Hương, gia đình Bảo nhận được nhiều cái lắc đầu. Hỏi trường này bảo đủ, trường kia bảo thừa, phải chờ một thời gian nữa.
Cũng có trường đặt thẳng vấn đề là ký hợp đồng dạy theo tiết, thu nhập cũng chỉ trên dưới 1 triệu/tháng. Nhưng ngược lại, gia đình Bảo phải bỏ ra một khoản kinh phí xin việc làm đó mất 60 triệu đồng. Còn nếu ký hợp đồng ngắn hạn thì mất kinh phí tới cả trăm triệu. Tính toán thiệt hơn, gia đình không có tiền chạy, Bảo xin thôi.
Ở nhà mãi cũng chán, tiếc nuối với tấm bằng bao năm học, mất bao tiền của học xong lại để vứt xó, thất nghiệp, Bảo nộp hồ sơ làm nhân viên tiếp thị cho một công ty dược phẩm chuyên tiếp thị, kinh doanh thực phẩm chức năng với đồng lương tối thiểu đủ chi phí cho sinh hoạt hàng ngày.
Nhiều sinh viên sư phạm ra trường chấp nhận làm trái ngành (Ảnh minh họa)
Công việc hàng ngày của “thầy giáo” tương lai này là mang những sản phẩm thực phẩm chức năng đi tiếp thị, kinh doanh tại các đại lý thuốc hoặc các gia đình có nhu cầu. Những lúc rảnh rỗi Bảo giúp bố mẹ công việc gia đình. Bảo cho biết: “Công việc trái ngành, tuy vất vả nhưng cũng có đồng ra đồng vào, lại đỡ chán khi thất nghiệp với tấm bằng sư phạm…”
Từ sự lận đận của mình, Bảo mong rằng, các cơ quan chức năng ngành giáo dục nên có những quy hoạch rõ ràng về nhu cầu nhân lực của thầy cô giáo từng địa phương trong tương lai. Từ đó, các trường ĐH ngành sư phạm có chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm phù hợp số lượng sinh viên ra trường để có việc làm.
"Đừng đào tạo ồ ạt sinh viên sư phạm, để những người như chúng em ra trường để rồi thất nghiệp hoặc đi làm trái ngành nghề. Em vẫn mong mình làm đúng ngành nghề lắm! Nhưng có lẽ ước mơ này còn xa với đối với những sinh viên sư phạm thất nghiệp quá nhiều hiện nay…” - Bảo chua chát nói.